✴️ Nguyên nhân triệu chứng và cách chữa bệnh rối loạn khớp thái dương hàm

Nội dung

1. Những triệu chứng của tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm?

Tình trạng này được hiểu là hiện tượng các cơ khớp nhai thức ăn và khớp thái dương hàm có hoạt động bất thường. Đây không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm đến tính mạng con người thế nhưng nó có thể gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh và những biến chứng nặng về sau nếu không được chữa trị kịp thời. Bệnh có thể chỉ xuất hiện thoáng qua và sẽ biến mất ngay cho nên việc phát hiện ra bệnh sớm để chữa trị là rất khó khăn.

Biểu hiện người bệnh bị đau chính là triệu chứng điển hình của loại bệnh này, các cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ từ từ và đôi lúc sẽ đau nhói, đau tức tối. Một số triệu chứng đau cho thấy bạn đang bị rối loạn khớp thái dương hàm là:

  • Các vùng cơ có liên quan trong hoạt động nhai thức ăn đều bị đau như vùng dưới hàm, vùng góc hàm.
  • Người bệnh có thể bị đau nhức hoặc cảm giác mệt mỏi khi nhai hay cắn chặt thức ăn, nói chuyện, há miệng,...
  • Khớp hàm bị cứng khiến người bệnh khó há miệng lớn hoặc cảm giác hàm bị lệch.
  • Xuất hiện tiếng kêu khi cơ hàm hoạt động.
  • Đau các vùng cơ quan lân cận như phần trong tai, trước tai, đau hai bên thái dương, cổ, vai, gáy và thậm chí đau nhức nửa đầu.

2. Những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm là gì?

Tình trạng người bệnh bị rối loạn khớp thái dương hàm không phải chỉ là do một nguyên nhân nào đó gây ra mà có thể là do một nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến. Các chuyên gia y tế đã nghiên cứu và chỉ ra những nguyên nhân điển hình của căn bệnh này là:

  • Hàm răng không đều, có chiếc to chiếc bé, khấp khểnh, thưa hoặc bị thiếu răng.
  • Người bệnh có tật nghiến răng cũng sẽ có nguy cơ bị rối loạn khớp thái dương hàm cao hơn bình thường.
  • Những người có tiền sử bị chấn thương đến các cơ quan trên mặt, cụ thể là phần hàm khiến khớp thái dương hàm bị trật.
  • Thói quen ăn uống cũng là tác nhân không nhỏ đến tình trạng bệnh này khi người bệnh thường xuyên nhai thức ăn lệch một bên hoặc thường xuyên ăn các loại đồ ăn quá cứng và khó nhai.
  • Công việc nhiều khiến người bệnh bị căng thẳng, tâm lý không ổn định cũng sẽ khiến phản xạ co cơ hàm xuất hiện bất thường.
  • Những người mắc các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phản xạ của các cơ quan nhai thức ăn, xuất hiện tình trạng nghiến răng, lâu dần sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Theo một số nghiên cứu gen di truyền cũng cho thấy rằng căn bệnh này có thể bị di truyền bởi các cơ khớp thái dương hàm bị lệch bẩm sinh.

 Những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm là gì?

3. Mức độ nguy hiểm của tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm?

Trong những trường hợp nhẹ thì người bệnh chỉ bị cản trở khả năng ăn một chút vì việc nhai thức ăn thường bị đau nhức, mỏi mệt. Sau một thời gian bệnh có thể sẽ tự khỏi mà không cần phải thực hiện bất cứ việc gì. Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh tình cũng dễ dàng tự chữa khỏi như vậy mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng cho người bị rối loạn khớp thái dương hàm như:

  • Hoạt động nhai thức ăn phải chịu nhiều áp lực như đau nhức hay mỏi cơ hàm, dần dần sẽ cản trở việc hấp thụ thức ăn khiến cơ thể bị thiếu chất, suy nhược cơ thể và không thể làm được bất kì việc gì.
  • Khi bị rối loạn khớp thái dương hàm có thể khiến người bệnh bị đau ngay cả khi há miệng ra.
  • Tình trạng bệnh này nếu không được điều trị có thể sẽ khiến các phần xương khớp có liên quan cũng bị ảnh hưởng, xuất hiện viêm nhiễm khó có thể chữa trị.

4. Chữa bệnh rối loạn khớp thái dương hàm bằng cách nào?

Khi bạn xuất hiện các dấu hiệu có thể là triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm thì việc đầu tiên cần làm đó chính là tìm tới các cơ sở y tế để xác định bệnh tình. Bệnh có thể được cải thiện rất nhanh và mang lại hiệu quả tốt khi người bệnh phát hiện ra bệnh sớm.

  • Mặc dù không có loại thuốc nào đặc trị bệnh rối loạn khớp thái dương hàm, thế nhưng tùy thuộc vào những triệu chứng bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm đau phù hợp nhất. Đồng thời kết hợp với các biện pháp thư giãn tâm lý giúp bệnh tình mau chóng thuyên giảm.
  • Người bệnh có thể sử dụng máng nhai thư giãn để giảm thiểu các triệu chứng đau nhức của bệnh tình, giúp cố định lại khớp cắn và giảm áp lực lên phần khớp thái dương hàm.
  • Trong trường hợp khớp cắn của người bệnh không được điều chỉnh hết được bởi máng nhai thì bác sĩ sẽ chỉ định mài chỉnh lại khớp cắn sao cho bệnh không bị tái lại.
  • Phương pháp niềng răng cũng sẽ được áp dụng để nắn chỉnh lại khớp cắn hiệu quả, tuy nhiên việc niềng răng sẽ phải mất một khoảng thời gian khá dài vậy nên phương pháp này thường được áp dụng kết hợp với các cách chữa bệnh khác.
  • Trong một vài trường hợp các phương pháp trên chưa mang lại kết quả tốt nhất bởi tình trạng bệnh đã nặng thì khả năng cao người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các ca phẫu thuật khớp hàm.

Để việc điều trị bệnh tình được diễn ra suôn sẻ nhất thì các bệnh nhân bị rối loạn khớp thái dương hàm cũng nên sửa đổi thói quen sinh hoạt chưa lành mạnh như: Việc nhai thức ăn, loại thực phẩm ăn, tâm lý người bệnh,...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top