Những dấu hiệu cần cấp cứu nha khoa

Đau răng

Đau răng đương nhiên là triệu chứng phổ biến nhất cho thấy răng bạn đang gặp phải vấn đề gì đó. Tuy nhiên, có những loại đau răng nhẹ, âm ỉ và có những loại đau răng khiến bạn vô cùng đau đớn.Vậy, làm thế nào để bạn biết được là bạn cần đến phòng cấp cứu nha khoa? Rất đơn giản, nếu cơn đau bất ngờ tăng lên về cường độ hoặc tần số đau, thì rất có thể bạn gặp phải các vấn đề như sâu răng, vỡ răng hoặc áp xe. Cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn nếu cơn đau kéo dài sau khi bị kích ứng bởi đụng chạm, thay đổi nhiệt độ hoặc nhai.

 

Răng lung lay

Tuổi trưởng thành không có nghĩa là răng bạn không bị lung lay nữa. Nếu bạn cảm thấy răng mình lung lay, kể cả khi bạn không cảm thấy đau, bạn cũng nên đến gặp nha sỹ ngay bởi điều đó có nghĩa là bạn đang bị tổn thương răng hoặc nhiễm trùng cục bộ tại răng. Nếu răng lung lay đi kèm với tình trạng lợi sưng đỏ, chảy máu, thì có nghĩa là bạn bị bệnh về nướu mức độ nặng. Nếu không được điều trị, trong một số trường hợp, bệnh về nướu có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, thậm chí là nhồi máu cơ tim.

 

Hàm của bạn to hơn

Sưng quanh vùng hàm hoặc quanh miệng có nghĩa là bạn có thể đang bị nhiễm trùng, bị sưng hạch bạch huyết, hoặc thậm chí hiếm gặp hơn, đó có thể là dấu hiệu của ung thư. Nếu hàm của bạn sưng rất to hoặc rất đau, thì có nghĩa là bạn đang gặp phải vấn đề rất lớn về nha khoa và nên đến gặp nha sỹ ngay lập tức. Nhưng nếu vùng hàm chỉ sưng lên một chút hoặc hơi căng tức, thì bạn có thể chưa cần đi khám mà có thể đợi xem tình trạng này có tự biến mất trong 1-2 tuần hay không.

 

Cơn đau răng bỗng nhiên biến mất

Bỗng nhiên cơn đau răng của bạn biến mất không có nghĩa là bạn có thể yên tâm và thoải mái về tình trạng này. Nếu bạn bị tê bì hoặc thậm chí là mất hoàn toàn cảm giác ở vùng răng đã từng bị đau thì có nghĩa là tình trạng nhiễm trùng tại răng đã phát triển đến mức bạn bị áp xe gần dây thần kinh và bạn cần được điều trị tủy răng.

 

Lúc nào cũng mệt mỏi

Những người thường xuyên phàn nàn về tình trạng mệt mỏi hoặc thường xuyên mệt mỏi trong suốt cả ngày có thể bị nhiễm trùng vùng miệng ở mức độ thấp. Tình trạng mệt mỏi này rất khó phân biệt với tình trạng kiệt sức thông thường mà chúng ta gặp phải hàng ngày, nhưng nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, ngày nào cũng vậy, thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe răng miệng của mình để loại trừ các bệnh về răng và lợi.

 

Có vị kim loại ở miệng

Trừ khi bạn vừa nếm/thử thứ gì đó bằng kim loại, nếu không, việc miệng có vị kim loại, vị đắng có nghĩa là răng bạn đang có vấn đề, thường là vỡ nốt hàn răng. Những người đã hàn răng từ rất lâu bằng kim loại có thể sẽ cảm thấy vị kim loại trong miệng nếu nốt hàn bị lỏng, vỡ hoặc nứt. Điều đó có nghĩa là bạn nên đến gặp nha sỹ và sửa lại chỗ hàn răng càng sớm càng tốt để tình trạng này không phát triển thành vấn đề lớn hơn, khi đó bạn có thể sẽ phải điều trị tủy răng.

 

Thường xuyên bị đau hàm

Đau hàm có thể có rất nhiều nguyên nhân, ngoài các vấn đề liên quan đến răng, ví dụ như thói quen nghiến răng vào ban đêm, hôi chứng thái dương hàm, đau khớp, viêm khớp và thậm chí là căng thẳng. Rất khó để phân biệt tình trạng đau hàm và đau răng, bởi triệu chứng của chúng rất giống nhau.  Nhưng nếu cảm giác đau hàm của bạn rất sâu, thường xuyên bị đau, thì 90% đó là do răng bạn bị nứt/rạn hoặc bị viêm nhiễm. Nếu không chắc chắn, hãy đến gặp nha sỹ càng sớm càng tốt bởi chỉ có nha sỹ mới có đầy đủ trang thiết bị để chẩn đoán nguyên nhân gây đau hàm của bạn và có thể điều trị cho bạn.

 

Bị đau đầu cả tháng

Đau đầu có thể có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nếu đau đầu đi kèm với đau răng, thì rất có thể nguyên nhân đau đầu liên quan với các vấn đề về răng miệng. Tất cả các dây thần kinh đều xuất phát từ não, bao gồm cả các dây thần kinh đi tới răng, do vậy, có sự liên kết giữa 2 tình trạng này. Nếu đến gặp nha sỹ, bạn nên thông báo cả về tình trạng đau đầu của mình.

 

Cảm lạnh lâu ngày không khỏi

Bất cứ khi nào bạn bị sốt, thì điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đang chống lại tình trạng nhiễm trùng và nếu sốt đi kèm với đau rằng, thì rất có thể bạn bị viêm lợi hoặc áp xe răng.  Do vậy, nếu bạn bị sốt nhẹ, kéo dài hơn 1 tuần, đi kèm là tình trạng đau đầu mãn tính và đau vùng răng miệng, thì nên đến gặp nha sỹ ngay.

 

Vòm họng của bạn bị bỏng và lâu rồi chưa khỏi

Bất cứ ai cũng đã từng tự làm bỏng, hoặc xước vòm họng của mình ít nhất một lần. Đó có thể là khi bạn vội vã ăn một chiếc bánh pizza nóng hổi hấp dẫn hoặc khi bạn ăn bỏng ngô quá giòn sai cách và khiến lợi/niêm mạc miệng bị xước. Tuy nhiên đa số các trường hợp thì tình trạng bỏng/ xước  miệng này mặc dù rất đau nhưng sẽ không cần đến gặp nha sỹ. Ngoại lệ duy nhất là nếu tình trạng bỏng/xước kéo dài hoặc bị nhiễm trùng. Miệng của bạn có thể hồi phục rất nhanh sau các tổn thương, do vậy, nếu tình trạng tổn thương miệng của bạn không khỏi trong vòng 2 tuần, bạn nên đến gặp bác sỹ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top