Tình trạng đau hông thường khó chịu nhất vào những tháng cuối của thai kỳ. Với một số người, đau hông chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng với một số người khác, đau hông có thể gây cản trở các hoạt động thường ngày và gây gián đoạn giấc ngủ. Các mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy đau ở lưng hoặc ở bên hông và tình trạng này sẽ diễn biến nặng hơn khi đang đứng hoặc khi phải nâng vật nặng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau hông khi mang thai. Nguyên nhân chủ yếu là do các dây chằng giữ khớp cùng chậu (là khớp tiếp nối giữa cột sống và xương chậu) bị giãn.
Cơ thể bạn trong quá trình mang thai sẽ tiết ra relaxin – một loại hormone gây giãn, mềm các cơ và khớp. Việc tiết ra relaxin với một lượng lớn là để chuẩn bị cho cơ thể bước vào quá trình sinh nở. Relaxin cũng sẽ làm mềm khớp xương chậu, tạo điều kiện để em bé có thể dễ dàng đi qua đường dẫn sinh khi bạn chuyển dạ. Tuy nhiên, hormone relaxin cũng sẽ làm tăng tình trạng nhạy cảm với chấn thương và có thể dẫn đến tình trạng đau hông.
Đau thần kinh tọa
Có hai dây thần kinh tọa trong cơ thể. Cả 2 dây thần kinh đều bắt nguồn từ vùng thắt lưng và nối xuống tới chân. Khi bạn mang thai, tử cung sẽ gây ra áp lực lên 2 dây thần kinh này, dẫn đến tình trạng tê bì, đau và cảm giác ngứa râm ran ở hông, đùi và mông. Càng gần ngày sinh, em bé sẽ thay đổi tư thế ở trong bụng mẹ và bạn sẽ cảm thấy bớt khó chịu hơn.
Mặc dù đau thần kinh tọa là một dấu hiệu phổ biến khi mang thai, bạn vẫn nên thông báo cho bác sỹ nếu bạn bị đau thần kinh tọa do các nguyên nhân nghiêm trọng khác.
Đau dây chằng vòng
Được đặc trưng bởi tình trạng đau nhói tại hông, háng và vùng bụng. Cơn đau sẽ tăng lên khi em bé có bất cứ sự thay đổi nào về vị trí ở trong bụng.
Loãng xương thoáng qua
Đây là một nguyên nhân khác gây đau hông, đặc biệt là ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Loãng xương thoáng qua gây ra sự mất xương tạm thời ở phần trên xương đùi. Do vậy, dẫn đến sự hình thành của các cơn đau hông bất ngờ và sẽ diễn biến nặng hơn khi đi bộ hoặc khi thực hiện các hoạt động thể chất.
Chụp cộng hưởng từ MRI thường sẽ cần thiết để chẩn đoán tình trạng loãng xương thoáng qua. Quá trình hồi phục thường sẽ kéo dài trong 6 tuần, nhưng đôi khi tình trạng này cũng có thể dẫn đến việc gãy xương hông.
Tăng cân
Tăng nhiều cân trong quá trình mang thai cũng có thể sẽ làm tăng áp lực lên vùng chậu, gây xê dịch các xương và do vậy gây đau.
Sai tư thế
Sai tư thế có thể dẫn đến đau hông, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và tháng cuối thai kỳ, khi cơ thể không thể ở trong trạng thái cân bằng hoàn hảo vì cân nặng của em bé.
Phụ nữ thừa cân và có tiền sử mắc các vấn đề về hông có thể sẽ bị đau khi nằm nghiêng về 1 bên. Mặc dù việc nằm nghiêng về 1 bên là bắt buộc khi bạn đang ở những tháng cuối thai kỳ, nhưng việc này có thể sẽ gây ra tình trạng đau hông do làm tăng áp lực lên hông.
Những thay đổi về mặt thể chất cũng có thể sẽ gây đau hông trong khi mang thai. Áp lực do tử cung tạo ra và sự mềm hơn của các xương vùng chậu có thể gây đau hông và khó chịu cho bạn trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Sự thay đổi trọng tâm của cơ thể trong khi mang thai do áp lực lên hông và vùng chậu cũng có thể gây đau hông. Nhưng tình trạng này có thể sẽ được giảm nhẹ bằng việc thay đổi tư thế.
Đau hông có thể sẽ rất nghiêm trọng và gây ra các vấn đề làm cản trở giấc ngủ của bạn. Đau hông cũng có thể sẽ khiến bạn căng thẳng và khó chịu trong suốt cả ngày. Dưới đây là những cách giúp bạn làm giảm bớt cảm giác khó chịu này.
Sử dụng một chiếc gối
Sử dụng một chiếc gối nâng đỡ toàn cơ thể dành cho bà bầu có thể sẽ có ích với bạn. Gối sẽ giúp điều chỉnh tư thế và hỗ trợ cho vùng bụng, chân và lưng của bạn.
Ngủ nghiêng 1 bên
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là khi gần đến ngày sinh, bạn nên ngủ nghiêng về 1 bên, hơi cong đầu gối và chân lại. Ở tư thế này, bạn vẫn có thể sử dụng gối để kê dưới bụng và phần trên của chân để cảm thấy thoải mái hơn. Nếu việc ngủ nghiêng làm nặng thêm tình trạng đau hông của bạn, hãy đặt một chiếc chăn hoặc gối ở phía dưới thắt lưng của bạn và nằm ngủ ở tư thế ngửa. Việc này sẽ giúp làm giảm áp lực đặt lên hông của bạn.
Chườm nóng
Nếu các biện pháp ở trên không hiệu quả, hãy tắm bồn nước nóng hoặc chườm nóng lên vùng hông. Với sự cho phép và tư vấn của bác sỹ, bạn có thể massage với dầu ấm để làm giảm tình trạng đau hông. Việc massage cần được thực hiện hết sức nhẹ nhà và nước tắm bồn nên là nước ấm (không phải nước nóng).
Nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể
Đứng cả ngày có thể sẽ làm nặng thêm tình trạng đau hông của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn nghỉ ngơi hặc ngồi nghỉ nhiều nhất có thể trong suốt cả ngày. Hãy cố gắng nghỉ ở trong tư thế khiến bạn thoải mái và dễ chịu nhất. Nằm và ngồi với chân nâng cao một chút và có sự hỗ trợ ở phần lưng có thể sẽ giúp bạn giảm được tình trạng đau hông.
Massage trước khi sinh
Hãy lên kế hoạch massage trước khi sinh để làm giảm tình trạng đau người khi mang thai. Massage trước khi sinh không chỉ giúp thư giãn các cơ và giảm căng thẳng mà còn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Hãy đến gặp các bác sỹ, kỹ thuật viên đã được đào tạo bởi họ biết chính xác các điểm bị sưng thường ở đâu.
Tập yoga và pilate
Cả yoga và pilate đều có thể giúp hông và lưng giảm đau trong khi mang thai. Bạn có thể tham gia các lớp yoga, pilate tại khu vực sinh sống. Giáo viên hướng dẫn sẽ biết tư thế nào có thể giúp kéo giãn và làm giảm đau hông, xương chậu cho bạn.
Luyện tập dưới nước
Khi ở 3 tháng cuối thai kỳ, bạn cần giảm thời gian đứng, đi bộ vì việc này sẽ làm nặng thêm tình trạng đau hông của bạn. Khi bạn được khuyên là nên luyện tập, bạn có thể lựa chọn bơi lội. Bơi lội sẽ giúp làm giảm áp lực ở hông và các khớp. Khi bạn bơi, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình nhẹ hơn và có thể làm giảm áp lực từ hông và khớp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh