✴️ Vị thuốc Đậu chiều

Tên tiếng việt: Đậu chiều, Đậu săng, Đậu cọc rào, Đậu chè, Mộc đậu, Thứa mạy (Tày), Phầy quẩy tập (Dao)

Tên khoa họcCajanus cajan (L.) Millsp.

Tên đồng nghĩaCytisus cajan L.

Họ: Fabaceae (Đậu)

Công dụng: Chữa lỵ, sởi, sỏi bàng quang (Lá sắc uống). Bí đại, tiểu tiện (Hạt sắc nước uống).

1. Mô tả:

Cây nhỏ, cao 1-3m. Cành hình trụ, có cạnh lồi, có lông ngắn. Lá kép mọc so le, 3 lá chét nguyên, hình mũi mác, dài 7-10 cm, rộng 1,5-3,5cm, lá chét tận cùng lớn hơn, gốc thuôn hoặc tròn, đầu rất nhọn, hai mặt có lông mềm, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới trắng nhạt, gân nổi rõ; cuống chung dài 2,5 cm; lá kèm nhỏ.

Cụm hoa mọc thành chùm ngù ở kẽ lá và đầu cành; hoa màu vàng hoặc đỏ; đài có lông, có 4 răng đều; cánh hoa sớm rụng, cánh cờ rộng; nhị 2 bó; bầu có lông.

Quả đậu dẹt, có lông, đầu có mũi nhọn; hạt lồi lên rất rõ, 3-5, hình cầu hơi dẹt, màu vàng nâu.

Mùa hoa quả : tháng 1-3

2. Phân bố, sinh thái:

Chi Cajanus DC. có 5 loài ở Việt Nam đều là cây trồng, nếu có trong tự nhiên là do hoang dại hoá.

Đậu chiều có nguồn gốc ở Ấn Độ, sau lan dần ra các nước vùng Đông Nam Á cách đây đã hàng ngàn năm. Cây có mặt ở châu Phi từ 2000 năm trước Công nguyên. Cùng với các cuộc chinh phục và buôn bán nô lệ, đậu chiều được đưa sang châu Mỹ và một số vùng khác ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tuy nhiên, nơi tập trung sự đa dạng cao của loài này vẫn là vùng Ấn Độ và đông châu Phi, vì ở đó hiện nay vẫn đang tồn tại một số quần thể trồng (10 dạng ở Ấn Độ) và mọc tự nhiên cổ (L. J. G. van đe Maesen, 1992 in: PROSEA, N°l, Pulses, 39-42).

Ở Việt Nam, đậu chiều cũng được trồng từ lâu đời ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh trung du, núi thấp và đồng bằng Bắc Bộ. Cây trồng làm hàng rào, cải tạo đất và tạo bóng ở các đồi chè. Là một cây nhiệt đới tương đối điển hình, đậu chiều tỏ ra thích nghi với những nơi có quang chu kỳ lớn, gần xích đạo. Giới hạn nhiệt độ cần cho sự phát triển là 18-35°C (38°C); lượng mưa 600-1000mm/năm. Các nơi trồng nhiều đậu chiều ở miền Bắc là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên…, có lượng mưa tới trên 2000mm/năm, cây càng sinh trưởng, phát triển tốt. Đậu chiều có thể sống tốt trên nhiều loại đất với pH thích hợp từ 5 đến 7. Cây trồng từ hạt, sau 3-4 tháng bắt đầu có hoa quả; ở năm tuổi thứ 2-4, có nhiều quả nhất. Đậu chiều là cây có ích cần phát triển.

3. Cách trồng:

Đậu chiều không kén đất, được trồng làm hàng rào và lấy quả ăn. Có nơi còn trồng để nuôi cánh kiến.

Cây được trồng bằng hạt. Mùa gieo hạt vào tháng 2-3, vùng núi có thể gieo vào tháng 4. Khi trồng, chỉ cần bổ hốc, gieo hạt, lấp đất lại và tưới ẩm. ít ai bón lót cho đậu chiều. Chỉ khi cây lớn, người ta mới tưới nước phân, nước giải và thỉnh thoảng làm cỏ, xới xáo. Tuy vậy, cây vẫn sinh trưởng tốt, ra hoa kết quả hàng năm.

Hạt đậu chiều được dùng làm thực phẩm, nhưng không phổ biến và ưa thích như các loại đậu khác. Quả non có thể xào nấu như đậu ván, đậu đũa. Nếu thu hạt thì khi quả chín, hái về phơi khô và đập lấy hạt.

4. Bộ phận dùng:

Rễ và lá thu hái quanh năm. Hạt lấy ở những quả già. Phơi khô.

5. Thành phần hoá học:

  • Hạt đậu chiều chứa nhiều protein trong đó có tyrosin, cystein, argenin, lysin phenyl alanin, valin, isoleucin, leucin, threonin, hisidin, methionin, tryptophan, alanin, cerin, glycin, prolin, acid aspaitic, aciđ glutamic (CA. 117, 1992, 110419 k).
  • Amino glucosid : cajaminose.
  • 24 chất epiclerosterol.
  • Các hợp chất lectin gồm các đơn vị threonin và alanin và các glycoprotein lectin (CA. 123, 1995, 50177 s).
  • Các cajaflavanon, Các globulin, Các arabinan với các chuỗi chính và chuỗi bên.
  • Hạt còn có các men urea, men ức chế trypsin và chymotrypsin. (CA. 122, 1995, 8355 c)
  • Dầu béo trong hạt chứa acid linoleic (54,8%), và acid palmatic (21,4%) các acid caprylic, lauric, oleic, và eicosenoic với lượng nhỏ (CA, 119, 1993, 137935d).
  • Lá đậu chiều chứa tinh dầu với thành phần là acoraliden, p selinen, a guaien, p guaien, a hymachalen, benzoat benzyl và eremophylen (CA. 119, 1993, 177612 c).
  • Lá và cành chứa acid 3 hydroxy, 5 methoxy stilben-2- carboxylic (CA. 127, 1995, 181012 m).
  • Ngoài ra, còn thấy trong cây có các triterpen alcol, 3 0X0 steroid và acid phytic, acid panthothemic và biotin; các chất vô cơ K, Mg và Ca (CA, 120, 1994, 294205 d; Phytochemistry 1994 35(5) 1309-13).

6. Tác dụng dược lý:

Lá đậu chiều với hàm lượng 1,3% tanin catechin có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn sau đây (với nồng độ ức chế tối thiểu p.g/ml ghi trong ngoặc) : Klebsiella pneumoniae (118,3), Salmonella enteridis (148,3), Citrobacter diversus (193,3), Escherichia coli (205), Shigella flexneri (245), Staphylococcus aureus (250), Escherichia piracoli (300). Cao cồn 50° của hạt đậu chiều có tác dụng làm giảm đường máu trên chuột cống trắng có đường máu bình thường.

Sự chiết xuất và phân tích sắc ký hướng dẫn bởi thử nghiệm sinh học đã dẫn tới phân lập từ hạt đậu chiều amino-glycosid cajaminose là một hoạt chất có tác dụng chống phát sinh hồng cầu hình liềm. Kết quả thí nghiệm cho thấy cajaminose và phân đoạn tan trong nước của hạt đậu chiều là thuốc có hiệu lực điều trị bệnh thiếu máu tế bào hình liềm. Phenylalanin chứa trong hạt đậu chiều có khoảng 70% hiệu lực ức chế sự phát sinh hồng cầu hình liềm của hạt này. Nghiên cứu sơ bộ độc tính của dược liệu trên cá trắm cỏ nhỏ cho thấy lá đậu chiều có nồng độ gây chết 50% cá trong vòng 2 giờ là 0,85% (trọng lượng/thể tích) dịch ép lá tươi trong nước. Lá đậu chiều được coi là có độc tính tương đối thấp trong thí nghiệm này.

7. Công dụng:

Hạt đậu chiều là nguồn protein, được dùng làm thực phẩm; chú ý tránh dùng những loại hạt chứa nhiều acid cyanhydric. Hạt và rễ đậu chiều được dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng, hay đái đêm. Ngày dùng 10-20g dạng thuốc sắc uống. Còn dùng rễ đậu chiều thái miếng nhai ngậm chữa ho, viêm họng.

Ở Ấn Độ, đậu chiều được dùng để bổ sung protein vào chế độ ăn có nhiều tinh bột. Ăn hạt sống với lượng nhiều có tác dụng làm ra mồ hôi. vỏ quả đậu còn xanh dùng làm rau ăn. Nhân dân ở Rwanda (Trung Phi), dùng lá đậu chiều chữa viêm phổi, bệnh lậu. ở Haiti, để chữa đau răng, nhân dân dùng nước sắc lá súc miệng, hoặc dùng lá giã, xát vào lợi. Ở Senegal, đậu chiều được dùng trị tiêu chảy và lỵ.

Bài thuốc có đậu chiều:

  1. Chữa cảm sốt, mụn nhọt, trẻ em lên sởi, ho : Rễ đậu chiều 15g sắc uống; hoặc phối hợp với sài đất, kim ngân hoa, mỗi vị 10g, cùng sắc uống.
  2. Chữa đái tháo đường: Ăn hạt đậu chiều, rau khoai lang đỏ. Đồng thời dùng quả chuối hột xanh 30g, sắc uống hàng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top