✴️ Sử dụng thuốc kháng virus trong dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con theo khuyến cáo của WHO 2020

Nội dung

???? Năm 2015, tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính trên toàn thế giới có 257 triệu người đang sống với tình trạng nhiễm virus viêm gan B (Hepatitis-B virus, HBV) mãn tính và 900 000 người đã chết vì nhiễm HBV, chủ yếu là do xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan. Để ngăn ngừa nhiễm HBV đòi hỏi phải giảm tỷ lệ lưu hành kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) xuống dưới mức 0,1% ở trẻ em 5 tuổi. Điều này có thể đạt được thông qua việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ sơ sinh chống lại bệnh viêm gan B và các biện pháp can thiệp khác để ngăn ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con.

 

???? WHO đã đưa khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh được tiêm liều vaccine viêm gan B đầu tiên sau khi sinh càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ và sau đó sẽ được tiêm liều hai hoặc ba vaccine viêm gan B ít nhất là trong 4 tuần để hoàn thành đợt tiêm đầu.

 

???? Hiện nay, có 3 cơ sở quan trọng thúc đẩy việc xem xét sử dụng dự phòng thuốc kháng virus cho phụ nữ mang thai nhiễm HBV như một biện pháp bổ sung để ngăn ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con:

1️⃣ Đã có thêm bằng chứng về hiệu quả và độ an toàn của việc điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus ở phụ nữ có thai và con của họ.

2️⃣ WHO đã nhận được yêu cầu từ các quốc gia và khu vực có độ bao phủ cao về việc tiêm chủng liều lúc sinh và trẻ sơ sinh theo hướng dẫn cập nhật về việc sử dụng dự phòng chu sinh.

3️⃣ Dữ liệu từ các nghiên cứu dịch tễ học và mô hình cho thấy, chỉ riêng việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh sẽ không đủ để đạt được mục tiêu tỷ lệ lưu hành HBsAg 0,1% ở trẻ em vào năm 2030, và do đó điều trị dự phòng chu sinh cũng có thể cần thiết.

 

✅ Các khuyến cáo về tiêm chủng theo WHO 2017:

1️⃣ Tất cả trẻ sơ sinh phải được tiêm liều vaccine viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ;

2️⃣ Việc cung cấp vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh nên được coi là một chỉ số về tính hiệu quả cho tất cả các chương trình tiêm chủng, và cần tăng cường hệ thống báo cáo, giám sát để nâng cao chất lượng dữ liệu về liều vaccine ngay sau sinh;

3️⃣ Liều sơ sinh nên được tiếp tục với 2 hoặc 3 liều tiêm vaccine để hoàn thành đợt tiêm đầu.

 

✅ Khuyến cáo về xét nghiệm HIV và giang mai cho phụ nữ mang thai và đối với viêm gan B,C:

???? Tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HIV, giang mai và HBsAg ít nhất một lần và càng sớm càng tốt trong thai kỳ (HIV: khuyến cáo từ năm 2007; giang mai: khuyến cáo mức độ mạnh, chất lượng bằng chứng trung bình; HBsAg: khuyến cáo mức độ mạnh, chất lượng bằng chứng thấp).

 

✅ Dự phòng bằng Tenofovir để ngăn ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con:

???? Khuyến cáo mới: WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai có xét nghiệm nhiễm HBV dương tính (HBsAg dương tính) với HBV DNA ≥ 5,3 log10 IU/mL (≥ 200.000 IU/mL) nên điều trị dự phòng bằng tenofovir từ tuần thứ 28 thai kỳ cho đến ít nhất là lúc sinh, để tránh lây truyền HBV từ mẹ sang con. Điều này bổ sung cho việc tiêm vaccine viêm gan B ba liều cho tất cả trẻ sơ sinh, bao gồm cả liều sinh đúng thời điểm (khuyến cáo mức độ tham khảo, chất lượng bằng chứng trung bình).

 

✅ Sử dụng HbeAg - nơi không có xét nghiệm HBV DNA, để xác định tính đủ điều kiện dự phòng bằng Tenofovir để ngăn ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con

???? Khuyến cáo mới: WHO khuyến cáo rằng ở những cơ sở không có xét nghiệm HBV DNA trước sinh, thì xét nghiệm HBeAg có thể được sử dụng thay thế cho xét nghiệm HBV DNA để xác định tính đủ điều kiện cho điều trị dự phòng tenofovir nhằm ngăn ngừa lây truyền HBV từ mẹ sang con (khuyến cáo mức độ tham khảo, chất lượng bằng chứng trung bình).

____________________________________________

???? Tài liệu tham khảo:

1. World Heath Organization (2020). Prevention of mother-to-child transmission of hepatitis B virus: Guidelines on antiviral prophylaxis in pregnancy. Geneva.

https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/333391/9789240002708-eng.pdf

2. World Heath Organization (2017). Hepatitis B vaccines: WHO position paper – July 2017. Wkly Epidemiol Rec;92(27):369-92.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28685564/

3. World Health Organization (2017). WHO Guidelines on Hepatitis B and C Testing. Geneva.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28742301/

4. World Health Organization (2016). World health statistics 2016: monitoring health for the SDGs, sustainable development goals. Geneva.

https://apps.who.int/iris/handle/10665/206498

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top