Suy gan cấp tính là gì?
Suy gan cấp tính được hiểu là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương một cách ồ ạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, kèm theo đó là các biểu hiện bệnh như vàng da, rối loạn đông máu, bệnh lý não gan (hôn mê gan), suy đa tạng… ở người trước đó có chức năng gan bình thường.
Tỷ lệ tử vong của bệnh suy gan cấp luôn ở mức cao lên tới 50 – 90% nếu không được điều trị hợp lý.
Triệu chứng của bệnh suy gan cấp tính
Thông thường bệnh suy gan cấp xảy ra đột ngột ở người có tiền sử khỏe mạnh hoặc không có biểu hiện tiền sử bệnh lý nặng nề trước đó.
Các triệu chứng khởi phát điển hình là mệt xỉu, buồn nôn, chán ăn, vàng da, vàng niêm mạc, nước tiểu sẫm màu, chảy máu dưới da và niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa cao và thấp, có thể xuất huyết não.
Theo Lucke và Mallory, phân chia suy gan cấp làm 3 giai đoạn đi kèm các biểu hiện như sau:
Tiền triệu: chưa thấy vàng da.
Giai đoạn trung gian: Xuất hiện vàng da.
Giai đoạn cuối biểu hiện của bệnh lý não gan.
Phân loại theo lâm sàng kinh điển, dựa vào khoảng thời gian từ khi biểu hiện vàng da đến khi xuất hiện bệnh lý não gan:
Suy gan tối cấp 7 ngày.
Suy gan cấp 8 – 28 ngày.
Suy gan bán cấp 5 – 12 tuần.
Có thể chia bệnh lý não gan thành 4 mức độ:
Độ I: Hưng phấn hoặc trầm cảm, nói nhịu, hơi lẫn, rối loạn giấc ngủ, run nhẹ.
Độ II: Lơ mơ, mất định hướng, u ám, run rõ.
Độ III: Ngủ lịm, nhưng còn đáp ứng, tăng phản xạ, run thường xuyên.
Độ IV: Hôn mê sâu, không còn run.
Nguyên nhân suy gan cấp tính
Suy gan cấp tính có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
Sử dụng sai thuốc và không đúng liều lượng
Quá liều Paracetamol : Suy gan cấp có thể do uống quá Paracetamol cùng một lúc, hay uống quá liều trong thời gian dài.
Các loại thuốc bán theo đơn, gồm kháng sinh, kháng viêm giảm đau không steroid, thuốc chống co giật có thể gây suy gan cấp.
Thuốc bổ chiết xuất từ thảo dược: Một số loại thuốc và thuốc bổ từ thảo dược như cây kava, ma hoàng, bán chỉ liên, bạc hà hăng được cho là có khả năng gây suy gan cấp.
Do viêm gan và các loại virus khác
Bệnh viêm gan A, B, C và các loại virus như Epstein-Barr, cytomegalo và herpes simplex có thể dẫn đến suy gan cấp tính.
Chất độc
Nấm độc: nấm độc Amanita phalloides hoang dã khi ăn phải sẽ gây suy gan cấp tính, rất dễ nhầm lẫn loại nấm này với một loại nấm ăn được.
Hóa chất công nghiệp Carbon tetrachloride có trong chất làm lạnh và dung môi cho sáp, vecni và các vật liệu khác.
Do bệnh lý tại gan
Viêm gan tự miễn: Bệnh lý viêm gan tự miễn là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể quay ra tấn công các tế bào gan, gây viêm và tổn thương gan và có thể gây nên suy gan cấp.
Bệnh lý tĩnh mạch gan: điển hình là hội chứng Budd-Chiari, gây tắc nghẽn tĩnh mạch gan và hậu quả suy gan cấp.
Bệnh lý chuyển hoá: bệnh Wilson và gan nhiễm mỡ cấp tính ở thai kỳ, đôi khi gây suy gan cấp
Ung thư nguyên phát hay di căn đến gan đều có thể gây suy gan.
Nhiễm trùng huyết: làm giảm nghiêm trọng lưu lượng máu đến gan, gây suy gan.
Biến chứng của suy gan cấp tính
Phù não
Tụ dịch gây tăng áp lực nội sọ
Xuất huyết và biến chứng xuất huyết
Khi suy gan cấp tính, gan sẽ suy giảm chức năng nên không thể sản xuất đủ yếu tố đông máu, dẫn đến xuất huyết tiêu hoá
Nhiễm trùng
Các nhiễm trùng thường gặp ở người bệnh suy gan cấp tính là nhiễm trùng máu, hệ hô hấp và đường tiểu.
Suy thận
Suy thận thứ phát sẽ xảy ra ngay sau suy gan (và được gọi là hội chứng gan thận) hoặc suy thận thứ cấp do tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến cả gan và thận (ví dụ như quá liều paracetamol).
Rối loạn chuyển hóa
Hạ đường huyết, hạ kali máu, giảm phosphat máu và nhiễm kiềm chuyển hóa thường xuất hiện, không phụ thuộc vào chức năng thận.
Chẩn đoán suy gan cấp
Chẩn đoán xác định
Các biểu hiện mệt mỏi, vàng da, buồn nôn liên tục ở người bệnh có thể dùng để chẩn đoán xác định.
Bên cạnh đó có thể áp dụng các phương pháp cụ thể như:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm bilirubin toàn phần
Siêu âm
Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc MRI
Kiểm tra mô gan
Chẩn đoán nguyên nhân
Do virus
Thuốc
Nhiễm trùng huyết và suy đa tạng
Chuyển hoá: Bệnh Wilson, hội chứng Reyes.
Tim mạch: Hội chứng Budd-Chiari.
Các nguyên nhân khác: Gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ, lymphoma, thuốc nam…
Chẩn đoán phân biệt
Áp dụng khi phân biệt suy gan cấp tính với các bệnh như:
Ngộ độc thuốc an thần gây ngủ
Hạ đường huyết.
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Tai biến mạch máu não.
Các bệnh lý thần kinh khác.
Điều trị suy gan cấp
Điều trị bằng thuốc chống ngộ độc: Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng acetaminophen quá liều được điều trị với một loại thuốc gọi là thuốc chống ngộ độc. Thuốc này cũng có thể giúp điều trị các nguyên nhân khác gây suy gan cấp.
Điều trị bằng kỹ thuật ghép gan: Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy đi phần mô gan bị tổn thương của người bệnh và thay thế bằng một gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Phương pháp phòng ngừa suy gan cấp
Luôn uống thuốc theo hướng dẫn
Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng
Tránh những hành vi có nguy cơ cao
Tiêm vắc xin đầy đủ
Tránh tiếp xúc với máu và dịch tiết từ người khác
Cẩn thận với bình phun thuốc xịt và khi tiếp xúc hoá chất
Duy trì cân nặng khoẻ mạnh
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh