Những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng đến răng của trẻ

Người ta ghi nhận rằng những thói quen xấu liên quan đến vấn đề răng miệng sẽ gây sai lệch khớp cắn, làm thay đổi vị trí của răng - xương. Những thói quen hàng ngày được hình thành do sự bắt chước hoặc có thể nó mang lại sự thoải mái cho trẻ.

Dưới đây là những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng đến răng của trẻ mà cha mẹ cần quan tâm

Thói quen mút ngón tay ở trẻ

Hầu hết trẻ em đều có thói quen mút ngón tay, đây là một phản xạ tự nhiên khi phát triển. Tuy nhiên, phần lớn trẻ sẽ bỏ mút tay khi được 1 - 2 tuổi, nhưng trên thực tế vẫn có trẻ không bỏ được thói quen mút tay này.

Theo nghiên cứu có khoảng 15% trẻ sẽ tiếp tục mút tay cho tới khi 4 tuổi. Nhưng khi đã lớn, trẻ vẫn duy trì thói quen này có thể dẫn đến sự thay đổi khớp cắn, cấu trúc quanh răng…

Khi mút ngón tay sẽ khiến răng trên có thể mọc nghiêng về phía môi và làm thưa các răng, răng dưới nghiêng về phía lưỡi làm tăng độ cắn chìa, cắn hở, do cản trở quá trình mọc của các răng cửa ở vị trí đặt ngón tay, thậm chí làm lún các răng cửa, trong khi các răng hàm mọc bình thường.

Thói quen xấu cắn môi, liếm môi….

Các thói quen xấu như: Cắn môi, liếm môi... gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Phần lớn các thói quen ở môi không gây ra những vấn đề nghiêm trọng về răng miệng, nhưng nếu thói quen này kéo dài có thể gây sai lệch vĩnh viễn ở khớp cắn.

Tác hại do những thói quen xấu ở môi sẽ khiến răng cửa trên chìa ra trước về phía môi, thưa các răng cửa, tăng nguy cơ gây chấn thương. Răng cửa hàm dưới đổ vào phía lưỡi và chen chúc răng, sai khớp cắn loại II, tăng độ cắn chìa…

Thói quen nghiến răng

Nhiều trẻ có thói quen nghiến răng khi ngủ, nhưng cũng có thể nghiến răng khi trẻ thức. Lực nghiến răng thường rất mạnh do trong lúc ngủ là vô thức, nếu trẻ nghiến răng trong một thời gian dài, các mặt răng sẽ bị mòn, dẫn đến ê buốt khi ăn thức ăn lạnh, quá chua, quá ngọt, thậm chí còn ảnh hưởng tới khớp thái dương hàm, gây đau đầu, mỏi cổ, đau vai gáy...

Thói quen đẩy lưỡi ở trẻ

Đẩy lưỡi là thói quen đặt lưỡi ở vị trí sai trong quá trình nuốt, có thể là giữa các răng giữa hàm trên và hàm dưới hoặc một bên. Thông thường, ở trẻ sơ sinh sẽ nuốt bằng cách đẩy lưỡi về phía trước trong vòng 1 năm rưỡi - 2 năm đầu, cách nuốt theo kiểu sơ sinh này sẽ được thay đổi bằng cách nuốt của người trưởng thành khi các răng sữa đã mọc hết, cơ chế nuốt đã hoàn thiện.

Nếu như trẻ vẫn tiếp tục nuốt theo kiểu này cho đến khi 4 tuổi, thì đây là một tình trạng rối loạn chức năng vùng mặt - miệng, gây ra cắn hở và hô các răng phía trước. Người ta ghi nhận rằng, những trẻ có tật đẩy lưỡi thường đi kèm với thói quen thở miệng hoặc mút ngón tay. Có thể quan sát khi trẻ ở trạng thái nghỉ như đọc sách, xem tivi thì trẻ vẫn mở miệng, lưỡi đẩy ra ngoài. Tư thế đúng của lưỡi là phải đặt vào vị trí vùng nướu ở mặt sau các răng trước hàm trên. Nếu đẩy lưỡi sẽ gây áp lực lên sự mất cân bằng giữa răng và cung hàm, gây ra nhiều hậu quả như: Răng hàm phía trước ngả môi, xuất hiện khe hở giữa các răng, hẹp cung hàm, răng cửa hàm dưới ngả lưỡi, tăng độ cắn chìa…

Thói quen ngậm ti giả và bú bình

Nhiều trẻ có thói quen ngậm ti giả cả ngày, ngay cả trong lúc ngủ hoặc bú bình trước khi đi ngủ sẽ ảnh hưởng đến hàm răng của trẻ. Một trong số những nguy cơ lớn nhất khi lạm dụng ti giả là khớp cắn ngược.

Khớp cắn ngược bao gồm răng cắn chéo, hở khớp cắn. Đặc biệt, những vấn đề này thường sẽ phổ biến hơn ở những trẻ sử dụng ti giả khi lớn. Sử dụng ti giả trong thời gian dài sẽ ép răng của trẻ di chuyển, thậm chí thay đổi hình dạng vòm miệng để thích nghi với sự thường xuyên có mặt của "vật lạ" trong miệng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng khớp cắn hở xuất hiện ở 71% số trẻ tiếp tục sử dụng ti giả hoặc mút ngón cái cho đến năm 4 tuổi. Ngược lại, khớp cắn hở chỉ gặp ở 36% số trẻ đã ngừng mút tay hoặc ngừng sử dụng ti giả khi được 3 - 4 tuổi. Và với những trẻ ngừng mút tay, sử dụng ti giả lúc 2 tuổi, tỷ lệ này chỉ là 14%.

 

Tóm lại

Thói quen xấu của trẻ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng. Do vậy, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nhắc nhở giúp trẻ từ bỏ những thói quen xấu.

Ví dụ như trẻ cần từ bỏ thói quen mút ngón tay, đôi khi trẻ quên điều đó thì chúng ta cần dụng biện pháp hỗ trợ như sử dụng tấm bọc ngón tay để nhắc nhở trẻ.

Nếu những thói quen liên quan đến vấn đề tâm lý, cha mẹ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để được các bác sĩ tư vấn hướng dẫn, giúp trẻ từ bỏ những thói quen xấu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top