Sơ cứu khi bị cắn phải môi hoặc lưỡi

Cắn vào môi hoặc lưỡi thường xảy ra bất ngờ. Ví dụ, trong lúc đang nhai, bạn có thể cắn nhầm và khiến mình bị thương. Bạn cũng có thể tự cắn vào môi hoặc lưỡi khi bị ngã hoặc một tai nạn khác. Mặc dù cắn vào lưỡi có thể gây chảy máu khá nhiều nhưng những vết thương này sẽ lành khá nhanh vì lưỡi có nguồn cung cấp máu dồi dào. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cắn vào môi hoặc lưỡi cần được chăm sóc y tế.

Bài viết dưới đây giải thích những bước bạn có thể thực hiện tại nhà và khi nào bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Sơ cứu khi bị cắn phải môi hoặc lưỡi

Nếu bạn lỡ may cắn phải môi hoặc lưỡi, bạn có thể thực hiện những hướng dẫn sau:

1. Vệ sinh vết rách bằng gạc: Khi bạn cắn môi hoặc lưỡi, hãy đánh giá khu vực xem có mảnh vụn hoặc bụi bẩn nào không, đặc biệt nếu vết thương xảy ra do ngã. Làm sạch khu vực đó nhẹ nhàng bằng một miếng gạc sạch. Nếu có mảnh vụn mắc kẹt bên trong vết thương, hãy đến gặp bác sĩ hoặc nha sĩ và không nên cố gắng tự loại bỏ mảnh vụn đó.

2. Rửa sạch vết thương bằng nước lạnh: Bạn có thể làm sạch thêm bằng cách súc miệng bằng nước muối. Với người trưởng thành có thể sử dụng dung dịch gồm một phần hydrogen peroxide với một phần nước nếu muốn. Tuy nhiên, không cho trẻ em dùng nước súc miệng này vì trẻ có thể nuốt phải dung dịch và gây nguy hiểm.

3. Kiểm soát vết thương chảy máu: Sau khi làm sạch vết thương, bạn có thể áp mạnh lên vết thương bằng một miếng gạc sạch hoặc khăn sạch. Nếu máu không ngừng chảy, hãy tiếp tục ấn vào khu vực đó và đến trung tâm y tế gần nhất để được chăm sóc ngay lập tức.

4. Giảm sưng tấy: Nếu máu ngừng chảy, bạn nên chườm lạnh lên vùng bị thương để giảm sưng. Đối với vết thương bên trong miệng, bạn có thể dùng kem que để giữ lạnh vết thương hoặc ngậm đá viên trong miệng. Nếu bạn chườm đá hoặc túi lạnh ra bên ngoài miệng, bạn nên cẩn thận và chắc chắn rằng túi làm mát đó được bọc trong một miếng vải chứ không phải áp trực tiếp lên da.

 

Trong thời gian làm lành vết thương

Bạn có thể cần phải dùng thuốc giảm đau không kê đơn để kiểm soát sự khó chịu do chấn thương. Ngoài ra, hãy lưu ý rằng thức ăn có tính acid hoặc mặn có thể khiến khu vực này bị khó chịu hơn. Vì vậy, bạn nên tránh ăn hoặc uống những loại thực phẩm đó cho đến khi vết thương lành lại. Bạn có thể rửa sạch bằng nước sau khi ăn hoặc uống để giảm sự khó chịu. Khi vết thương lành lại, hãy theo dõi bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào, chẳng hạn như:

  • Đỏ
  • Sốt
  • Mưng mủ
  • Sưng tấy

Nếu bạn nghi ngờ khu vực này đã bị nhiễm trùng, hãy đi khám nha sĩ hoặc bác sĩ càng sớm càng tốt.

 

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Thông thường, vết thương ở miệng sẽ tự lành. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau đây:

  • Nếu bạn có mảnh vụn mắc kẹt trong vết thương
  • Nếu máu không ngừng chảy sau khi băng ép và chườm lạnh
  • Vết cắt xuyên qua ranh giới giữa môi và mặt. Nếu không được chăm sóc kỹ càng, vết thương khi lành lại có thể để lại sẹo
  • Vết rách sâu
  • Răng bị gãy hoặc lung lay
  • Dấu hiệu nhiễm trùng

Cắn môi hoặc lưỡi có thể gây đau đáng kể. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, các vết thương đều ở bề mặt và tự lành tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên rửa sạch vết thương để giảm khả năng nhiễm trùng. Hầu hết các vết thương sẽ có dấu hiệu lành lại trong vòng vài ngày. Nếu chúng kéo dài hơn thời gian này, hoặc nếu chảy máu nhiều hoặc không thể cầm máu, bạn cần đi khám tại phòng khám nha khoa hoặc đa khoa ngay lập tức.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top