Sâu răng nếu không không được điều trị sẽ dẫn đến việc răng sâu bị lan tới tủy, dẫn đến viêm tủy và áp xe chân răng, thậm chí nhổ bỏ răng sữa sớm. Việc nhổ răng sữa sớm sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, phát âm, ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn và thẩm mỹ. Vì vậy, phát hiện sớm sâu răng ở trẻ và có biện pháp dự phòng là vô cùng quan trọng.
Sâu răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở trẻ em, thanh thiếu niên và kể cả ở trẻ sơ sinh. Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng, do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Nguyên nhân gây sâu răng là do các yếu tố bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, sử dụng đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng không tốt.
Sâu răng sớm ở trẻ là tình trạng sâu nhiều răng nghiêm trọng ở trẻ em. Theo nghiên cứu, sâu răng sớm ở trẻ em (Early Childhood Caries - ECC) rất phổ biến, chiếm tỷ lệ 30 - 50% ở các nước đang phát triển và đến 70% ở các nước phát triển. Người ta còn thấy nếu trẻ bị sâu răng khi nhỏ tuổi sẽ có nguy cơ bị sâu răng khi lớn lên. Vì vậy, phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ sẽ giúp tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này.
Nhiều cha mẹ thắc mắc không thể nhận biết được tình trạng sâu răng sớm ở trẻ và ngay cả người lớn cũng rất khó nhận biết về điều này.
Thực tế cho thấy sâu răng trên răng sữa thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Thực tế các sang thương nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường, tuy nhiên các sang thương lớn thường có biểu hiện là lỗ thủng ở mặt nhai, chúng ta có thể phát hiện được khi hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng.
Sâu răng thường gặp ở vị trí đứng hàng thứ 2 là ở mặt bên (mặt tiếp xúc giữa các răng), do đó rất nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng. Các tổn thương do sâu răng biểu hiện ở các bề mặt trơn láng (mặt ngoài và mặt trong) thường chỉ gặp ở trẻ có sâu nhiều răng nghiêm trọng.
Vậy sâu răng sớm ở trẻ thường bắt đầu từ độ tuổi nào? Người ta thấy rằng, sâu răng sớm ở trẻ em (ECC) rất phổ biến và có thể xuất hiện sớm trước 12 tháng tuổi. Các đối tượng có nguy cơ bị sâu răng sớm bao gồm trẻ thường xuyên ăn chất đường, trẻ em nhập cư, trẻ có nhiều người thân như cha mẹ hay các anh chị em ruột bị sâu răng, trẻ có dị dạng ở răng. Ngoài ra, việc trẻ bú bình nhiều cũng là một trong những nguyên nhân của sâu răng sớm ở trẻ.
Do trẻ nhỏ chưa ý thức được việc vệ sinh răng miệng, nên cha mẹ, người thân là yếu tố quan trọng để hướng dẫn, giúp trẻ thực hiện các biện pháp dự phòng sâu răng sớm ở trẻ. Cha mẹ cần chú ý các biện pháp dự phòng sau:
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đánh răng hàng ngày, nhất là với kem đánh răng có fluor, sẽ giúp ngăn ngừa sâu răng. Đa số trẻ em dưới 8 tuổi không chịu đánh răng đầy đủ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở về việc vệ sinh răng miệng của trẻ, làm thay đổi thói quen theo hướng tích cực.
Các bước chải răng đúng cách cho trẻ bao gồm:
- Súc miệng với nước lọc trong khoảng 10 giây để giảm bớt lượng mảng bám còn đọng lại trên răng nướu.
- Rửa sạch bàn chải, rồi lấy một lượng kem đánh răng bằng vừa đủ vào bàn chải của trẻ (khoảng bằng hạt đỗ).
- Đặt bàn chải nằm ngang và nghiêng khoảng 45 độ so với viền nướu, đầu lông bàn chải tiếp xúc với cả răng và nướu. Đánh răng đúng cách cho trẻ với kỹ thuật chải răng từ hàm trên xuống và từ hàm dưới lên, hoặc xoay tròn bàn chải đánh răng. Thực hiện như vậy ở mặt ngoài của răng trước, sau đó đến mặt trong.
- Chải mặt ăn nhai của răng bằng cách đặt bàn chải song song với mặt nhai của răng, tiếp đó chải nhẹ nhàng từ trong ra ngoài. Đừng quên chải lưỡi cho trẻ, vì đây là vị trí có chứa khá nhiều vi khuẩn gây hại.
- Súc miệng lại với nước nhiều lần để đảm bảo hết hoàn toàn kem đánh răng trong miệng. Sau đó rửa sạch bàn chải, vẩy khô rồi cắm phần lông bàn chải hướng lên trên, phần tay cầm ở dưới. Ở bước này, bố mẹ cần lưu ý nhắc nhở trẻ nhổ bọt kem đánh răng ra ngoài, vì trẻ nhỏ rất dễ nhầm lẫn giữa việc nuốt và nhổ kem đánh răng.
- Cần có chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học
Cha mẹ không nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn chứa đường, cần giảm số lần ăn các chất có đường. Vì vậy, không nên cho trẻ dùng các thức uống, đồ ăn ngọt, đặc biệt vào buổi tối. Đối với trẻ có nguy cơ cao bị sâu răng, cần tránh cho dùng các loại bánh snack giữa các bữa ăn.
- Cần cho trẻ khám răng định kỳ
Khi trẻ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên từ 1 - 2 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ đi khám răng. Nếu các bác sĩ nha khoa thấy trẻ có biểu hiện sâu răng sớm, sẽ trám bít hố rãnh bằng chất liệu chuyên dụng. Điều này được ghi nhận là có hiệu quả phòng ngừa sâu răng ở các răng cối sữa và răng cối vĩnh viễn. Trám bít hố rãnh có hiệu quả nhất khi đặt ngay sau khi các răng vừa mới mọc (trẻ 1 - 2 tuổi) và cho các trường hợp răng cối có khe sâu hay rãnh sâu.
Tóm lại: Sâu răng sớm là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, vì vậy, vệ sinh răng miệng tại nhà với việc chải răng đúng cách cho trẻ sẽ góp phần quan trọng giúp răng miệng luôn khỏe mạnh, hạn chế vi khuẩn gây hại cũng như các bệnh lý răng miệng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Tại đây trẻ sẽ được bác sĩ kiểm tra răng miệng, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh ở răng miệng nếu có.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh