✴️ Dạ dày có HP có nguy hiểm không và gây ra bệnh gì?

Nội dung

Dạ dày có HP có nguy hiểm không, thường gây ra những bệnh tiêu hóa gì là những thắc mắc đông đảo mọi người quan tâm về loại vi khuẩn có tỷ lệ nhiễm top đầu này. Hãy cùng tìm hiểu để có các biện pháp xử lý và phòng tránh hiệu quả.

 

1. Thông tin về vi khuẩn HP

1.1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn có thể xâm nhập, khu trú ở lớp nhầy trên niêm mạc dạ dày. Để có thể phát triển tại môi trường axit cao tại dạ dày, HP tăng tiết men urease tạo ra môi trường kiềm xung quanh nó giúp chống lại được acid dịch vị. Cũng vì đó, theo thời gian vi khuẩn hoạt động sẽ bào mòn dần lớp bảo vệ và gây ra các bệnh viêm loét ở dạ dày.

Vi khuẩn HP có tỷ lệ nhiễm cao ở người chỉ sau vi khuẩn sâu răng

 

1.2. Nhận biết dạ dày có HP

Dựa theo trạng thái hoạt động cùng mức độ ảnh hưởng gây hại của vi khuẩn HP, người bệnh nhiễm vi khuẩn HP sẽ có triệu chứng khác nhau nhưng thường gặp nhất là những dấu hiệu điển hình như sau:

– Đau thượng vị, có thể đau theo từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài.

– Nóng rát thượng vị.

– Ợ hơi.

– Đầy hơi, chướng bụng.

– Buồn nôn và nôn.

– Sốt.

– Chán ăn, ăn không ngon.

– Giảm cân bất thường.

– Cảm giác khó nuốt khi ăn.

– Nôn ra máu.

– Đi đại tiện có lẫn máu.

– Chóng mặt, ngất xỉu.

– Mặt tái nhợt.

Khi nhận thấy các dấu hiệu tiêu hóa như như trên, mỗi người cần chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán xác định vi khuẩn HP sớm và chính xác để nhanh chóng tiến hành điều trị đúng phác đồ, ngăn ngừa hoạt động gây bệnh của vi khuẩn.

1.3. Cách chẩn đoán dạ dày có HP

Chẩn đoán xác định HP dương tính được thực hiện phổ biến theo 2 phương pháp sau đây:

– Nội soi dạ dày tá tràng: Nội soi dạ dày được xem là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa và tìm vi khuẩn HP. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ trực tiếp lấy ra mẫu bệnh phẩm và đưa đi sinh thiết nên sẽ cho kết quả chính xác nhất.

– Xét nghiệm vi khuẩn tìm HP dương tính: Vi khuẩn HP được phát hiện thông qua thực hiện các xét nghiệm như: test hơi thở, xét nghiệm máu, phân tích mẫu phân hoặc từ một mẫu sinh thiết được lấy từ nội soi.

 

2. Vi khuẩn HP có lây không?

Vi khuẩn HP có mức độ lây lan rộng theo 3 con đường chính là đường miệng, đường phân và đường dạ dày. Cụ thể:

– Lây qua đường miệng: Vi khuẩn HP sẽ được lây nhiễm khi nước bọt hoặc dịch tiết từ đường tiêu hóa của người mang bệnh và người lành không mang bệnh tiếp xúc trực tiếp lẫn nhau.

– Lây qua đường phân: Vi khuẩn HP theo đường phân đi ra ngoài và trở thành nguồn lây bệnh ra môi trường. Việc ăn uống không đảm bảo hợp vệ sinh, ăn đồ sống,.. sẽ làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn HP.

– Lây qua đường dạ dày: Khi thực hiện khám chung các dụng cụ y tế như nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng, nha khoa,.. có thể vô tình làm lây truyền vi khuẩn H. pylori. Chính vì vậy, việc thực hiện sát trùng khử khuẩn dụng cụ y tế đúng quy định là yêu cầu bắt buộc nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo.

 

3. Dạ dày có HP có nguy hiểm không và thường gây ra bệnh gì?

Theo số liệu thống kê, có tới khoảng 70% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP. Không phải chủng vi khuẩn nào cũng đều nguy hiểm gây ra những bệnh về đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp, người nhiễm khuẩn HP còn có lợi do ít bị các nhiễm trùng đường ruột hơn so với những người không nhiễm HP vì HP tiết ra các chất giúp ngăn chặn các vi khuẩn khác phát triển.

Tuy nhiên, tại Việt Nam thì vi khuẩn HP vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các bệnh dạ dày mà điển hình hơn cả là viêm loét dạ dày – tá tràng – hành tá tràng. Cùng một tỷ lệ rất nhỏ người nhiễm HP dương tính tiến triển thành ung thư dạ dày (chiếm khoảng 1%). Cụ thể, khi nhiễm vi khuẩn HP thuộc loại HP mang gen CagA có độc lực cao sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Vì vậy, mỗi người không thể chủ quan với loại vi khuẩn này. Phát hiện sớm giúp hỗ trợ việc điều trị diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh của vi khuẩn HP.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

 

4. Điều trị vi khuẩn HP đúng cách

Vi khuẩn HP có thể được điều trị tốt bằng thuốc theo đúng phác đồ bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Trong đó, việc sử dụng kháng sinh là bắt buộc.

Tùy vào tiền sử bệnh cụ thể và khả năng dung nạp thuốc trong từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại kháng sinh tương thích. Tuy nhiên nhằm tăng tỉ lệ điều trị thành công, phác đồ tiệt trừ vi khuẩn H. pylori cần có sự kết hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên theo các phác đồ do Bộ Y tế ban hành sau đây:

– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ kết hợp gồm 3 thuốc và có Levofloxacin

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc kháng sinh tiệt trừ vi khuẩn HP cần tuân theo đúng chỉ dẫn và yêu cầu của bác sĩ điều trị đưa ra. Người bệnh không được tự ý kê đơn, dùng thuốc theo gợi ý, không thay thế thuốc nhằm tránh dẫn tới tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc hoặc bệnh bị tái đi tái lại.

Dạ dày có HP gây ra những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của người bệnh. Thực hiện ăn uống đầy đủ hợp vệ sinh, hạn chế ăn hàng quán vỉa hè và thăm khám sức khỏe tiêu hóa định kỳ để phòng bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top