Không thay bàn chải định kỳ.
Theo khuyến cáo của ADA (Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ) chúng ta nên thay bàn chải đánh răng 3- 4 tháng 1 lần. Một giải pháp dễ dàng đó là thay bàn chải theo mùa. Khi bàn chải đánh răng cùn và lông bàn chải gãy sẽ không thể đánh răng được sạch sẽ. Đó cũng chính là dấu hiệu nên thay bàn chải mới. Khi muốn thay bàn chải đánh răng mới, chúng ta phải theo dõi thông số trên bao bì theo ADA.
Chải răng không đủ thời gian.
Răng phải được chải ít nhất 2 phút, tối thiểu 2 lần mỗi ngày. Đa số chúng ta chải răng quá nhanh. Thông thường theo thói quen chỉ chải răng trong 45 giây. Để tạo thói quen chải răng đủ thời gian nên bấm đồng hồ hoặc ngâm nga 1 ca khúc mà bạn yêu thích.
Lực chải răng quá mạnh
Có thể chúng ta nghĩ chải răng thật mạnh sẽ loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn. Nhưng đó là 1 suy nghĩ sai lầm bởi long bàn chải sẽ làm tổn thương lợi và mòn răng. Nếu bạn thường đánh răng quá mạnh hãy thử sử dụng một bàn chải đánh răng có tay cầm góc cạnh để làm giảm áp lực lên răng..
Chải răng ngay sau khi ăn.
Nếu bạn cảm thấy cần phải chải răng ngay sau khi ăn uống, hãy đợi ít nhất 30 phút sau ăn. Đặc biệt sau khi ăn đồ ăn chứa axit, nho, soda…
Bảo quản bàn chải đúng cách.
Sau khi đánh răng xong, bạn nên tập cho mình thói quen vệ sinh bàn chải đánh răng ngay với nước sạch, để loại bỏ các vụn thức ăn cùng phần kem đánh răng còn sót lại trên bàn chải. Bàn chải đánh răng nên được đặt thẳng đứng, không đặt nằm ngang, bởi đặt đứng thì đầu bàn chải mới nhanh ráo nước, sạch khô, đặt nằm ngang bàn chải thường bị ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển.
Bàn chải đánh răng của mỗi người không nên để tiếp xúc quá gần với nhau, mỗi bàn chải nên giữ một khoảng cách nhất định thì chúng mới dễ khô ráo và vi khuẩn không có cơ hội di chuyển từ bàn chải này đến bàn chải khác, gây nguy hại cho sức khỏe của mọi người. Không cất bàn chải ngay sau khi đánh răng, bởi như vậy bạn đang vô tình lưu lại các vi khuẩn, chất bẩn lên bàn chải của mình và khi đánh răng vào lần sau, bạn có thể sẽ hấp thụ chúng vào cơ thể.
Sử dụng bàn chải lông cứng.
Lông bàn chải có thể mềm, vừa hoặc cứng. Đối với đại đa số người tiêu dùng thì bàn chải đánh răng có lông mềm mại, đầu lông tròn sẽ là lựa chọn thoải mái và an toàn nhất. Bình thường nên chọn bàn chải có cán thẳng và lông bàn chải dài bằng nhau. Số sợi trung bình của bó không quá lớn và đường kính của mỗi sợi từ 0,2 – 0,3mm. Các nha sĩ thường khuyên lựa chọn bàn chải có lông mềm mượt, độ cứng vừa phải, độ đàn hồi tốt sẽ giúp loại bỏ các mảng bám, vụn thức ăn trên răng dễ dàng. Bạn không nên mua bàn chải với lông quá cứng, nó sẽ dễ làm tổn hại tới nướu răng và cũng không lấy chiếc bàn chải với lông quá mềm vì nó sẽ gây khó khăn trong việc làm sạch răng miệng. Sử dụng bàn chải trước 1, 2 lần, cảm thấy lông bàn chải cứng thì cần đổi ngay sang mẫu bàn chải khác.
Kỹ thuật chải răng không đúng.
Kỹ thuật chải răng cơ bản như sau
- Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm.
- Đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài.
- Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên – xuống để chải các răng cửa phía trên.
- Thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới.
- Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau.
- Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi.
- Súc miệng lại bằng nước sạch 3 – 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng.
- Sử dụng nước súc miệng để đánh bay triệt để các mảng bám và giúp hơi thở thơm mát hơn.
Xem thêm: Răng nhạy cảm, dễ ê buốt
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh