✴️Răng nhạy cảm, dễ ê buốt

Các triệu chứng của răng nhạy cảm

Lớp men răng, vật liệu cứng chắc nhất của cơ thể, bao phủ bên ngoài thân răng của chiếc răng khỏe mạnh. Lớp xê măng bao phủ bề mặt chân răng dưới đường viền nướu.

Bên dưới lớp men và lớp xê măng là ngà răng. Ngà răng mềm hơn men răng và xê măng. Ngà răng chứa rất nhiều các siêu vi ống. Lòng ống có chứa dịch lỏng. Khi ngà răng bị mất đi lớp bảo vệ bao phủ, dưới tác dụng kích thích của các tác nhân nóng, lạnh, có tính axit hoặc tính dính hoặc thậm chí thở miệng; các chất dịch này sẽ truyền kích thích đến tác động các tế bào thần kinh trong răng gây ê buốt khó chịu.

Nhạy cảm ngà, hay nhạy cảm răng, là một vấn đề nha khoa phổ biến. Tình trạng này có thể tiến triển theo thời gian, và nó là kết quả của các vấn đề thường gặp như tụt nướu và mòn men răng. Hầu hết các bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Răng nhạy cảm bắt đầu hình thành khi phần 'ngà' mềm hơn nằm ở bên trong răng bị ăn mòn. Phần ngà nằm dưới lớp men và nướu răng. Hàng ngàn kênh dẫn truyền cực nhỏ chạy qua ngà hướng đến phần trung tâm răng. Một khi ngà răng bị ăn mòn, các tác nhân bên ngoài (như đồ uống lạnh) có thể kích thích các dây thần kinh bên trong răng và kết quả là tạo ra cơn đau buốt ngắn và nhói cho răng nhạy cảm

Sự dẫn truyền cảm giác của ngà răng

Vệ sinh răng miệng đúng cách là một bước quan trọng ngăn ngừa bệnh sâu răng, bệnh nha chu và răng nhạy cảm. Nếu bạn đánh răng không đúng hoặc chải quá mạnh, bạn có thể làm tổn thương nướu răng và gây lộ chân răng.

Một nguyên nhân khác nữa là bệnh nha chu viêm. Đây là một bệnh nhiễm trùng nướu răng và xương nâng đỡ răng. Nếu bệnh nha chu không được điều trị, mô nướu có thể tách ra khỏi răng và tạo một khoảng không gian gọi là túi nha chứa rất nhiều vi khuẩn. Sự tiến triển của bệnh nha chu có thể gây ra sự phá hủy xương và các cấu trúc nâng đỡ của răng, làm bộc lộ bề mặt chân răng. Khám răng định kỳ rất quan trọng giúp phát hiện và điều trị kịp thời sâu răng, bệnh nha chu và các bệnh lý khác về răng miệng ở giai đoạn sớm.

Xem thêm bài viêm nha chu

Điều trị răng nhạy cảm

Răng nhạy cảm có thể được điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân, nha sĩ có thể đề nghị bạn thử kem đánh răng giảm ê buốt, với thành phần tác dụng ngăn chặn sự truyền cảm giác từ bề mặt răng đến các dây thần kinh. Việc sử dụng kem đánh răng giảm ê buốt thường xuyên có thể giảm ê buốt. Khi lựa chọn kem đánh răng hoặc bất kỳ sản phẩm chăm sóc răng miệng nào nên hỏi ý kiến nha sĩ để bạn có thể lựa chọn được 1 sản phẩm an toàn và hiệu quả.

Nếu kem đánh răng giảm ê buốt không giảm sự khó chịu của bạn, nha sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị tại phòng khám. Một loại gel fluor hay gel chống ê buốt được bôi lên vùng răng nhạy cảm. Khi biện pháp này không hiệu quả, các phương pháp điều trị khác có thể được thực hiện như trám răng, bọc mão toàn phần hay bán phần, bôi keo lên vùng răng bị nứt hay sâu răng của răng bị nhạy cảm. Phương thức điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân của răng nhạy cảm.

Nếu mô nướu đã bị tụt khỏi chân răng, nha sĩ có thể đề nghị ghép nướu nhằm bảo vệ chân răng và giảm ê buốt. Trong trường hợp răng nhạy cảm quá mức, dai dẳng và các biện pháp trên không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được thì điều trị nội nha (lấy tủy răng) có thể loại bỏ được ê buốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top