✴️ Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp vai

1. Nguyên nhân nào dẫn tới thoái hóa khớp vai?

Khớp vai là chỉ chung hai khớp cấu thành nên vai gồm: khớp AC (Acromioclavicular) nối giữa xương đòn và xương bả vai, khớp Glenohumeral nối giữa đỉnh xương cánh tay và xương bả vai. Tình trạng thoái hóa khớp vai nói riêng và các bệnh khớp vai nói chung thường gặp hơn ở khớp AC do là vị trí chịu nhiều lực tác động từ chuyển động tay và cơ thể hơn.

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai có triệu chứng điển hình là đau, bệnh càng nghiêm trọng thì đau càng nặng và xuất hiện thường xuyên. Ban đầu, cơn đau có thể chỉ xuất hiện trong hoặc sau khi di chuyển vai, sau đó cơn đau xảy ra cả khi nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi. Đau kết hợp với tổn thương khớp vai khiến khả năng chuyển động của vai cũng bị hạn chế. Bạn sẽ thấy rõ nhất triệu chứng này khi di chuyển cánh tay với cao hoặc dang rộng, khi di chuyển vai có thể tạo ra tiếng kêu bất thường.

Hầu hết bệnh nhân thoái hóa khớp vai đều xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân kết hợp bao gồm:

1.1. Nguyên nhân tác động từ bên ngoài

Chấn thương khớp vai: xảy ra sau các vụ chấn thương như tai nạn, va đập, thể thao quá sức,… gây tổn thương trực tiếp cho khớp như gãy xương, trật khớp,… Tổn thương này đều có thể dẫn đến viêm xương khớp vai xuất hiện sớm hoặc muộn, đôi khi sau chấn thương vài năm thoái hóa khớp vai mới khởi phát.

Thoái hóa khớp vai có thể xảy ra sau chấn thương liên quan

Chấn thương khớp vai hoặc căng khớp vai mãn tính: Thường xảy ra ở những người có thói quen, tư thế ngồi không đúng khiến vai chịu lực tác động quá mức hoặc có công việc yêu cầu chuyển động vai nặng như vận động viên bóng rổ, cử tạ, người phải khuân vác đồ nặng,… Những yếu tố tác động này đều có thể dẫn tới chấn thương nhỏ ở khớp vai, dần phát thành thành viêm.

1.2. Nguyên nhân từ bên trong

Dị tật bẩm sinh: Khiếm khuyết bất thường bẩm sinh ở khớp vai ở một số người khiến họ dễ bị trật khớp vai và tổn thương hơn, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp.

Tuổi cao: Thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp vai nói riêng có mối liên hệ chặt chẽ với độ tuổi, cụ thể những người trên 50 tuổi là đối tượng nguy cơ cao nhất. Nguyên nhân do tuổi càng cao, các khớp vai do vận động nhiều thường bị hao mòn hơn, kém linh hoạt hơn, sụn mỏng khiến các đầu khớp dễ cọ xát dẫn tới tổn thương.

Béo phì: Mặc dù khớp vai không chịu áp lực quá lớn từ trọng lượng cơ thể như khớp đầu gối, song các nghiên cứu chỉ ra người thừa cân có nguy cơ bị thoái hóa khớp vai cao hơn người bình thường. Nguyên nhân do béo phì làm tăng nguy cơ viêm toàn thân cấp thấp, góp phần gây viêm xương khớp.

Viêm khớp tự miễn và các bệnh liên quan: như bệnh gout, rối loạn chuyển hóa, viêm khớp nhiễm trùng,… làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp vai.

Di truyền: Một số nghiên cứu đã chỉ ra, bệnh viêm xương khớp vai có liên quan đến yếu tố di truyền song vẫn chưa chứng minh được gen liên quan và mức độ di truyền như thế nào. Song người có thành viên trong gia đình bị viêm khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh tương tự cao hơn.

2. Chẩn đoán thoái hóa khớp vai

Triệu chứng của thoái hóa khớp vai khá giống với nhiều dạng tổn thương hoặc bệnh lý liên quan khác như: viêm bao hoạt dịch vai, đông cứng vai, hội chứng chạm mỏm cùng vai, tách rotator cuff,… Do đó ngoài xem xét triệu chứng, bác sĩ cần thực hiện kiểm tra thể chất, khả năng vận động và yêu cầu xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Do đó, hãy cung cấp càng chi tiết càng tốt các thông tin về triệu chứng đau và bất thường ở vai, khả năng chuyển động, mức độ tiến triển của triệu chứng,… 

Khám lâm sàng

Khi kiểm tra đánh giá tình trạng hoạt động, tổn thương vai của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đánh giá tốt hơn, toàn diện hơn tình trạng đau và yếu cơ cũng như các vấn đề liên quan. 

Thăm dò chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép đánh giá mức độ tổn thương của viêm khớp vai và loại trừ nguyên nhân khác ngoài thoái hóa khớp vai.

Chẩn đoán hình ảnh cung cấp thông tin quan trọng về tổn thương khớp vai

  • Chụp X-quang: Ảnh chụp X-quang cho thấy khoảng trống giữa ổ cắm và đầu xương cánh tay, các gai xương và dị tật khác nếu có.
  • Chụp MRI: Ảnh chụp cộng hưởng từ thể hiện hình ảnh mô mềm vai chi tiết hơn, phân biệt thoái hóa khớp vai với rách sụn viền cổ chảo - nguyên nhân phổ biến gây đau vai.
  • Siêu âm: Siêu âm không cho hình ảnh chi tiết tổn thương vai như chụp MRI, nhất là tổn thương mô mềm song cho kết quả nhanh nên có thể chẩn đoán sơ bộ. Siêu âm vai ở các tư thế khác nhau theo chuyển động sẽ thấy được tổn thương rõ nét hơn.
  • Chụp CT: Ảnh chụp CT thể hiện cấu trúc bên trong liên quan đến xương chi tiết hơn so với X-quang.

Xét nghiệm y khoa

Xét nghiệm máu, chọc hút dịch khớp sẽ cung cấp thông tin để chẩn đoán phân biệt thoái hóa khớp vai với các tình trạng gây đau khác như nhiễm trùng, gout, viêm cột sống dính khớp,…

3. Có thể điều trị thoái hóa khớp vai không?

Hầu hết bệnh nhân thoái hóa khớp vai ban đầu sẽ được điều trị bằng chăm sóc, nghỉ ngơi tại nhà kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng. Một số bài tập vật lý trị liệu hoặc phương pháp đơn giản như chườm đá, chườm ấm sẽ giúp làm giảm cơn đau khớp vai hiệu quả. Thuốc giảm triệu chứng thường dùng như thuốc chống viêm không steroid, thuốc tiêm corticosteroid, thuốc uống bổ sung chondroitin, glucosamine,…

Khi các phương pháp này không giúp cải thiện bệnh, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật thay thế khớp vay hoặc thay thế đầu xương cánh tay, cánh tay trên. Đôi khi cắt bỏ một mảnh nhỏ thuốc khớp mới có thể điều trị viêm khớp AC và các vấn đề liên quan đến rotator cuff.

Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, thoái hóa khớp vai hoàn toàn có thể cải thiện được. Bệnh nhân sẽ cần nghỉ ngơi và hạn chế việc nặng tác động lên khớp vai nhiều hơn tránh tổn thương nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Một số điều cần biết về viêm xương thoái hóa khớp vai

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top