Các loại trà làm giảm chứng buồn nôn

Buồn nôn được đặc trưng bởi tình trạng đầy chướng, đau bụng và muốn nôn. Trên thực tế, một số loại trà đã được chứng minh có thể làm dịu cơn buồn nôn vì bất cứ nguyên nhân gì (ốm nghén, say tàu xe hoặc do hoá trị).

Dưới đây là 6 loại trà tốt nhất để giảm cơn buồn nôn đang kéo đến.

Trà gừng

Trà gừng chủ yếu được làm từ củ gừng. Củ gừng đã được sử dụng như một liệu pháp thiên nhiên để điều trị tình trạng buồn nôn trong hàng ngàn năm nay ở rất nhiều nước trên thế giới. Củ gừng thường được dùng trực tiếp hoặc thêm vào kẹo, viên uống và viên nhai để làm dịu tình trạng đau bụng.

Một tổng hợp từ 9 nghiên cứu cho thấy gừng có thể làm giảm tình trạng buồn nôn và nôn mửa gây ra do ốm nghén, hoá trị, một số loại thuốc và do phẫu thuật. Tương tự, một nghiên cứu khác trên 576 người điều trị hoá trị chỉ ra rằng: sử dụng từ 0, 5 đến 1,0 gam gừng có thể làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của tình trạng buồn nôn. Mặc dù đa số các nghiên cứu đều tập trung vào chiết xuất gừng cô đặc hoặc các thực phẩm chức năng chứa gừng nhưng nhiều khả năng trà gừng cũng cung cấp các tác dụng tương tự.

Sử dụng gừng cũng vô cùng đơn giản. Bạn có thể ngâm một vài lát củ gừng đã bóc vỏ trong nước sôi khoảng 10-20 phút, phụ thuộc vào việc bạn muốn vị gừng đậm hay nhạt. Tiếp theo, vớt lát gừng ra và bổ sung thêm một chút mật ong, quế hoặc chanh, nếu bạn muốn. Bạn cũng có thể mua trà gừng đóng gói bán sẵn và pha với nước ấm. Hãy thưởng thức cốc trà gừng, bạn sẽ thấy dịu lại cơn buồn nôn.

 

Trà bạc hà

Trà bạc hà là một trong số những loại trà phổ biến nhất để điều trị đau bụng và buồn nôn.

Nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng dầu bạc hà có thể làm giảm đau và thư giãn cơ ở hệ tiêu hoá. Một nghiên cứu khác trên 123 người cho thấy ngửi mùi bạc hà có thể làm giảm đáng kể tình trạng buồn nôn sau phẫu thuật. Trà bạc hà cũng có tác dụng tương tự như tinh dầu bạc hà.

Trà bạc hà túi lọc có sẵn rất nhiều tại các siêu thị và cửa hàng. Ngoài ra, bạn có thể tự làm trà bạc hà bằng cách ngâm 10-15 lá bạc hà trong 240ml nước nóng 5-10 phút.

 

Trà hoa cúc

Trong y học cổ truyền, hoa cúc đã được sử dụng để làm giãn các cơ đường tiêu hoá và để điều trị các tình trạng như say tàu xe, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và khó tiêu.

Theo một nghiên cứu kéo dài 4 tháng trên 65 phụ nữ điều trị hoá trị, sử dụng 500mg chiết xuất hoa cúc 2 lần/ngày giúp làm giảm tần suất nôn mửa. Tương tự, nghiên cứu trên 105 phụ nữ cho thấy sử dụng chiết xuất hoa cúc có hiệu quả giảm buồn nôn và nôn mửa do ốm nghén hiệu quả hơn sử dụng trà gừng. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi uống trà hoa cúc vì hoa cúc cũng như các loại thảo dược khác có thể sẽ gây ra một số nguy cơ đối với thai kỳ.

Mặc dù các nghiên cứu đều sử dụng chiết xuất hoa cúc đậm đặc, nhưng trà hoa cúc cũng có thể có tác dụng tương tự. Bạn có thể ngâm 1 thìa cà phê hoa cúc khô vào 240ml nước nóng trong 5-10 phút và thưởng thức.

 

Trà chanh mật ong

Chanh mật ong là một loại trà phổ biến đã được nhiều nghiên cứu chứng minh rằng mùi thơm của chanh có thể làm giảm tình trạng buồn nôn. Nghiên cứu trong 4 ngày trên 100 phụ nữ mang thai chỉ ra rằng ngửi tinh dầu chanh có thể làm giảm đáng kể tình trạng buồn nôn và nôn mửa.

Mật ong sẽ giúp làm cân bằng mức axit trong chanh, đồng thời mật ong cũng có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ khỏi các tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến buồn nôn.

Để làm một ly trà chanh mật ong rất đơn giản: 2 thìa cà phê nước cốt chanh+ 2 thìa cà phê mật ong + 240ml nước nóng và khuấy đều. Hoặc bạn hãy cắt vài lát chanh thật mỏng, thả vào ly nước ấm, thêm mấy thìa mật ong và tận hưởng!

 

Trà cam thảo

Cam thảo là một loại thảo mộc có vị ngọt rất đặc trưng và từ rất lâu đã được y học cổ truyền sử dụng trong rất nhiều bài thuốc khác nhau, trong đó có điều trị tình trạng rối loạn tiêu hoá. Hiện nay, cam thảo còn được thêm vào các loại kẹo, kẹo cao su và đồ uống.

Một nghiên cứu trên 54 người trong 1 tháng cho thấy sử dụng 75mg chiết xuất cam thảo 2 lần/ngày có thể làm giảm triệu chứng khó tiêu, bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và chướng bụng. Một  nghiên cứu khác chỉ ra rằng chiết xuất cam thảo có thể giúp điều trị tình trạng loét dạ dày – tình trạng có thể gây ra các triệu chứng như chướng bụng, khó chịu ở bụng, buồn nôn và nôn mửa.

Tuy nhiên, cam thảo có thể gây ra các phản ứng phụ như tăng huyết áp nếu tiêu thụ với một lượng lớn. Những phản ứng phụ này có thể sẽ bị nặng hơn nếu bị thiếu kali. Vì lý do đó, tốt nhất, chỉ nên sử dụng nhiều nhất 1 cốc 240ml trà cam thảo một ngày. 

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn mắc phải các tình trạng bệnh khác mà muốn sử dụng trà cam thảo. Phụ nữ mang thai cũng nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi uống trà cam thảo.

 

Trà thì là

Thì là là một loại thảo mộc có mùi thơm và là một loại rau thơm có họ với cà rốt, cần tây, rau mùi. Thì là từ lâu đã được sử dụng như một liệu pháp thiên nhiên để điều trị nhiều chứng bệnh, bao gồm đau bụng, tiêu chảy và táo bón.

Một vài tác dụng trên của thì là đã được các nghiên cứu chứng minh. Ví dụ, nghiên cứu trên 80 phụ nữ chỉ ra rằng uống viên có chứa 30mg thì là trước kì kinh có thể giúp làm giảm các triệu chứng như buồn nôn và suy nhược. Một nghiên cứu khác trên 159 người cho thấy rằng uống 240ml trà thì là mỗi ngày giúp bạn có hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn sau khi phẫu thuật.

Công thức pha trà thì là: 1 thìa cà phê hạt thì là khô+ 240ml nước nóng, ngâm 5-10 phút

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top