✴️ Tổng quan về bệnh lý sâu răng

Nội dung

1. Thế nào là sâu răng

Trong miệng của chúng ta có rất nhiều vi khuẩn đang sinh sống. Hàng trăm loại khác nhau sống trên răng, nướu răng, lưỡi và những nơi khác trong miệng. Một số vi khuẩn có ích. Nhưng một số lại có hại đóng vai trò trong quá trình sâu răng.

Sâu răng là kết quả của nhiễm trùng với một số loại vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn để tạo axit. Theo thời gian, các axit này sẽ ăn mòn và tạo ra một lỗ trong răng.

Như vậy bệnh sâu răng thực chất là sự làm hại của những vi khuẩn có hại sống trong miệng bạn, chỉ chờ cơ hội thuận lợi để hủy hoại răng bạn.

2. Nguyên nhân gây sâu răng

Cao răng – mảng bám chứa vi khuẩn

Khi vi khuẩn tồn tại lâu trong miệng sẽ hình thành một chất dính, gọi là mảng bám trên răng. Bất cứ khi nào chúng ta ăn hoặc uống một thứ chứa đường và tinh bột, mảng bám sẽ dần trở nên cứng hơn, tạo thành cao răng. Cao răng bám ở bề mặt răng, trong kẽ răng và cả các rãnh lợi tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Streptococcus mutans – vi khuẩn gây sâu răng cư ngụ. Mỗi ngày, vi khuẩn này lên men đường trong tinh bột trong đồ ăn và tạo ra môi trường axit, ăn mòn dần men răng  và tạo thành lỗ sâu răng.

Ăn nhiều thức ăn, đồ uống chứa đường

Như bạn đã biết các vi khuẩn Streptococcus mutans lên men đường thành axit gây ăn mòn men răng. Do vậy, một chế độ ăn nhiều đường sẽ khiến bạn vô tình tiếp tay cho các vi khuẩn này phá hủy răng của mình. Điều này cũng lý giải vì sao sâu răng gặp chủ yếu ở trẻ em.

Răng bị tổn thương

Răng bị vỡ mẻ, không lành lặn làm khả năng chống đỡ với các tác nhân gây sâu răng giảm và nguy cơ sâu răng tăng lên.

Men răng yếu

Men răng là tổ chức cứng giàu canxi nhất cơ thể. Tuy nhiên, do một vài lý do nào đó, ở một số người lớp men răng yếu như bị rạn, vỡ… sẽ khiến cho vi khuẩn có hại dễ dàng tấn công và gây sâu răng.

Như vậy, dù nguyên nhân gây sâu răng là gì thì nó cũng tạo ra điều kiện hay môi trường thuận lợi hơn cho vi khuẩn có hại tấn công răng.

3. Những triệu chứng của bệnh sâu răng

Nếu bạn bị sâu răng bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Đau răng: Ở một số người khi răng mới sâu sẽ có thể không bị đau. Nhưng sau đó bạn sẽ đau liên tục hoặc thỉnh thoảng đau nhói mà không tác động gì vào răng.
  • Răng nhạy cảm hơn: bạn sẽ thấy đau khi ăn hay uống thứ gì đó nóng, lạnh hoặc ngọt.
  • Những đốm xám, nâu hoặc đen xuất hiện trên răng.
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Miệng có vị khó chịu.

4. Điều trị sâu răng thế nào?

Điều trị sâu răng phụ thuộc vào mức độ tình trạng sâu của răng:

  • Đối với sâu răng ở giai đoạn sớm: Nha sĩ sẽ đưa ra một vài lời khuyên về lượng đường trong khẩu phần ăn và thời gian bạn ăn. Đồng thời bôi lên răng một lớp gel fluorideide và veneer lên phần sâu để ngăn chặn tình trạng sâu nặng hơn. Florua giúp bảo vệ răng bằng cách tăng cường men răng, làm cho răng có khả năng chống lại các axit từ mảng bám có thể gây sâu răng.
  • Nếu tình trạng sâu nặng hơn với các lỗ hổng to, nha sĩ sẽ lấp đầy lỗ sâu bằng cách hàn trám vào lỗ sâu. Đây là biện pháp điều trị vừa có tác dụng ngăn chặn sâu răng vừa phụ chỉnh lại thẩm mỹ cho răng như ban đầu.
  • Nếu sâu răng xâm lấn làm tổn hại thần kinh, các nha sĩ sẽ thực hiện lấy tủy. Phương pháp này giúp làm sạch vi khuẩn tận gốc, trám lại răng sau đó gắn mão răng nếu thích hợp.
  • Trường hợp răng bị hư hỏng nặng đến mức không thể phục hồi. Răng của bạn sẽ bị nhổ bỏ và được thay thế bằng răng giả, cầu răng hoặc cấy ghép.

5. Làm thế nào để phòng ngừa sâu răng?

Để phòng ngừa sâu răng, cách tốt nhất là ngăn chặn nguyên nhân hình thành các mảng bám. Do vậy, hãy tự tạo cho mình một thói quen chăm sóc răng miệng mỗi ngày:

  • Cắt giảm bớt lượng đồ ăn thức uống chứa đường hoặc nhiều tinh bột
  • Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày ngay sau khi ăn và mỗi lần nên đánh ít nhất 2 phút. Nên lựa chọn các loại kem đánh răng chứa Fluoride.
  • Sử dụng chỉ tơ nha khoa và bàn chải kẽ răng iist nhất 1 lần/ ngày. Việc làm sạch những khu vực mà bàn chải khó tiếp cận nhưng lại hay dính thức ăn và tích tụ vi khuẩn như kẽ răng là hết sức quan trọng.
  • Tránh hút thuốc hoặc uống rượu nhiều. Thuốc lá có thể gây trở ngại cho việc sản xuất nước bọt (nước bọt giúp giữ cho răng sạch sẽ). Còn rượu bia có thể góp phần làm xói mòn men răng.

Ngoài việc áp dụng những thói quen trên, bạn cũng nên thăm khám răng miệng thường xuyên hơn. Điều này sẽ giúp bạn có được hàm răng khỏe đẹp.

Xem thêm: Sâu răng ở trẻ nhỏ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top