✴️ Sâu răng ở trẻ nhỏ

Nội dung

Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ nhỏ

Sâu răng được xem là một bệnh nhiễm khuẩn, lây nhiễm và là một bệnh đa yếu tố, với ba yếu tố chính là: vi khuẩn trong mảng bám răng, chế độ ăn có nhiều đường và cấu trúc răng dễ bị ảnh hưởng.

Các yếu tố này tương tác với nhau trong một thời gian nhất định sẽ gây ra sự mất cân bằng trong quá trình khử khoáng và tái khoáng hóa xảy ra ở giao diện của bề mặt răng và màng sinh học.  Dựa trên khái niệm này, sâu răng xảy ra là do sự khử khoáng mô răng, hậu quả của nhiễm trùng răng do vi khuẩn sinh acid; điều này còn phụ thuộc vào sự tiếp xúc thường xuyên của các carbohydrate lên men răng và chịu ảnh hưởng của nước bọt, fluor và các nguyên tố vi lượng khác.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ sinh học, tâm lý xã hội, và hành vi cũng có vai trò hỗ trợ cho các yếu tố gây sâu răng. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã xác định rõ nguyên nhân của SRTN hay SRTN-TT là do người nuôi dưỡng hay dỗ dành trẻ hay ru ngủ trẻ với bình sữa hay nước ngọt và tình trạng này kéo dài trong suốt thời gian ngủ của trẻ. Điều này đã gây thuận lợi cho các yếu tố sinh sâu răng và tăng nguy cơ sâu răng ở những trẻ này.

     sâu răng ở trẻ nhỏ

Đặc điểm lâm sàng của sâu răng trẻ nhỏ 

Tổn thương SRTN ban đầu xuất hiện như là đốm trắng ở mặt ngoài của răng cửa hàm trên ở vùng tiếp giáp với bờ nướu, sau đó lan đến những răng cối hàm trên, răng cối hàm dưới và hiếm khi ở răng cửa hàm dưới. Tổn thương mất khoáng trở thành tổn thương sâu răng trong vòng 6 đến 12 tháng, và có thể đổi màu từ vàng, nâu, thậm chí đen.

Mô hình sâu răng ở trẻ nhỏ khác với sâu răng ở trẻ lớn hơn. Dạng sâu răng này ảnh hưởng đến các răng cửa sữa hàm trên và các răng cối sữa thứ nhất hàm trên, các răng phơi nhiễm với sâu răng thì càng dễ bị ảnh hưởng. Các răng cửa sữa trên dễ bị tổn thương nhất, trong khi các răng cửa sữa hàm dưới được bảo vệ bởi lưỡi và nước bọt được tiết ra từ tuyến nước bọt dưới lưỡi và dưới hàm.

Sự phân bố sâu răng giữa các răng cửa hàm trên, hàm dưới và mức độ trầm trọng của tổn thương sâu răng giữa răng cửa và các răng khác phụ thuộc vào 3 yếu tố như sau:

  • Trình tự mọc của các răng sữa

  • Sự kéo dài của các thói quen có hại

  • Mô hình cơ vùng miệng của trẻ còn non nớt

Về phương diện lâm sàng, sâu răng ở trẻ nhỏ được phân theo 3 mức độ:

  • I (nhẹ đến trung bình): Tổn thương sâu răng liên quan đến răng cối và/hoặc răng cửa. Nguyên nhân thường là do kết hợp giữa thức ăn đặc hoặc hơi đặc sinh acid với vệ sinh răng miệng kém. Thường gặp ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi.

  • II (trung bình đến nặng): Tổn thương sâu răng ảnh hưởng đến mặt ngoài, trong của răng cửa hàm trên có hay không có sâu răng cối phụ thuộc vào tuổi của trẻ và giai đoạn bệnh, các răng cửa hàm dưới không bị ảnh hưởng. Nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng bình nuôi dưỡng hoặc bú mẹ không thích hợp hoặc kết hợp cả hai, có hoặc không có vệ sinh răng miệng kém. Loại SRTN này thường được tìm thấy sớm sau khi mọc chiếc răng đầu tiên. Nếu không kiểm soát tốt sẽ tiến triển thành SRTN loại III.

  • III (trầm trọng): Tổn thương sâu răng ảnh hưởng trên hầu hết các răng bao gồm cả răng cửa hàm dưới. Nguyên nhân thường là do sự kết hợp của thực phẩm sinh acid và vệ sinh răng miệng kém, thường xảy ra ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Dạng sâu răng này có tính lan rộng và liên quan đến toàn bộ mặt răng.

Tổn thương sâu răng tiến triển hay dừng lại là do ảnh hưởng của sự cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố gây bệnh trong môi trường miệng. Sự phát triển của sâu răng là một quá trình động, các sản phẩm có tính acid sinh ra từ quá trình trao đổi chất của vi khuẩn tác động lên bề mặt răng làm mất khoáng. Nếu sự mất khoáng dưới bề mặt men răng đủ nhiều, cuối cùng sẽ gây ra sự sụp đổ của bề mặt răng nằm phía trên và tạo thành một khoang trống hay còn gọi là lỗ sâu.

     phân loại sâu răng ở trẻ nhỏ

Phân loại sâu răng trẻ nhỏ 

Johnsen và cộng sự đã phân loại sâu răng ở trẻ nhỏ thành 3 nhóm chính:

Tổn thương liên quan đến khiếm khuyết do tăng trưởng của răng:

  • Khiếm khuyết hố rảnh: Một hay nhiều tổn thương ở vùng hố rảnh của răng cối sữa (mặt nhai của răng cối cũng như mặt lưỡi của răng cối thứ 2 hàm trên và mặt ngoài của răng cối thứ 2 hàm dưới).

  • Thiểu sản men: Bề mặt men thô nhám, men răng hoặc ngà răng trở nên có màu đen, bao gồm sâu răng giữa các vùng liền kề với vùng thiểu sản và sâu răng ở giữa mặt ngoài của răng nanh sữa.

Tổn thương sâu răng ở bề mặt láng

  • Tổn thương mặt ngoài trong (bao gồm các tổn thương sâu răng tạo lỗ loại trừ các tổn thương đốm trắng). Một hoặc nhiều hơn một tổn thương ở mặt ngoài và mặt trong của các răng (trừ mặt ngoài của răng cối sữa thứ hai hàm dưới và mặt trong của răng cối sữa thứ hai hàm trên) hoặc các mặt tiếp cận của các răng cửa.

  • Tổn thương các mặt tiếp cận của răng cối: Một hoặc nhiều hơn một tổn thương ở mặt tiếp cận của các răng cối sữa hoặc mặt xa của răng nanh sữa.

  • Kết hợp tổn thương sâu răng mặt ngoài trong và mặt tiếp cận.

Sâu răng bò lan (Rampant Caries) 14 trong số 20 răng sữa có tổn thương sâu răng trong đó có ít nhất một răng cửa hàm dưới.

Tiến triển của sâu răng trẻ nhỏ.

Sự hiện diện của carbohydrate trên men răng (ví dụ như sucrose, glucose, fructose, tinh bột đã nấu chín) và các màng sinh học trên răng hỗ trợ cho sự trao đổi chất của vi sinh vật sinh acid, hậu quả là trong các chất có tính acid, các ion hydro sẽ phân hủy các tinh thể hydroxyapatite của men, xê măng, và ngà răng; khử khoáng tiếp diễn dẫn đến tạo lỗ ở bề mặt men răng. Khi có sâu răng hay mất khoáng thì sửa chữa hay tái khoáng hóa những phần này là do cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Một quá trình theo đó các khoáng chất từ nước bọt khuếch tán trở lại vào khu vực bên dưới bề mặt bị xốp của các tổn thương mất khoáng. Chu kỳ của mất khoáng và tái khoáng xảy ra liên tục trong ngày. Khi fluor có trong nước bọt được hấp thụ mạnh lên bề mặt khử khoáng của răng thì sẽ bảo vệ bề mặt tinh thể chống lại sư phân rã do acid. Sự cân bằng giũa yếu tố bảo vệ và yếu tố bệnh lý được gọi là “cân bằng sâu răng”.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng sự phát triển của SRTN có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu được đặc trưng là sự nhiễm trùng răng sữa, tiếp theo là sự gia tăng của các vi khuẩn gây sâu răng do sự tiếp xúc thường xuyên trong môi trường miệng và cuối cùng là giai đoạn khử khoáng nhanh chóng tạo lỗ hổng trên men gây ra sâu răng.

Sự phát triển nhanh chóng của SRTN và những biểu hiện lâm sàng, đặc biệt là ở răng cửa giữa sữa hàm trên, được xác định trong giai đoạn đầu là yếu tố nguy cơ dự báo cho sâu răng ở bộ răng sữa và răng vĩnh viễn trong tương lai.

Hậu quả của sâu răng ở trẻ nhỏ 

Sâu răng ở trẻ nhỏ không ngừng tiến triển, nếu không điều trị sớm tình trạng sâu răng sẽ nặng hơn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn có thể là phải nhập viện, điều trị dưới gây mê, từ đó dẫn đến tăng chi phí điều trị. Hậu quả trước mắt là trẻ bị đau đớn, ảnh hưởng đến mọi hoạt động như ăn, ngủ, nói chuyện và chơi đùa. Những đứa trẻ có sâu răng ở bộ răng sữa sớm trong cuộc đời thì có nguy cơ phát triển thêm các tổn thương sâu răng ở răng vĩnh viễn sau này.

Có bằng chứng mạnh mẽ là sâu răng không được điều trị là yếu tố bệnh căn quan trọng đối với viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc có nguy cơ tử vong cao. Rất khó để loại bỏ các màng sinh học từ bề mặt răng thô nhám hay có các lỗ sâu, do đó vi khuẩn nhanh chóng phát triển về số lượng và sau đó hình thành quần thể vi khuẩn. Ở bộ răng sữa, khi khử khoáng tiến từ bên ngoài lớp men răng đến lớp ngà răng có thành phần hữu cơ cao hơn, thì sâu răng tiến triển nhanh chóng, và ở giai đoạn này cần phải phục hồi nha khoa.

Kết luận 

Sâu răng ở trẻ nhỏ là một tình trạng cấp tính, bệnh phát triển rất nhanh, xuất hiện bắt đầu ở một phần ba cổ răng cửa sữa hàm trên, và cuối cùng là phá hủy hoàn toàn thân răng này. Khởi phát sớm và tiến triển lâm sàng lan rộng nhanh ở các răng của trẻ. Vì vậy, sâu răng ở trẻ nhỏ là vấn đề sức  khỏe cộng đồng cần được quan tâm.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top