✴️ Những điều cần biết về rối loạn tiền đình

Nội dung

Theo thống kê, rối loạn tiền đình là bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, bệnh thường tái phát gây ảnh hưởng đến công việc và giảm chất lượng cuộc sống. Người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, triệt để tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

 

1. Phân loại rối loạn tiền đình

Có 2 loại rối loạn tiền đình:

– Rối loạn tiền đình ngoại biên (đây là dạng bệnh lành tính, gây chóng mặt, khó chịu trong sinh hoạt cho người bệnh tuy nhiên người bệnh vẫn có thể tự đi đứng được).

– Rối loạn tiền đình trung ương (do có sự tổn thương nhân tiền đình, thương tổn đường liên hệ các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não, người bệnh đi đứng khó khăn, thay đổi tư thế dễ bị choáng váng, trong một số trường hợp có thể kèm buồn nôn).

Cấu tạo cơ quan tiền đình

 

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

– Áp lực công việc kéo dài, căng thẳng, ngồi trước máy tính quá lâu là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh rối loạn tiền đình ở những người làm việc trí thức.

– Huyết áp thấp làm cho lượng máu lên não không đủ.

– Uống nhiều rượu bia và các chất kích thích.

– Cơ thể bị nhiễm độc do sử dụng thuốc hoặc hóa chất cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

– Mất máu sau sinh cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

 

3. Triệu chứng của rối loạn tiền đình

– Khi bị rối loạn tiền đình, người bệnh cảm thấy chóng mặt dữ dội, đây là triệu chứng điển hình nhất. Cảm giác chóng mặt khiến mọi vật xung quanh như quay cuồng, đảo lộn kể cả khi người bệnh nằm xuống nghỉ ngơi.

– Bên cạnh triệu chứng chóng mặt, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác đi kèm như: đau đầu, ù tai, buồn nôn, rung giật nhãn cầu, mất ngủ,… Các biểu hiện này nặng hơn khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột.

– Sợ ánh sáng, tiếng động, chỉ muốn yên tĩnh và nơi ít ánh sáng.

– Mạch đập nhanh, hạ huyết áp, người có cảm giác mệt muốn lả đi.

Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mất thăng bằng, mất ngủ,… là các triệu chứng rối loạn tiền đình

 

4. Các yếu tố nguy cơ của rối loạn tiền đình

– Làm việc trong môi trường có nhiều áp lực, ngồi nhiều, ít vận động, thường xuyên làm việc với máy tính.

– Ở trong phòng lạnh kín nên cột sống vùng cổ bị nhiễm lạnh, tình trạng này để lâu ngày sẽ gây co thắt động mạch cột sống thân nền, làm rối loạn điều hòa máu lên não, gây ra rối loạn tiền đình.

 

5. Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình

Việc đầu tiên cần làm đó là cho người bệnh nằm nghỉ ngơi chỗ yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Có thể cho người bệnh uống một ly sữa nhỏ ngọt ấm nóng.

Hiện nay điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là điều trị bằng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc) kết hợp với chế độ ăn, uống và tập luyện phù hợp. Điều trị bằng thuốc cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ cho sử dụng một số thuốc sau:

– Thuốc chống chóng mặt: sử dụng tùy kinh nghiệm của các bác sĩ và tình trạng của bệnh nhân.

– Nhóm thuốc tăng tuần hoàn tiền đình, tuần hoàn não: nhóm này thường được sử dụng sau giai đoạn cấp, thường để điều trị duy trì, sử dụng lâu dài.

Nhìn chung khi có triệu chứng chóng mặt trong thời gian kéo dài, chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân cần đến các bệnh viện có cơ sở chuyên khoa để thăm khám, phát hiện các nguyên nhân từ đó có sự tư vấn và phương pháp điều trị hiệu quả. Đặc biệt không nên tự điều trị tại nhà, lạm dụng thuốc để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

6. Phòng bệnh rối loạn tiền đình

– Uống nước đủ mỗi ngày (2 lít nước).

– Thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là tập các động tác vùng cổ vai gáy.

– Tránh ngồi phòng lạnh lâu và hạn chế ngồi trước máy tính nhiều.

– Tạo cho mình tâm lý thoải mái, tránh stress.

– Ngủ đúng giờ, đủ giấc.

– Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top