✴️ Nội soi phế quản: Ý nghĩa lâm sàng giá trị kết quả

Nội soi phế quản: ý nghĩa lâm sàng giá trị kết quả

Nội soi phế quản có thể được thực hiện để chẩn đoán các vấn đề với đường hô hấp, phổi hoặc các vấn đề về hạch bạch huyết trong ngực ngoài ra còn có thể điều trị các vấn đề về dị vật đường hô hấp.

Nhận định chung

Nội soi phế quản là một thủ thuật cho phép bác sĩ quan sát bên trong đường thở thông qua một dụng cụ quan sát nhỏ gọi là ống nội soi phế quản. Khi nội soi phế quản, bác sĩ sẽ kiểm tra các vùng hầu họng, thanh quản, khí quản và một phần đường hô hấp dưới.

Nội soi phế quản có thể được thực hiện để chẩn đoán các vấn đề với đường hô hấp, phổi hoặc các vấn đề về hạch bạch huyết trong ngực ngoài ra còn có thể điều trị các vấn đề về dị vật đường hô hấp.

Có hai loại nội soi phế quản.

Nội soi phế quản ống mềm sử dụng một ống dài, nhỏ, có đèn để nhìn vào bên trong đường thở. Nội soi phế quản ống mềm thường được sử dụng hơn so với nội soi phế quản ống cứng bởi vì nó không cần gây mê toàn thân, thoải mái hơn cho người bệnh và cung cấp một cái nhìn tốt hơn về đường dẫn khí nhỏ. Nó cũng giúp bác sĩ có thể sinh thiết mẫu mô trong quá trình nội soi (sinh thiết).

Nội soi phế quản ống cứng thường được thực hiện với việc phải gây mê toàn thân và sử dụng một ống kim loại thẳng, dạng rỗng. Nó được sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Khi có tình trạng chảy máu trong đường thở- gây hạn chế tầm nhìn của ống mềm.
  • Giúp loại bỏ các mẫu mô kích thước lớn.
  • Để làm sạch đường thở bị bít tắc do dị vật (như một miếng thức ăn)- những thứ không thể loại bỏ bằng ống soi phế quản mềm.
  • Các thủ thuật đặc biệt: chẳng hạn như nong đường thở hoặc liệu pháp quang động lực, thường được thực hiện với ống soi phế quản cứng.

Chỉ định nội soi phế quản

Nội soi phế quản có thể được sử dụng để:

  • Tìm nguyên nhân của các vấn đề về đường thở, chẳng hạn như chảy máu, tình trạng khó thở hoặc ho kéo dài (mãn tính).
  • Sinh thiết các mẫu mô trong đường thở sau khi bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng khác, chẳng hạn như chụp X-quang ngực hoặc CT ngực có nghi ngờ về vấn đề ở phổi hoặc các vấn đề về hạch bạch huyết trong ngực.
  • Chẩn đoán bệnh phổi bằng cách lấy mẫu mô hoặc chất nhầy (đờm) để kiểm tra.
  • Chẩn đoán và đánh giá giai đoạn ung thư phổi.
  • Loại bỏ các dị vật gây bít tắc đường thở.
  • Kiểm tra và điều trị khối tân sinh trong đường thở.
  • Kiểm soát tình trạng chảy máu.
  • Điều trị các vị trí hẹp của đường thở.
  • Điều trị ung thư đường hô hấp bằng vật liệu phóng xạ (brachytherou).

Chuẩn bị nội soi phế quản

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký vào một mẫu đơn đồng thuận sau khi đã hiểu rõ các rủi ro của nội soi và đồng ý thực hiện.

Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ mối quan tâm nào của bạn trước khi đồng ý làm thủ thuật, bao gồm cả những rủi ro của quá trình, các bước thực hiện và ý nghĩa của kết quả.

Trước khi được nội soi phế quản, hãy nói với bác sĩ nếu:

  • Bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc gây mê.
  • Thuốc đang sử dụng.
  • Đang sử dụng thuốc hoặc các chất làm loãng máu hoặc có vấn đề chảy máu.
  • Đang hoặc nghi ngờ có thai.

Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn cần phải ngừng ăn uống bao lâu trước khi thực hiện nội soi sinh thiết. Bạn cần phải thực hiện theo các hướng dẫn một cách nghiêm túc về thời điểm ngừng ăn uống, nếu không thì lịch thực hiện thủ thuật sẽ bị hủy bỏ hoặc dời lại. Nếu bạn được hướng dẫn uống thuốc vào ngày phẫu thuật, vui lòng chỉ uống một ngụm nước.

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác trước khi nội soi phế quản, chẳng hạn như công thức máu, các yếu tố đông cầm máu, khí máu động mạch (ABG) hoặc xét nghiệm chức năng phổi.

Sắp xếp để có người đưa về nhà sau khi làm nội soi.

Thực hiện nội soi phế quản

Bệnh nhân có thể được yêu cầu cởi bỏ tất cả hoặc hầu hết quần áo (có thể được phép giữ đồ lót nếu nó không gây cản trở thủ thuật); tháo bỏ răng giả, kính cận hoặc kính áp tròng, máy trợ thính, tóc giả, trang điểm và đồ trang sức trước khi làm thủ thuật. Để giúp thoải mái, bạn nên đi vệ sinh trước khi vào phòng thực hiện thủ thuật.

Thủ thuật thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa hô hấp và điều dưỡng hỗ trợ. Trong các bệnh viện nhỏ hơn, thủ thuật này có thể được thực hiện bởi một bác sĩ nội khoa. Nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy máu sẽ được kiểm tra trong suốt quá trình.

X-quang ngực có thể được thực hiện trước và sau khi nội soi phế quản.

Nội soi phế quản ống mềm

Trong thủ thuật này, bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên bàn với vai và cổ được hỗ trợ bởi một cái gối, hoặc sẽ ngả trên ghế giống như ghế của nha sĩ. Đôi khi thủ thuật được thực hiện trong khi đang ngồi thẳng.

Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc an thần truyền tĩnh mạch để giúp thư giãn. Tuy có thể vẫn tỉnh táo nhưng sẽ cảm thấy buồn ngủ trong suốt quá trình.

Trước khi làm thủ thuật, bác sĩ thường phun thuốc gây tê cục bộ vào mũi và miệng. Điều này làm tê cổ họng và làm giảm phản xạ hầu họng trong suốt quá trình. Nếu ống nội soi phế quản được đưa vào qua mũi, bác sĩ cũng có thể đặt thuốc mỡ để làm tê bên trong mũi.

Bác sĩ nhẹ nhàng và từ từ đưa ống soi phế quản qua miệng (hoặc mũi) và đưa nó vào dây thanh âm. Sau đó, thuốc tê được phun qua ống soi phế quản để làm tê liệt tạm thời dây thanh âm. Bạn có thể được yêu cầu hít một hơi thật sâu để ống soi có thể vượt qua dây thanh âm. Điều quan trọng là không nên nói chuyện trong khi nội soi phế quản.

Một máy X-quang có thể được đặt phía trên để cung cấp hình ảnh giúp bác sĩ có thể kiểm soát các thiết bị đưa vào bên trong, chẳng hạn như kẹp để lấy mẫu sinh thiết. Sau đó, ống nội soi phế quản được chuyển xuống các nhánh phế quản lớn để kiểm tra đường hô hấp dưới.

Nếu bác sĩ thu thập mẫu đờm hoặc mẫu mô, một thiết bị sinh thiết nhỏ hoặc bàn chải sẽ được sử dụng thông qua ống soi. Nước muối có thể được dùng để rửa đường thở, sau đó các mẫu được thu thập và gửi đến phòng xét nghiệm để nghiên cứu.

Cuối cùng, kẹp sinh thiết nhỏ có thể được sử dụng để lấy 1 mẫu nhu mô phổi.

Nội soi phế quản ống cứng

Thủ thuật này thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên bàn với vai và cổ được hỗ trợ bởi một cái gối.

Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc an thần truyền tĩnh mạch để giúp thư giãn. Khi đã ngủ, đầu sẽ được định vị cẩn thận với cổ mở rộng. Ống nội khí quản sẽ được đặt vào trong khí quản và có máy giúp hỗ trợ thở. Bác sĩ sau đó từ từ và nhẹ nhàng đưa ống soi phế quản qua miệng và vào khí quản.

Nếu bác sĩ thu thập mẫu đờm hoặc mô để sinh thiết, thiết bị sinh thiết nhỏ hoặc bàn chải sẽ được đưa vào. Nước muối có thể được dùng để rửa đường thở, sau đó các mẫu được thu thập và gửi đến phòng xét nghiệm để nghiên cứu.

Nội soi phế quản ống cứng

Phục hồi cơ thể sau khi nội soi phế quản

Nội soi phế quản bằng một trong hai dạng ống như trên thường mất khoảng 30 đến 60 phút. Bệnh nhân sẽ được phục hồi trong 1 đến 3 giờ sau khi làm thủ thuật. Bạn cần phải thực hiện những hướng dẫn dưới dây:

  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong 1 đến 2 giờ, cho đến khi có thể nuốt được mà không bị nghẹn. Sau đó, có thể quay lại chế độ ăn uống bình thường và hãy bắt đầu bằng việc uống những ngụm nước.
  • Nhổ nước bọt cho đến khi có thể nuốt mà không bị nghẹn.
  • Không nên lái xe ít nhất 8 giờ sau khi làm thủ thuật.
  • Không hút thuốc trong ít nhất 24 giờ.

Cảm giác của bạn khi nội soi phế quản

Nếu gây mê toàn thân, bạn sẽ không cảm thấy gì trong suốt quá trình. Oxy thường được cung cấp thông qua một ống nhỏ đặt trong mũi nếu bạn tỉnh táo trong suốt quá trình.

Bệnh nhân có thể cảm thấy áp lực trong đường thở khi ống nội soi phế quản di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bạn có thể có cảm giác khó chịu như bị chẹn vùng cổ hoặc ho trong khi soi phế quản. Thực tế đường thở sẽ không bị chẹn hoàn toàn, tuy nhiên nếu cảm thấy khó chịu hãy cho bác sĩ biết.

Sau thủ thuật, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi trong ngày hoặc lâu hơn và có thể bị đau cơ nói chung. Nếu sử dụng thuốc gây tê cục bộ, bạn sẽ thấy có vị đắng trong miệng. Miệng có thể cảm thấy rất khô trong vài giờ sau khi làm thủ thuật. Bạn cũng có thể bị đau họng và khàn giọng trong vài ngày. Ngậm thuốc trị đau họng hoặc súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp làm dịu cơn đau này.

Gây mê sẽ khiến khó nuốt. Bạn cần tránh ăn hoặc uống trong 1 đến 2 giờ sau khi làm thủ thuật.

Nếu được sinh thiết trong quá trình nội soi phế quản, việc nhổ ra một lượng máu nhỏ sau thủ thuật là không đáng lo ngại.

Rủi ro của nội soi phế quản

Nội soi phế quản nhìn chung là một thủ thuật an toàn. Mặc dù các biến chứng rất hiếm gặp, tuy nhiên bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về các rủi ro có thể gặp phải. Các biến chứng này xảy ra bao gồm:

  • Co thắt các nhánh phế quản, có thể làm suy hô hấp.
  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim).
  • Nhiễm trùng, như viêm phổi. Chúng thường có thể phải điều trị bằng kháng sinh.
  • Khàn giọng kéo dài.

Nếu sinh thiết được thực hiện trong khi soi phế quản, các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Một vết rách trong phổi do kẹp sinh thiết được sử dụng để lấy mẫu mô. Điều này sẽ làm cho không khí len vào khoang màng phổi, gây ra tình trạng xẹp một phần nhu mô phổi (tràn khí màng phổi).
  • Chảy máu gây ra bởi kẹp sinh thiết được sử dụng để thu thập mẫu mô.
  • Nhiễm trùng do thủ thuật sinh thiết.
  • Nguy cơ tử vong là rất thấp.

Sau thủ thuật

Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu có các tình trạng bên dưới:

  • Ho ra nhiều hơn 30 mL máu (khoảng 2 muỗng canh).
  • Khó thở.
  • Bị sốt kéo dài hơn 24 giờ. Sốt nhẹ [thấp hơn 38 độ C] có thể xuất hiện ngay sau khi làm thủ thuật, nhưng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Ý nghĩa lâm sàng và giá trị kết quả

Nội soi phế quản là một thủ thuật cho phép bác sĩ quan sát bên trong đường thở thông qua một dụng cụ quan sát nhỏ gọi là ống nội soi phế quản. Bác sĩ có thể thảo luận về kết quả ngay sau khi hoàn thành thủ thuật. Các kết quả sinh thiết thường sẽ có sau 2-4 ngày.

Nội soi phế quản

Bình thường:

Khí quản và các nhánh phế quản trong phổi có vẻ bình thường. Không có dị vật, dịch tiết đặc, hoặc khối tân sinh lạ.

Khác thường:

Dị vật, dịch tiết đặc hoặc khối tân sinh chèn ép bị hẹp/tắc đường thở.

Mẫu mô cho kết quả nhiễm trùng hoặc bệnh lý về phổi, chẳng hạn như bệnh lao hoặc ung thư phổi.

Yếu tố ảnh hưởng đến nội soi phế quản

Những lý do có thể cản trở quá trình nội soi hoặc những trường hợp cho kết quả không có nhiều ý nghĩa bao gồm:

  • Một tình trạng làm hạn chế khả năng mở rộng cổ.
  • Mẫu sinh thiết quá nhỏ để chẩn đoán.

Điều cần biết thêm

Trước khi chẩn đoán cuối cùng được thực hiện, kết quả nội soi phế quản sẽ được xem xét cùng với bệnh sử, khám thực thể và kết quả của các xét nghiệm khác bao gồm chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Sinh thiết phổi có thể cần thiết khi tất cả các kết quả khác không thể đi đến kết luận.

Sinh thiết kim với CT scan thường được sử dụng vì nó có thể chẩn đoán nhiều vấn đề về phổi. Nội soi phế quản có thể là một lựa chọn tốt hơn khi tổn thương nằm gần với đường dẫn khí. Bác sĩ sẽ xác định phương pháp nào là tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Nội soi phế quản ảo sử dụng CT scan để cung cấp hình ảnh của vùng hầu họng và đường thở. Đây là phương pháp không yêu cầu đặt ống soi phế quản xuống cổ họng.

Phương pháp nội soi phế quản kết hợp với siêu âm và các công nghệ khác có thể giúp chẩn đoán và điều trị nhiều vấn đề hơn so với nội soi phế quản tiêu chuẩn. Tuy nhiên những phương pháp này thường không được trang bị đầy đủ ở các cơ sở y tế vừa và nhỏ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top