Theo Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ và các tổ chức hành động vì trẻ em khác, sâu răng là một căn bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Do vậy, việc hợp tác giữa gia đình và bác sỹ để hình thành một thói quen vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ ngay từ những năm đầu đời là một trách nhiệm vô cùng quan trọng. Nhiều người cho rằng chăm sóc răng miệng là trách nhiệm thuộc về các nha sĩ, song chính các bậc phụ huynh mới là những người có vai trò quan trọng hơn và tiếp cận sớm hơn trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ.
Theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ mắc sâu răng ở trẻ em cao gấp 5 lần so với hen phế quản và thậm chí gấp 7 lần so với sốt. Hơn 40% trẻ bị sâu răng khi bắt đầu đi mẫu giáo. Ngoài ra trẻ đã bị sâu răng sữa sẽ có nguy cơ cao tái phát căn bệnh này khi hình thành răng vĩnh viễn.
Các chuyên gia y tế cho rằng sâu răng là căn bệnh có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, các bước phòng bệnh lý tưởng nhất là nên bắt đầu khi người mẹ còn đang mang thai và sẽ tiếp tục thực hiện khi đứa trẻ ra đời. Các bác sỹ thấy rằng nỗ lực ban đầu của họ trong việc cung cấp các chương trình giáo dục và theo dõi sức khỏe răng miệng có thể giúp phòng tránh hiệu quả các bệnh răng miệng ở trẻ sơ sinh.
Do vậy các bậc phụ huynh những người muốn chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng cho con cái họ hãy làm theo những hướng dẫn sau đây của các chuyên gia:
Fluoride: Fluoride là một loại chất khoáng tự nhiên có mặt trong nhiều loại thực phẩm, nó cũng được bổ sung thêm vào nước uống ở một số thành phố và nông thôn. Fluoride có tác dụng tăng cường độ cứng của men răng, bảo vệ răng chống lại sự tấn công của acid gây sâu răng. Nó cũng làm giảm đáng kể các vi khuẩn gây mảng bám có thể sản xuất ra acid. Hãy tìm hiểu xem nước sinh hoạt ở khu vực bạn sinh sống có được bổ sung thêm fluoride hay không. Nếu không, hãy đề nghị nha sĩ kê thêm fluoride dưới dạng thuốc giọt hay viên nhai cho trẻ.
Kiểm tra và làm sạch răng cho trẻ: Những chiếc răng khỏe đẹp phải có màu sắc trắng đồng đều. Nếu bạn quan sát thấy răng trẻ có nhiều vết ố vàng, hãy đưa trẻ tới nha sĩ. Khi trẻ xuất hiện những chiếc răng đầu tiên, hãy cho trẻ sử dụng lượng kem đánh răng có kích thước bằng một hạt gạo và chải răng cho trẻ ít nhất 2 lần/ngày. Tốt nhất là nên đánh răng ngay sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ. Khi con bạn được 3 tuổi, bạn có thể tăng lượng kem đánh răng lên với kích thước bằng một hạt đậu. Tốt nhất bạn nên lấy hộ trẻ kem đánh răng để đảm bảo trẻ luôn sử dụng đúng lượng phù hợp cho đến khi trẻ được 6 tuổi. Cho đến khi trẻ được 7, 8 tuổi bạn vẫn nên hướng dẫn trẻ cách chải răng đúng kỹ thuật. Bạn nên chải mẫu răng cho trẻ trước và để trẻ tự mình hoàn thành.
Cho trẻ ăn những thực phẩm lành mạnh: Hãy lựa chọn cho trẻ những loại đồ ăn và thức uống không chứa quá nhiều đường. Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay vì kẹo và bánh. Hãy cẩn thận với các loại quả sấy khô như nho khô do chúng rất dễ bám vào các hốc răng và gây sâu răng nếu không được loại bỏ hoàn toàn.
Phòng chống sâu răng: Không nên cho trẻ uống các loại nước có chứa đường vào ban đêm hay trước khi ngủ trưa. (Nên thay các loại nước ngọt bằng nước uống thông thường). Sữa tươi, sữa bột, nước quả và các đồ uống ngọt khác như soda đều có chứa đường và có thể gây sâu răng. Nếu trẻ sử dụng bình có núm vú, không nên ngâm nó quá lâu trong những chất ngọt như đường hay mật ong. Mỗi khi trẻ bước sang một tuổi mới. Bạn cũng nên tập dần cho trẻ cách uống nước bằng cốc thay vì sử bình có núm vú.
Trao đổi với bác sĩ về việc thiết lập kế hoạch chăm sóc răng miệng tại nhà: Các bác sỹ là những người theo sát trẻ từ những ngày đầu tiên của cuộc đời, do vậy hãy thảo luận với họ về việc phát triển một kế hoạch chăm sóc răng miệng tại nhà cho trẻ. Thường thì trẻ sẽ được khuyến cáo nên đi khám nha sĩ khi được 1 tuổi hoặc trong vòng 6 tháng kể từ khi bị các chấn thương về răng nào. Tại lần khám đầu tiên này, nha sĩ sẽ kiểm tra tình trạng răng miệng của trẻ và quyết định tần suất trẻ nên tới nha sỹ là bao nhiêu lâu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh