✴️ Xử trí chảy máu sau nhổ răng

Nội dung

Chảy máu sau nhổ răng (CMSNR) là một tai biến khá thường gặp sau nhổ răng, CMSNR là tình trạng máu vẫn tiếp tục chảy ra từ ổ răng đã nhổ sau khi đã hoàn tất các động tác cần thiết để cầm máu. Có thể chia tình trạng chảy máu sau nhổ răng ra làm hai loại:

• Chảy máu ngay sau khi nhổ răng.

• Chảy máu vài giờ hay vài ngày sau khi nhổ răng.

I . CHẨN ĐOÁN

1. Hỏi bệnh (toàn thân)

• Bệnh nhân có điều trị với thuốc chống đông máu như Heparin, hoặc đang sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến quá trình đông máu như Aspirin, v.v?

• Bệnh nhân có mắc bệnh cao huyết áp?

• Bệnh nhân có mắc bệnh về máu như: Hemophilie, xuất huyết giảm tiểu cầu, liệt tiểu cầu?

• Bệnh nhân có nhiễm một loại siêu vi nào đó có khả năng gây nên tình trạng xuất huyết cho cơ thể. VD: bệnh Sốt xuất huyết Dengue?

2. Khám lâm sàng (chẩn đoán)

• Xác định đã có nhổ răng trong vòng vài giờ hay vài ngày trước đó.

• Khám thấy có máu chảy ra từ nơi ổ răng đã nhổ: máu chảy rỉ rả hoặc phun thành tia nhỏ.

• X-quang răng đôi khi thấy có hình ảnh chân răng còn sót, hoặc mảnh xương ổ răng gãy, hoặc một dị vật nào đó nằm trong ổ răng.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chảy máu không do răng: không tìm được nguyên nhân chảy máu có liên quan đến việc nhổ răng trước đó.

 

II . ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

Dù cho bệnh nhân đang bị chảy máu vì những xáo trộn tại chỗ hay do bệnh toàn thân thì việc cầm máu tại chỗ vẫn là cách giải quyết đầu tiên, cần thiết và hiệu quả nhất.

2. Xử trí ban đầu

• Nếu máu đang chảy, cho bệnh nhân cắn gạc ngay để tạm thời cầm máu.

• Kiểm tra lại ổ răng qua các bước như sau:

- Gây tê ổ răng.

- Lấy bỏ cục máu đông cũ.

- Nạo thật sạch ổ răng để loại bỏ chân răng gãy còn sót, mảnh xương ổ, mảnh răng vỡ, các dị vật, hoặc tổ chức mô hạt viêm.

- Bơm rửa ổ răng bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già. Thấm khô ổ răng.

• Đặt Gelatin xốp (Spongel) vào ổ răng và bóp cho hai mép ổ răng sát lại nhau.

• Đặt trên ổ răng một cuộn gạc, bảo bệnh nhân cắn chặt lại.

• Sau khi can thiệp, tiếp tục theo dõi bệnh nhân trong 1 giờ.

• Kiểm tra lại, nếu máu không còn chảy nữa có thể cho bệnh nhân về.

3. Xử trí tiếp theo

• Nếu điều trị như trên không có kết quả, máu vẫn tiếp tục chảy sau thời gian theo dõi, ta xử trí tiếp như sau:

- Nạo sạch lại ổ răng một lần nữa để loại bỏ máu đông và Gelatin cũ.

- Đặt Gelatin xốp hoặc Surgicel vào ổ răng. Bóp chặt mép ổ răng.

- May kín ổ răng bằng các mũi chữ X, nên dùng chỉ silk 4.0

- Cho cắn gạc trực tiếp lên trên ổ răng.

• Có thể điều trị hỗ trợ thêm với một trong các thuốc cầm máu sau:

- Dicynone 0,250 g: 2-3 viên/ngày hoặc

- Vitamin K1 0,010 g: 2-3 viên/ngày hoặc

- Transamin 0,250 g: 2-3 viên/ngày.

• Thông thường máu sẽ được cầm ở giai đoạn này. Nhưng nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục bị chảy máu hoặc chỉ cầm tạm thời rồi sau đó lại chảy tái phát, thì nguyên nhân có thể là do rối loạn yếu tố đông máu nào đó trong cơ thể. Trong trường hợp này, cần có sự phối hợp với bác sĩ nội khoa hoặc chuyên viên huyết học để điều trị.

4. Theo dõi và tái khám

• Dặn bệnh nhân nếu còn chảy máu thì quay trở lại bệnh viện ngay.

• Hẹn tái khám định kỳ trong những trường hợp chảy máu trầm trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top