Những vấn đề thường gặp phải ở đầu gối

Đau đầu gối là một tình trạng rất phổ biến ở người lớn, và thường liên quan đến sự hao mòn nói chung từ các hoạt động hàng ngày như đi bộ, cúi người, đứng hay nâng các vật dụng. Các vận động viên chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao liên quan đến chạy nhảy, xoay người nhanh cũng có nhiều khả năng bị đau đầu gối hay gặp phải các vấn đề về đầu gối. Nhưng cho dù nguyên nhân gì, tình trạng này cũng gây ra nhiều phiền toái và thậm chí là suy nhược – giảm vận động trong một số trường hợp đặc biệt.

Nhiều vấn đề gặp phải của đầu gối có thể do quá trình lão hóa và sự hao mòn vận động liên tục, cũng như trạng thái căng thẳng kéo dài trên khớp gối (chẳng hạn như tình trạng viêm khớp). Các vấn đề khác thường gặp của đầu gối thường là do chấn thương trong quá trình vận động, hoặc chuyển động thay đổi đột ngột làm căng cơ vùng đầu gối. Các vấn đề thường gặp bao gồm:

  • Bong gân hoặc căng dây chằng - cơ đầu gối. Dây chằng hoặc cơ đầu gối bị bong gân hay căng thường là do va chạm mạnh vào đầu gối hoặc do xoắn vặn đầu gối một cách đột ngột. Các triệu chứng thường bao gồm đau, sưng và đi lại khó khăn.

  • Rách sụn. Chấn thương đầu gối có thể làm rách sụn chêm (miếng đệm của mô liên kết hoạt động như bộ giảm xóc và tăng cường sự ổn định hoạt động đầu gối). Rách sụn chêm thường có thể xảy ra kết hợp với bong gân. Điều trị có thể bằng cách đeo nẹp trong hoạt động để bảo vệ đầu gối khỏi bị thương thêm hoặc cần phẫu thuật để sửa vết rách.

  • Viêm gân. Viêm gân có thể do tình trạng quá tải vận động gân ở một số hoạt động nhất định như chạy, nhảy hoặc đi xe đạp. Ở các vận động viên bật nhảy, điều này thường xảy ra khi lực đập xuống đất sau khi nhảy mạnh làm căng gân.

  • Viêm khớp. Viêm xương khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất ảnh hưởng đến đầu gối. Thoái hóa khớp là một quá trình thoái hóa trong đó sụn khớp dần dần bị mài mòn. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến lứa tuổi trung niên trở lên. Thoái hóa khớp có thể do căng thẳng quá mức lên khớp như chấn thương lặp đi lặp lại hoặc tình trạng thừa cân. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến đầu gối theo cách làm cho khớp bị viêm và phá hủy sụn đầu gối.

Chẩn đoán

Bên cạnh các chẩn đoán về lâm sàng bao gồm khám, điều tra tiền sử bệnh…, các xét nghiệm có thể sừ dụng để chẩn đoán các vấn đề liên quan đến khớp gối bao gồm:

  • Chụp X-quang. Sử dụng chùm tia để tạo dựng hình ảnh của các mô bên trong, xương và các cơ quan trên phim chụp.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Sử dụng nam châm lớn, với tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể; thường có thể xác định tổn thương hoặc bệnh ở dây chằng hoặc cơ xung quanh.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Sử dụng tia X và máy tính để tạo hình ảnh ngang hoặc dọc trục (thường được gọi là các lát cắt) của cơ thể. Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, bao gồm xương, cơ, mỡ và các cơ quan. Chụp CT chi tiết hơn chụp X-quang tổng quát.

  • Nội soi khớp. Một quy trình chẩn đoán và điều trị xâm lấn tối thiểu được sử dụng cho các tình trạng bệnh lý khớp. Thủ thuật này sử dụng một ống soi nhỏ, có ánh sáng (ống soi khớp), đưa vào khớp thông qua một vết rạch nhỏ. Hình ảnh bên trong khớp được chiếu lên màn hình; giúp đánh giá bất kỳ thay đổi thoái hóa nào trong khớp; phát hiện các bệnh xương và khối u; xác định nguyên nhân gây đau và viêm xương.

  • Xạ hình xương bằng hạt nhân phóng xạ. Kỹ thuật hình ảnh sử dụng một lượng rất nhỏ chất phóng xạ tiêm vào mạch máu của bệnh nhân để được phát hiện bằng máy quét. Xét nghiệm này cho thấy lưu lượng máu đến xương và hoạt động của tế bào trong xương.

 

Các phương pháp giảm đau

Giảm đau trong đau đầu gối là một vấn đề quan trọng, khi mà tình trạng này rất phổ biến đặc biệt ở các vận động viên. Các vấn đề gặp phải của đầu gối chiếm tới 55% các chấn thương thường gặp ở vận động viên, điển hình là các vận động viên tennis khi vùng cơ tứ đầu – đùi được coi là cực kỳ quan trọng và các chuyển động mạnh mẽ gây sự mất cân bằng cho gân khoeo trong quá trình hoạt động.

Các phương pháp giảm đau đầu gối có thể tiếp cận theo cách truyền thống giúp giảm đau, hoặc có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác. Một số cách tiếp cận phổ biến hơn bao gồm sử dụng thuốc chống viêm, nghỉ ngơi, chườm, châm cứu hay các biện pháp kích thích cơ, các bài tập kéo căng và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Trong trường hợp các phương pháp trị liệu không thành công, phẫu thuật là cách duy nhất. Hầu hết các kỹ thuật truyền thông thường đòi hỏi một thời gian dài trước khi mang lại hiệu quả ở mức đáng kể, và trong nhiều trường hợp chỉ giúp làm giảm các triệu chứng một cách tạm thời thay vì khắc phục nguyên nhân cơ bản của vấn đề.

Lý do chính mà các phương pháp trị liệu thường không hiệu quả là chúng không giải quyết được các mô sẹo cơ bản phát triển trong cơ và các mô mềm xung quanh sau chấn thương. Những chất kết dính này liên kết các mô lại với nhau, hạn chế các chuyển động bình thường và cản trở sự linh hoạt của các cơ trong và xung quanh đầu gối. Các phương pháp tiếp cận tích cực hơn như kéo giãn và các bài tập thường cần thiết để phục hồi hoàn toàn tình trạng và khôi phục toàn bộ sức mạnh và chức năng, tuy nhiên, bản thân chúng không điều trị được nguyên nhân gốc rễlà sự kết dính của mô sẹo. Do vậy, các động tác kéo giãn và tập luyện thường kém hiệu quả hơn và việc giảm đau đầu gối hoặc kéo thời gian phục hồi chậm hơn.

Nhìn chung, việc điều trị giảm đau do các chấn thương vùng đầu gối cần được sự tư vấn và hỗ trợ chi tiết của các chuyên gia y tế. Quá trình đánh giá mức độ tổn thương sẽ đưa ra các phương pháp hỗ trợ cần thiết, tùy thuộc vào nguyên nhân và đặc điểm tổn thương. Giảm đau là cần thiết, và các phương pháp trị liệu có thể hỗ trợ rất tốt. Song trong các trường hợp cụ thể, xác định rõ nguyên nhân và giải quyết nguyên nhân là điều bắt buộc để tránh các vấn đề phát sinh lâu dài.

 

Tổng kết

Đau đầu gối có nhiều nguyên nhân khác nhau, thường do chấn thương, các căng thẳng thần kinh hoặc các thao tác đột ngột làm căng thẳng các vùng cơ và gân vùng đầu gối. Nếu tổn thương ở mức nhẹ, điều trị giảm đau bằng các phương pháp hỗ trợ sẽ mang tới hiệu quả tích cực. Trong trường hợp chấn thương rách hay tổn thương nghiêm trọng hơn, phẫu thuật và phục hồi sau phẫu thuật bằng các bài tập chuyên nghiệp là phương pháp tối ưu và duy nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top