✴️ Có các loại xét nghiệm miễn dịch nào phổ biến hiện nay

1. Xét nghiệm miễn dịch là gì?

Hiện nay xét nghiệm miễn dịch đã khá phổ biến, được thực hiện thường quy tại các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm. Đây là tên gọi chung của nhiều loại xét nghiệm giúp chẩn đoán, đánh giá sức khỏe như tình trạng dị ứng, tầm soát ung thư,... 

Cơ chế của xét nghiệm miễn dịch dựa trên hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể, cụ thể như sau:

  • Khi kháng nguyên, hay tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ nhận dạng và tổng hợp kháng thể là protein đặc hiệu. Kháng thể này có thể kết hợp với kháng nguyên đặc biệt như dạng chìa khóa - ổ khóa. 
  • Kháng thể sẽ vô hiệu hóa hoạt động của kháng nguyên và tiêu diệt chúng. Đây là cơ chế bảo vệ cơ thể tuyệt vời của hệ miễn dịch, giúp sức khỏe con người được duy trì tốt. 

Như vậy, xét nghiệm miễn dịch là xét nghiệm tìm kiếm phản ứng xảy ra giữa kháng thể và kháng nguyên gây bệnh trong máu, nước tiểu, phân hoặc các mẫu phẩm của cơ thể khác. Có nhiều loại xét nghiệm miễn dịch khác nhau phù hợp với mục đích tìm kiếm kháng nguyên khác nhau gây ra nhiều vấn đề sức khỏe của con người.

2. Những xét nghiệm miễn dịch phổ biến

Xét nghiệm miễn dịch đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, cho phép phát hiện, sàng lọc và chẩn đoán nhiều bệnh lý ở con người như:

2.1. Xét nghiệm dị ứng

Dị ứng thực tế là tình trạng cơ thể phản ứng “thái quá” trước tác nhân gây bệnh, gây ra triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như: nổi mẩn, ngứa, chảy nước mũi, nước mắt, hắt hơi,… Xét nghiệm dị ứng khá đa dạng bởi còn tùy theo tác nhân và con đường gây dị ứng.

Ví dụ như dị ứng qua đường hô hấp, tác nhân gây dị ứng có thể là khói bụi, phấn hoa, lông động vật,… thì xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu sẽ thường được thực hiện. Nếu dị ứng qua đường tiêu hóa, nghĩa là dị ứng với 1 thành phần trong thực phẩm như hải sản, đậu nành,… thì cần xét nghiệm qua thức ăn.

2.2. Sàng lọc ung thư tiêu hóa

Ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng đang ngày một phổ biến, diễn tiến bệnh nguy hiểm và phức tạp. Tầm soát ung thư là điều mà y học muốn phát triển để phát hiện sớm bệnh, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh và kéo dài sự sống.

Xét nghiệm cũng có vai trò quan trọng trong sàng lọc ung thư đường tiêu hóa. Dấu hiệu tìm kiếm là sắc tố hemoglobin đặc trưng của máu xuất hiện trong phân. Nguyên nhân gây bất thường này có thể do polyp, bệnh trĩ hoặc ung thư dạ dày, ung thư tá tràng,… 

Xét nghiệm miễn dịch sàng lọc ung thư tiêu hóa được khuyến cáo thực hiện với các đối tượng nguy cơ cao như: 

  • Người bị viêm loét dạ dày, đại tràng kéo dài, nhiễm khuẩn HP, người có polyp.
  • Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư thực quản,…
  • Những thói không lành mạnh gây hại cho hệ tiêu hóa như: hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn uống không lành mạnh,…

Những xét nghiệm miễn dịch phổ biến​​​​​​​

2.3. Thử thai

Khá nhiều người không biết rằng thử thai cũng là một trong những xét nghiệm miễn dịch, cho biết chính xác bạn có đang mang thai hay không. Cụ thể, xét nghiệm này dựa trên phát hiện sự có mặt của hormone thai kỳ HCG trong nước tiểu.

Kháng thể đặc biệt gắn ở que thử thai sẽ gắn kết với beta-HCG, đổi màu vạch thử thai nếu có HCG trong nước tiểu. Que thử thai sẽ hiện hai vạch nếu có hormone này, nghĩa là bạn đang mang thai. Ngược lại nếu que chỉ 1 vạch, hormone thai kỳ không tồn tại và bạn chưa mang thai. Xét nghiệm này tương đối đơn giản nhưng cho kết quả chính xác và dễ dàng thực hiện tại nhà.

2.4. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu tìm kiếm những yếu tố như: máu, đường, protein hoặc tế bào viêm có trong nước tiểu. Nếu dương tính, có thể bệnh nhân đã mắc các bệnh như: nhiễm trùng đường tiểu, suy thận, đái tháo đường,…

2.5. Xét nghiệm nhận diện tác nhân nhiễm khuẩn

Trong nhận diện, phát hiện tác nhân virus gây bệnh như HPV, HIV, viêm gan C, viêm Amidan,… xét nghiệm miễn dịch được thực hiện. Dựa trên phát hiện kháng thể đặc trưng, kết quả xét nghiệm cho biết chính xác loại vi trùng gây bệnh và từ đó lựa chọn phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao.

Phụ nữ mang thai cũng có thể thực hiện xét nghiệm này nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe, bản thân có đang nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng gây bệnh hay không.

2.6. Xét nghiệm kiểm tra chất kích thích

Việc sử dụng các chất kích thích như cần sa, doping, thuốc lắc, cocain, morphin, ma túy tổng hợp,… sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh trung ương. Xét nghiệm miễn dịch sẽ đánh giá hệ thần kinh này có đang chịu ảnh hưởng bởi tác nhân kích thích hay không.

Ngoài ra, xét nghiệm này cũng giúp phát hiện các tác nhân gây bệnh khác như: chất độc, hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm,…

2.7. Xét nghiệm nhồi máu cơ tim

Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đôi khi cơn bệnh nhẹ không gây ra triệu chứng rõ ràng nên khó để nhận biết. Xét nghiệm dựa trên phát hiện những protein đặc hiệu tăng cao trong nhồi máu cơ tim, từ đó giúp chẩn đoán bệnh và điều trị sớm.

3. Lưu ý khi làm xét nghiệm miễn dịch

Tính chính xác và tin cậy của xét nghiệm miễn dịch vô cùng quan trọng vì nó có vai trò định hướng chẩn đoán và điều trị bệnh. Vì thế hãy tuân thủ hướng dẫn kiêng khem hoặc khi thực hiện xét nghiệm lấy máu, nước tiểu hay mẫu mô khác của cơ thể.

Hãy thông báo cho bác sĩ về các loại vitamin, thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng. Nếu chúng gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, có thể cần kiêng 1 thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi làm xét nghiệm, phổ biến là thuốc điều trị động kinh, thuốc chống đông máu,…

Quan hệ tình dục quá mức, tập thể dục, uống ít nước, ăn quá no,… cũng có thể khiến kết quả xét nghiệm sai lệch. Vì thế, hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn chuẩn bị và thực hiện xét nghiệm tốt nhất, kết quả chính xác nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top