Công tác Quản lý tài chính Bệnh viện

Nội dung

Quản lý tài chính Bệnh viện theo nghĩa rộng là sự tác động liên tục có định hướng, có tổ chức của các nhà quản lý Bệnh viện lên đối tượng và quá trình hoạt động tài chính của Bệnh viện nhằm xác định nguồn thu và các khoản chi, tiến hành thu chi theo đúng pháp luật, đúng các nguyên tắc của Nhà nước về tài chính, đảm bảo kinh phí cho mọi hoạt động của Bệnh viện.

Quản lý tài chính trong Bệnh viện gồm: 1) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của Bệnh viện. 2) Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí; 3) Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài, và các tổ chức kinh tế; 4) Thực hiện chính sách ưu đãi và đảm bảo công bằng về khám, chữa bệnh cho các đối tượng ưu đãi xã hội và người nghèo.

Mục tiêu của quản lý tài chính Bệnh viện: (i) Duy trì cán cân thu chi, đây là điều kiện tiên quyết và bắt buộc của quản lý tài chính Bệnh viện và cũng là tiêu chuẩn cho sự thành công trong cơ chế quản lý mới – tiến tới hạch toán chi phí; (ii) phải cải thiện chất lượng khám chữa bệnh thông qua một số chỉ tiêu chuyên môn; (iii) cải thiện mức thu nhập cán bộ công nhân viên để thu hút nhân tài; (iv) phát triển cơ sở vật chất, phát triển các chuyên khoa; (v) đảm bảo tuân thủ các quy định tài chính.

Như vậy việc quản lý tài chính Bệnh viện vừa phải đảm bảo các mục tiêu về tài chính, nhưng cũng phải đảm bảo tính hiệu quả, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ. Chính vì vậy, quản lý tài chính Bệnh viện trở thành chìa khoá quyết định sự thành công hay thất bại trong việc quản lý Bệnh viện; quyết định sự tụt hậu cũng như phát triển của một Bệnh viện.

Việc giao quyền, tăng tính chủ động, tăng trách nhiệm cho các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần tăng thêm nguồn lực cho hoạt động và phát triển các Bệnh viện. Việc chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ”, là điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các cơ sở cung ứng dịch vụ, tăng sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đặc biệt là tính lương vào giá dịch vụ y tế đã thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện rõ rệt thái độ phục vụ, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Thực hiện quyền tự chủ giúp cho nhiều đơn vị chủ động triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là những dịch vụ kỹ thuật cao đòi hỏi máy móc hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước sánh ngang với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới về chất lượng dịch vụ y tế và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, đem lại cơ hội cho người dân trong nước được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới với giá thành hợp lý hơn.

return to top