✴️ Bệnh ung thư khoang miệng

1. Các loại ung thư khoang miệng

Toàn bộ khoang miệng gồm có sàn miệng, môi trên, môi dưới, 2/3 lưỡi trước, lợi 2 hàm, niêm mạc má và vòm khẩu cái. Ung thư khoang miệng có thể xảy ra với bất kỳ bộ phận nào trong số các bộ phận này nhưng phổ biến nhất là ung thư lưỡi. 

ung thư khoang miệng

Ung thư lưỡi có triệu chứng lở loét tương tự bệnh nhiệt miệng nên nhiều người nhầm lẫn

Các loại ung thư khoang miệng gồm có: 

- Ung thư niêm mạc miệng.

- Ung thư vòm miệng.

- Ung thư môi.

- Ung thư lợi.

- ung thư lưỡi.

- Ung thư tuyến nước bọt.

Mặc dù các triệu chứng của bệnh rất dễ quan sát nhưng do nhầm lẫn với tình trạng viêm nhiễm ở miệng nên hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khối u phá hủy nhiều cấu trúc lân cận nên tiên lượng sống giảm đi rất nhiều.

2. Nguyên nhân và triệu chứng của ung thư khoang miệng

2.1. Nguyên nhân

Thực ra đến nay nguyên nhân chính xác gây nên là gì vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, những yếu tố sau được xem là yếu tố thuận lợi cho bệnh lý này:

- Thuốc lá

Hầu hết các trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan mật thiết đến thuốc lá. Hút thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào đều làm tăng nguy cơ bị bệnh, nhất là những người hút tẩu hoặc xì gà.

- Rượu

Rượu và thuốc lá có mối liên hệ mật thiết với nhau trong việc gây nên ung thư khoang miệng. Sự kết hợp giữa chúng khiến nguy cơ mắc bệnh tăng lên gấp 15 lần.

- Dinh dưỡng

Bị thiếu ß-caroten hoặc vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư biểu mô trong khoang miệng.

- Nhai trầu

So với người không có thói quen này thì những người thường xuyên nhai trầu có nguy cơ bị ung thư khoang miệng cao gấp 4 - 35 lần. Điều này được giải thích do việc nhai trầu có liên quan đến một tổn thương tiền ung thư là bạch sản.

Các thành phần của trầu như rễ cây, vôi, vỏ cau, lá trầu, thuốc lào... khi nhai sẽ tạo nên một dung dịch màu đỏ rất dễ đọng lại ở lợi hàm dưới. Thêm vào đó, quá trình nhai khiến cho trầu dễ dàng cọ xát với niêm mạc má, môi,... khiến cho niêm mạc miệng thường xuyên phải chịu các tác động hóa học và cơ học nên dễ bị bệnh ung thư khoang miệng.

Thói quen nhai trầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng

Thói quen nhai trầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng

- Virus HPV

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa virus HPV với ung thư khoang miệng.

- Tổn thương tiền ung thư

Xơ hóa lớp dưới niêm mạc, hồng sản, bạch sản là những tổn thương tiền ung thư phổ biến trong bệnh ung thư khoang miệng. Tuy nó chưa phải là ung thư nhưng dạng thức tổn thương của nó khi có các tác nhân sinh ung thư tác động vào lại có nguy cơ chuyển thành ung thư rất cao. Trong đó:

+ Xơ hóa lớp dưới niêm mạc: là dạng tổn thương mạn tính; biểu hiện dưới dạng sợi xơ dưới niêm mạc khiến cho các cử động của miệng và lưỡi bị hạn chế; để lại sẹo xơ trong khoang miệng.

+ Hồng sản: tổn thương có màu đỏ, bề mặt mịn như nhung và hơi nhô cao.

+ Bạch sản: là dạng tổn thương màu trắng, gạt đi không bị mất. Nó tồn tại dưới dạng chồi, loét, mụn cơm hoặc phẳng.

- Hội chứng Plummer-Vinson

Đây là một loại hội chứng có liên quan mật thiết với ung thư khoang miệng. Nó thường gặp ở phụ nữ trung niên với các biểu hiện như: thiếu máu do thiếu sắt, tổn thương dạng nứt kẽ ở: môi, mép, lưỡi: đau, đỏ, thoái hóa teo hoặc nhú niêm mạc, nuốt khó,...

2.2. Triệu chứng

- Đau đớn trong miệng

Thường thì giai đoạn đầu của ung thư khoang miệng người bệnh không cảm thấy đau đớn hoặc chỉ đau ở một vị trí nào đó trong miệng khi chạm vào. Trường hợp có vết loét da miệng gây đau, khối u có thể xâm lấn đến các dây thần kinh xung quanh gây nên cảm giác đau ở khoang mũi họng và đau trong tai.

- Màu sắc niêm mạc thay đổi

Khi niêm mạc khoang miệng có sự thay đổi về màu sắc theo hướng nhợt màu hoặc đen lại tức là đang có sự thay đổi tế bào biểu mô niêm mạc miệng. Thậm chí có trường hợp niêm mạc miệng trở nên xơ cứng, dày và thô hơn, có ban đỏ hoặc trắng bợt thì đó là sự cảnh báo ung thư đã biến chứng.

- Vết loét kéo dài không khỏi

Miệng xuất hiện vết loét kéo dài hơn 2 tuần mà không có dấu hiệu khỏi, kèm theo đó là cảm giác đau đớn, nóng rát.

Sự tồn tại của vết loét lâu ngày trong khoang miệng mà không có dấu hiệu khỏi là tín hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng

Sự tồn tại của vết loét lâu ngày trong khoang miệng mà không có dấu hiệu khỏi là tín hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng

- Sưng hạch

Người bị ung thư hạch thường bị sưng to hạch vùng cổ một cách đột ngột. Bệnh ung thư khoang miệng thường di căn hạch đến vùng cổ. Cũng có không ít trường hợp ổ bệnh nguyên phát rất nhỏ hoặc không có triệu chứng rõ ràng nhưng hạch cổ đã di căn. 

- Chảy máu trong khoang miệng

Đây là một triệu chứng nguy hiểm của ung thư khoang miệng. Lúc này khối u đã phát triển nên dù chỉ là tiếp xúc nhẹ cũng vẫn bị chảy máu.

- Bất thường ở răng và xương hàm

Mặt người bệnh dễ bị lệch đi vì xương hàm bị sưng to; răng đột nhiên lung lay và rụng gây nên tình trạng khó nhai, khoang mũi họng đau, tê,... cũng được xem là những dấu hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng.

- Vận động miệng khó khăn

Do khối u xâm lấn xương hàm và cơ đóng mở miệng nên khả năng vận động đóng mở cơ miệng gặp nhiều khó khăn.

- Vận động tri giác và lưỡi kém

Người bị bệnh ung thư khoang miệng cũng bị giảm tính linh hoạt của lưỡi nên khó khăn trong các hoạt động nói, nuốt, nhai. Cũng có trường hợp lưỡi bị tê và mất cảm giác. Ngoài ra, người bệnh còn có những bất thường khác như: chảy máu mũi không xác định được nguyên nhân, dây thần kinh mặt bị tê,...

3. Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán ung thư khoang miệng, các bác sĩ thường sử dụng những phương pháp sau:

- Khám tai mũi họng: nhằm xác định tổn thương kết hợp.

- Sờ nắn hạch: ở cổ, dưới hàm, dưới cằm hoặc cả hai bên hạch cổ.

- Khám toàn thân: nhằm phát hiện ung thư kết hợp với các bệnh lý khác, phát hiện di căn hoặc đánh giá khả năng điều trị.

- Sinh thiết tại vị trí tổn thương gây ra nghi ngờ: gây tê hoặc gây mê để sinh thiết lấy bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Chụp X-quang: xác định tổn thương xâm lấn sâu hoặc xâm lấn xương.

- Chụp CT hoặc MRI: xác định mức độ xâm lấn của khối u.

Ung thư khoang miệng ở giai đoạn đầu nếu được điều trị tích cực có thể bảo đảm tính thẩm mỹ và bảo tồn được chức năng của khoang miệng nhưng đến giai đoạn cuối thì điều này khó đạt được, thậm chí tính mạng người bệnh cũng khó giữ. Vì thế, khám sức khỏe răng miệng định kỳ mỗi năm 1 lần hoặc khi có những triệu chứng nghi ngờ trên đây được xem là việc làm cần thiết để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý này.

Xem thêm: Ung thư vòm họng - Tổng quan về điều trị

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top