Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh quản bị viêm hoặc sưng lên. Nguyên nhân thường do nhiễm virus, các yếu tố môi trường hoặc vi khuẩn. Viêm thanh quản cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm cấp niêm mạc thanh quản do nhiễm virus, bệnh có thể chữa khỏi. Trong khi đó, viêm thanh quản mạn tính xảy ra nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc lâu dài với các yếu tố nguy cơ chẳng hạn như môi trường ô nhiễm, sử dụng giọng nói quá mức. Trường hợp này có nguy cơ kéo dài và trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính là do viêm thanh quản cấp tính không được điều trị kịp thời và triệt để, do tiếp xúc với hóa chất độc hại, trào ngược dạ dày – thực quản, do hút thuốc hoặc thường xuyên hút phải khói thuốc, lạm dụng giọng nói, nhiễm trùng nấm men cấp thấp…
Các triệu chứng phổ biến của viêm thanh quản bao gồm: Giọng nói suy yếu, mất giọng, khản tiếng, khô họng, ho khan… khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu.
Trong quá trình điều trị viêm thanh quản, bên cạnh các phương pháp như: chườm nóng vùng cổ, dùng thuốc…, để đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần lưu ý:
– Hạn chế nói to, nói nhiều: Nếu như người bệnh bắt buộc phải nói thì nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ chẳng hạn như: micro, loa,… và phân bố thời gian nói hợp lý, uống nước ấm nhấp giọng. Nếu nói nhiều bị mệt thì cần nghỉ ngơi.
– Loại bỏ các yếu tố gây hại, chẳng hạn như: rượu, bia, thuốc lá, nhiễm khuẩn, điều trị bệnh viêm mũi – xoang, trào ngược dạ dày – thực quản (nếu có) càng sớm càng tốt.
– Giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ vùng họng. Nếu lao động trong môi trường ô nhiễm thì cần có chế độ bảo hộ lao động tốt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh