Bị bạo hành hay chứng kiến bạo hành không phải lúc nào cũng dẫn tới vết bầm dập trên thân thể, nhưng có thể để lại những vết thương vô hình, ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm và tâm lý của trẻ.
Bố mẹ bé Lan thường xuyên đánh nhau. Cáu lên, bố mẹ ném bát đĩa, đồ đạc vào nhau. Nhiều lần bố đánh mẹ đến chảy máu đầu. Mẹ Lan khóc suốt.
Trên đường từ trường tiểu học về nhà cùng em gái, ngày nào bé Tuấn cũng phải đi qua một sân bãi vắng người, ở đó có nhóm các anh lớn thường xuyên tụ tập. Đôi khi các anh dọa đánh Tuấn. Đôi khi các anh đánh lộn và chửi bới ầm ĩ. Có lần Tuấn còn nhìn thấy một anh trong bọn cầm con dao nhọn sáng quắc huơ huơ lên trời.
Một lần khi tan học, bé Hoa chứng kiến cảnh các chú công an đang dẹp một đám thiếu niên đánh nhau. Hoa nghe thấy tiếng thét rất to và nhìn thấy máu chảy từ chân một cậu bé.
Cả ba đứa trẻ này đều vô cùng lo lắng, chúng lo cho mình hoặc cho người thân. Tuy nhiên phản ứng của Lan, Tuấn và Hoa rất khác nhau. Lan vẫn hành xử “bình thường”.
Ở trường bé vẫn học tốt và chơi với các bạn như thể không có chuyện gì xảy ra. Nhưng Lan chẳng bao giờ mời bạn bè về nhà.Tuấn bỏ ăn. Bé luôn nằm mơ thấy ác mộng và khóc suốt. Ở trường, Hoa bắt đầu cấu véo các em lớp dưới. Hoa còn lấy búp bê của em gái và giật đầu búp bê ra khỏi cổ.
Khi gặp nguy hiểm, hoặc chứng kiến người thân gặp nguy hiểm, trẻ có thể thấy buồn rầu, tức giận, sợ hãi, hoặc làm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cũng có khi trẻ thể hiện cả hai loại cảm xúc nói trên, tùy theo hoàn cảnh và những người bé gặp. Đôi khi các phản ứng chỉ bộc lộ một thời gian dài sau bạo hành.
Nhận biết một trẻ bị bạo hành hay chứng kiến bạo hành là điều không dễ dàng. Bạn có thể không nhìn thấy những dấu hiệu thực thể rõ ràng như vết rách, vết bầm dập, nhưng thẳm sâu bên trong, các bé thường phải chịu đựng”những vết thương vô hình”, ảnh hưởng tới tâm lý và tình cảm.
Trong một số trường hợp, phản ứng của trẻ có vẻ chẳng liên quan gì tới bạo hành. Trẻ có thể học hành kém hơn, khó kết bạn, bắt đầu hút thuốc hay dùng ma túy, kêu đau đau đầu, đau bụng hoặc mắc các bệnh thể chất khác.
Kể cả nếu sau một thời gian mọi chuyện có vẻ ổn hơn thì một lúc nào đó, vì một lý do nào đó, trẻ có thể cảm thấy sợ sệt trở lại, thậm chí có thể xuất hiện các biểu hiện hoàn toàn khác trước. Nếu trẻ tiếp tục gặp rắc rối sau vài tuần hoặc bắt đầu có thêm rắc rối mới, cha mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Đa số trẻ có sức chịu đựng rất dẻo dai, một số có thể tự mình vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, sự giúp đỡ của cha mẹ là vô cùng quý giá.
Nếu bạn biết con mình thường xuyên phải chịu đựng hoặc chứng kiến bạo hành, ba việc đầu tiên nên làm là: ngay lập tức bảo đảm an toàn cho bé; nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên, bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia tâm lý; giúp ngăn chặn bạo hành.
Bước tiếp theo là giúp bé lấy lại cảm giác an toàn; ghi nhận những nỗi đau thể xác và tinh thần bé phải trải qua. Hãy lắng nghe và thể hiện tình thương bạn dành cho con, nói với bé rằng thỉnh thoảng bị sợ cũng là chuyện bình thường, rằng bạn muốn giúp con không thấy sợ nữa. Cố gắng giúp bé nhận dạng cảm xúc của mình. Chọn các bước hành động phù hợp với lứa tuổi của con.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh