Những tác hại của stress

Cần chủ động phòng ngừa stress và không nên xem thường vấn đề này vì chúng có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

Có thể nói stress là một quá trình diễn biến phức tạp trong cuộc sống hàng ngày bao gồm các phản ứng sinh lý, tâm lý và cách ứng xử; trong đó yếu tố tâm lý có vai trò khá quan trọng. Đây là tất cả các sự việc, hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt xã hội, những tác động của môi trường tự nhiên... có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của con người, đến trạng thái tâm thần. Chúng thường gây nên tình trạng cảm xúc mạnh, chủ yếu là hiện tượng tiêu cực như sợ hãi, lo âu, buồn bã, tức giận... làm cho con người bị tác động cả về thể chất lẫn tinh thần.

Các loại stress và phương thức gây bệnh

Stress có nhiều loại khác nhau xuất phát từ môi trường tự nhiên, tâm lý cá nhân và môi trường xã hội.

Tình trạng stress của môi trường tự nhiên thường xảy ra trong thiên tai thảm họa như hạn hán, bão lụt, lũ quét, động đất... gây nên nhiều thiệt hại, tổn thất về con người và tài sản; ảnh hưởng đến hoàn cảnh sống tạo nên các thương tổn về mặt kinh tế, tình cảm, quan hệ xã hội...

Hiện tượng stress tâm lý cá nhân thường xuất hiện trong mâu thuẩn gia đình cũng như xã hội, buồn nhiều vì có con cái bị hư hỏng; mất người thân, mất việc làm, mất mát và thiệt hại về kinh tế; ngoài ra stress cũng có thể do bị thương tổn trong tình yêu, suy sụp về sự nghiệp, có tranh chấp lĩnh vực kinh tế, bị dọa nạt, cưỡng bức, hãm hiếp...

Tình trạng stress của môi trường xã hội thường xảy ra do sự đấu tranh để sinh tồn, cạnh tranh trong xã hội; có nhiều sự căng thẳng trong điều kiện làm việc và sự sinh sống...

Phương thức gây bệnh của stress có nhiều loại khác nhau như:

Bị bệnh do các stress mạnh và cấp diễn hoặc có các stress không mạnh nhưng trường diễn. Mắc bệnh do một hay nhiều stress gây ra. Bệnh xuất hiện ngay hoặc xuất hiện chậm sau khi bị stress. Tính chất gây bệnh của stress phụ thuộc vào sự tác động, mức độ quan trọng, ý nghĩa thông tin của các stress với người bệnh; đồng thời cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị của trạng thái tâm thần và thể chất đối với stress; thực tế cho thấy các stress bất ngờ càng dễ gây nên những bệnh lý. Do tình trạng stress đã được các nhà khoa học chứng minh có tính chất gây bệnh nên những người bị stress khó thoát khỏi được mắc bệnh sau đó. Thường các stress tác động vào cá nhân sẽ gây nên những bệnh lý lớn hơn so với tác động vào tập thể, vào cộng đồng.

 

Bệnh lý có thể phát sinh từ các stress

Như trên đã nêu, stress có tác động ảnh hưởng đến con người về mặt thể chất lẫn tinh thần, những tác động này có thể gây nên một số bệnh lý quan trọng cần phải lưu ý để có biện pháp xử trí phù hợp.

Về mặt thể chất, tình trạng stress kéo dài có khả năng dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid, tăng cholesterol máu, tăng tiết catecholamin chủ yếu là adrenalin gây nên hiện tượng co mạch máu làm thiếu oxy ở tim, thành mạch máu và các tổ chức tế bào khác. Tình trạng tăng tiết catecholamin trong một số điều kiện nhất định ngoài việc gây ra thiếu oxy ở các tổ chức tế bào sẽ gây loạn dưỡng và hoại tử cơ tim, thành mạch máu. Các nhà khoa học ghi nhận stress có thể phát sinh ra nhiều căn bệnh khác nhau như: Bệnh tâm thần kinh với biểu hiện mất ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn phiền, cáu gắt, loạn trí nhớ, trầm cảm... Bệnh tim mạch với dấu hiệu tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, loạn nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực... Bệnh tiêu hóa với triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở có mùi hôi, rối loạn chức năng đại tràng... Bệnh tình dục với biểu hiện giảm sút ham muốn tình dục, di tinh, mộng tinh, đau khi giao hợp... Bệnh phụ khoa với triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết... Bệnh về cơ khớp với dấu hiệu co cứng cơ, đau lưng, đau khớp, có cảm giác kiến bò ở ngón tay, máy mắt, chuột rút, run rẩy... Ngoài ra chúng còn ảnh hưởng đến toàn thân gây suy sụp cơ thể, mệt mỏi, dễ mắc các bệnh dị ứng hay bệnh truyền nhiễm.

Về mặt tinh thần, tình trạng stress cũng có khả năng gây nên những biểu hiện rối loạn bệnh lý như hay quên, mất trí nhớ, căng thẳng, lo sợ, mất ngủ, run rẩy...

 

Cách đối phó các rối loạn tâm thần có liên quan đến stress

Đối phó với các stress là sự cố gắng đáp ứng và thích nghi với môi trường cũng như hoàn cảnh gây nên stress. Thực tế có những yếu tố có thể ảnh hưởng đến stress là vốn kinh nghiệm sống của bản thân, khả năng thích nghi điều kiện, tố chất bẩm sinh, năng lực trí tuệ, mức độ nghị lực và bản lĩnh nhiều hay ít.

Vì vậy cách thức đối phó với các stress là phải tìm mọi phương thức để đương đầu và tự bảo vệ khỏi bị ảnh hưởng. Cần tìm ra những lối thoát để giải quyết được vấn đề một cách cụ thể; nên tự chủ, tự tin, bình tĩnh để xử trí các tình huống xảy ra; đồng thời tự kiềm chế bản thân và tự động viên để sáng suốt tìm ra giải pháp. Các rối loạn tâm thần có liên quan đến stress là các phản ứng đối với tình trạng stress cấp, những rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn của sự thích ứng. Đây là các rối loạn chủ yếu có liên quan chặt chẽ và trực tiếp đến stress với đặc điểm cơ bản như rối loạn luôn phát sinh do hậu quả trực tiếp của stress, có thể gây nên bệnh lý từ những stress trầm trọng hoặc bị tác động liên tục. Như vậy trên thực tế khi con người không bị tác động của tình trạng stress thì các rối loạn này sẽ không xảy ra.

 

Phòng ngừa và xử trí rối loạn tâm thần do stress

Theo các nhà khoa học, hiện nay không có biện pháp phòng ngừa những rối loạn tâm thần liên quan đến stress nào có hiệu quả một cách tuyệt đối mà phải phối hợp nhiều biện pháp cần thiết.

Trước tiên phải thực hiện tốt việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách; nâng cao nhận thức và những hiểu biết về tình trạng stress để chủ động phòng tránh cũng như hạn chế các mức độ tác động của stress đối với bản thân.

Đồng thời nên thường xuyên luyện tập, vận động cơ thể; tập thể dục hàng ngày, chơi các môn thể thao phù hợp; có chế độ thư giãn, tập dưỡng sinh, luyện khí công và võ thuật... Ngoài ra cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý; cách thức dinh dưỡng đầy đủ và thích hợp; tạo ra một lối sống thoải mái và bảo đảm chất lượng cuộc sống...

Để xử trí các rối loạn tâm thần liên quan đến stress có hiệu quả cần phải điều trị toàn diện và kết hợp nhiều biện pháp về mặt tâm lý và thuốc men phù hợp.

Liệu pháp tâm lý thực hiện chủ yếu để làm giảm bớt sự lo âu, trầm cảm; tình trạng hoảng sợ, thất vọng... Trên thực tế, các liệu pháp tâm lý thường được dùng là liệu pháp tác phong, nhận thức, giải thích hợp lý; thư giãn, luyện tập; liệu pháp tập thể nhóm, liệu pháp gia đình... Nên lưu ý người bị trạng thái stress cần có sự nâng đỡ, chia sẻ của gia đình, người thân, những người sống chung quanh và bạn bè... Sự hỗ trợ này nhằm mục đích giúp đỡ người bị stress phục hồi lại được chức năng tâm lý, mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp; kể cả việc tạo ra công ăn việc làm cần thiết...

Liệu pháp dùng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa tư vấn, chỉ định và hướng dẫn cụ thể; các loại thuốc thường được sử dụng thuộc nhóm thuốc giải quyết sự lo âu, chống trầm cảm, an thần kinh... Đồng thời các vitamin thuộc nhóm B, C; các loại vi chất, calci, magnesium... cũng có tác dụng hỗ trợ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top