✡️ Phẫu thuật làm gọn chi dưới

Khi nào cần cân nhắc phẫu thuật nâng phần chi dưới

  • Nếu bạn đã giảm cân đáng kể dựa vào phẫu thuật hoặc ăn kiêng.
  • Nếu bạn có lớp mỡ dưới da tương đối mỏng ở vùng hông, đùi, bụng và mông.
  • Nếu phần da thừa ở vùng thân dưới của bạn gây hạn chế vận động và/hoặc gây ra tình trạng nứt nẻ đau đớn, nổi mẩn đỏ hoặc nhiễm trùng.
  • Nếu bạn đang khó chịu vì làn da chảy xệ ở phần dưới cơ thể.
  • Nếu sự tự tin của bạn sẽ được cải thiện đáng kể sau khi được phẫu thuật.

Cân nhắc

Lợi ích Bất lợi
  • Da chùng sẽ được loại bỏ và tôn lên đường nét cơ thể, vì vậy bạn có thể thấy kết quả giảm cân của mình rõ rệt hơn.
  • Bạn sẽ cảm thấy sự tự tin được cải thiện nhờ vẻ ngoài đẹp hơn.
  • Bạn sẽ loại bỏ phần da thừa ra có thể gây tình trạng nứt nẻ đau đớn, nổi mẩn đỏ và nhiễm trùng.
  • Đây là một phẫu thuật với thời gian hồi phục kéo dài.
  • Bạn có thể sẽ cần một đến ba ngày nằm viện hoặc phải được điều dưỡng có chuyên môn chăm sóc tại nhà.
  • Bạn sẽ có một vết sẹo sẽ được giấu trong đường bikini.

Đây là ba ưu và nhược điểm hàng đầu cần cân nhắc khi nghĩ đến việc nâng phần thân dưới. Nếu bạn muốn tập trung vào những vấn đề của cá nhân mình, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

Bạn có phù hợp với phương pháp này?

Sau khi đã đạt được cân nặng hợp lý hoặc đã trải qua phẫu thuật giảm béo, bạn vẫn có thể cảm thấy chưa hài lòng về ngoại hình của mình bởi da thừa dọc vùng bụng dưới, cơ thành bụng bị nhão, da chùng và nhăn nheo dọc theo đùi và mông. Nâng cơ phần dưới cơ thể, để lại một vết sẹo ẩn trong đường bikini, có thể cải thiện đáng kể các vùng da chảy xệ và / hoặc tình trạng sần da vỏ cam (cellulite) dưới eo. Sau đây là một số lý do phổ biến khiến bạn có thể muốn xem xét phẫu thuật nâng phần dưới cơ thể:

  • Bạn đã trải qua phẫu thuật giảm cân hoặc giảm cân đáng kể nhờ ăn kiêng.
  • Mang thai và/hoặc lão hóa khiến bạn có làn da chùng nhão và tình trạng sần da vỏ cam (cellulite) dưới vòng eo.
  • Bạn có da chùng ở hông, hai bên và trước đùi, đùi trong và bụng.
  • Bạn bị nhão da đáng kể, da thừa, nhão (chảy xệ) ở mông và nhão cơ thành bụng.
  • Bạn sẵn sàng chấp nhận một vết sẹo mỏng vòng quanh eo.
  • Bạn không hút thuốc. Hút thuốc làm chậm quá trình lành thương và tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng trong và sau phẫu thuật. Nếu bạn hút thuốc, bạn phải bỏ thuốc ít nhất sáu tuần trước khi phẫu thuật.
  • Cân nặng của bạn đã ổn định trong ít nhất một năm, không dự kiến ​​giảm cân nữa. Để có kết quả tối ưu, không nên thực hiện việc tạo đường nét cơ thể trong khoảng hai năm sau khi bắt đầu bất kỳ chương trình giảm cân lớn nào. Thời gian này cho phép làn da của bạn co lại nhiều nhất có thể và dinh dưỡng được ổn định và tối ưu hóa, những yếu tố sẽ giúp bạn phục hồi.
  • Bạn có sức khỏe tổng quát tốt, không mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc bệnh tim mạch. Những người có sức khỏe kém không phải là ứng cử viên tốt cho các thủ thuật tạo đường nét cơ thể. Bạn phải được xác nhận đủ điều kiện được phẫu thuật thẩm mỹ từ bác sĩ đang điều trị bệnh cho bạn hoặc từ các bác sĩ khám tổng quát.
  • Bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh. Các vấn đề như thiếu hụt protein có thể cản trở quá trình chữa bệnh.
  • Bạn có sức chịu đựng về tinh thần tốt. Các phẫu thuật tạo đường nét đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ.

Nếu bạn có sức khỏe tổng quát tốt và có thái độ tích cực và những kỳ vọng thực tế, bạn rất có thể là ứng cử viên sáng giá cho phương pháp phẫu thuật này.

Thông tin chi tiết về phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật nâng vùng thân dưới được thực hiện như thế nào?

Nâng toàn bộ phần dưới cơ thể, còn được gọi là phẫu thuật cắt mỡ vùng dưới thắt lưng, có ưu điểm là điều trị các vùng mông, bụng, eo, hông và đùi trong một lần mổ và thường là một phần trong quá trình phẫu thuật thẫm mỹ cho các bà mẹ đã hoàn thành việc sinh con (“Mommy makeover”). Về cơ bản, phẫu thuật này mở rộng đường rạch xung quanh vùng bụng dưới, cho phép bác sĩ phẫu thuật nâng hoặc treo đùi và siết chặt mông cũng như thực hiện thu nhỏ bụng truyền thống. Chiều dài và kiểu rạch phụ thuộc vào lượng da thừa được cắt bỏ và vị trí của da. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn sẽ cố gắng hết sức để cân nhắc vị trí vết mổ mà bạn muốn đặt. Dưới đây là một tình huống điển hình để thực hiện thủ thuật cắt mỡ, mặc dù bác sĩ phẫu thuật của bạn có thể áp dụng một cách linh hoạt:

  • Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ tạo một đường rạch theo chu vi kéo dài xung quanh thân mình, qua đó họ sẽ loại bỏ mảng da thừa và mỡ thừa bên dưới vết rạch, định vị lại và thắt chặt các mô.
  • Phần da còn lại ở mông và đùi sẽ được kéo lên trên, đồng thời da và các mô bên dưới sẽ được treo và thắt chặt lại. Bạn sẽ nằm sấp hoặc nằm nghiêng trong suốt giai đoạn này của quá trình.
  • Khi phần lưng và hai bên hông được hoàn thành, bạn sẽ được đặt nằm ngửa để bác sĩ có thể điều trị mặt trước của bạn.
  • Tại thời điểm này, có sẵn hai tùy chọn, sẽ được thảo luận trước với bạn. Một lựa chọn là kết hợp nâng phần thân dưới với tạo hình thành bụng, hay còn gọi là thu nhỏ bụng (abdominoplasty). Lựa chọn khác là kết hợp nâng phần dưới với nâng đùi trong, nếu vùng bụng của bạn không cần tạo đường nét hoặc nếu bạn đã phẫu thuật tạo hình thành bụng.
  • Vết mổ sẽ được đóng thành nhiều lớp trên ống dẫn lưu để kiểm soát tình trạng căng và sưng tấy. Chỉ khâu hỗ trợ sâu bên trong các mô bên dưới giúp hình thành các đường viền mới định hình. Chỉ khâu, keo dán da hoặc băng dính được sử dụng để đóng các vết rạch trên da.

Những lựa chọn của tôi?

Hút mỡ kết hợp với nâng phần thân dưới

Bạn có thể được hưởng lợi từ việc hút mỡ kết hợp với nâng phần thând ưới để đạt được đường nét đẹp nhất có thể. Hút mỡ có thể làm mịn và tạo đường nét cho các khu vực tách biệt khỏi tác động của phẫu thuật nâng phần phần thân dưới. Một cuộc thảo luận với bác sĩ phẫu thuật và kiểm tra kỹ lưỡng là điều cần thiết để xác định một kế hoạch phẫu thuật toàn diện.

Tạo hình thành bụng hoặc nâng đùi

Bạn có thể kết hợp nâng phần thân dưới với tạo hình vùng bụng, còn được gọi là thu nhỏ bụng (phẫu thuật tạo hình bụng) hoặc kết hợp nâng phần thân dưới với nâng đùi trong nếu vùng bụng của bạn không cần tạo đường nét hoặc nếu bạn đã phẫu thuật tạo hình thành bụng.

Giảm cân hoặc hút mỡ thêm

Bởi vì phần dưới cơ thể được nâng lên và treo vào da, sự nặng nề quá mức ở đùi và mông tại thời điểm phẫu thuật có thể ngăn cản hiệu quả lâu dài. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể khuyên bạn nên giảm cân thêm trước khi bạn tiến hành nâng phần thân dưới. Nếu không khả thi, bạn có thể tiến hành hút mỡ để làm thon gọn đùi và mông trước khi tiến hành nâng phần thân dưới.

Vị trí sẹo

Vết sẹo nâng phần dưới cơ thể, kéo dài xung quanh chu vi thân mình, được thiết kế để nằm chìm ở trong các vị trí mặc đồ lót hoặc bikini của bạn. Bác sĩ phẫu thuật có thể đặt nó cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào sở thích cá nhân.

Vết mổ và sẹo của tôi sẽ trông như thế nào?

Vết rạch được sử dụng để nâng phần dưới cơ thể tạo ra một vết sẹo vĩnh viễn, có thể nhìn rõ nằm ở quanh vùng bụng dưới. Vết sẹo được đặt thấp trên bụng, ngay trên vùng mu và kéo dài về phía xương chậu. Ở xương chậu, vết sẹo cong nhẹ nhàng về phía trên của nếp lằn mông để tiếp xúc vết rạch từ bên kia. Vị trí sẹo của bạn được xác định bởi cách bạn mặc quần áo và vết sẹo của bạn sẽ dễ dàng bị che giấu bởi quần áo ngoài.

Lựa chọn bác sĩ phẫu thuật

Chọn một bác sĩ phẫu thuật mà bạn có thể tin tưởng

Điều quan trọng là chọn bác sĩ phẫu thuật của bạn dựa trên các yếu tố:

  • Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, các chứng chỉ có liên quan.
  • Kinh nghiệm trong phẫu thuật nâng phần chi dưới.
  • Mức độ thoải mái của bạn với anh ấy hoặc cô ấy.

Sau khi tìm được bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có đầy đủ giấy phép để thực hiện phẫu thuật nâng phần chi dưới, bạn sẽ cần phải đặt lịch hẹn với họ để được tư vấn. Nói chung, vì tính chất chuyên sâu của cuộc tư vấn, nên có một khoản chi phí liên quan đến buổi tư vấn ban đầu.

Cuộc hẹn tư vấn ban đầu của bạn

Trong buổi tư vấn ban đầu, bạn sẽ có cơ hội thảo luận về các mục tiêu thẩm mỹ của mình. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá tổng quan xem bạn có phù hợp cho phẫu thuật nâng phần chi dưới hay không và làm rõ những gì phẫu thuật này có thể thay đổi trên cơ thể bạn. Hiểu rõ mục tiêu và tình trạng sức khỏe của bản thân, có thể xem xét cả phương pháp điều trị thay thế và bổ sung.

Bạn nên đến buổi tư vấn để thảo luận về tình trạng sức khỏe của mình và trả lời các câu hỏi sau:

  • Tình trạng sức khỏe, dị ứng thuốc và các bệnh lý đang điều trị của bạn.
  • Tiền căn phẫu thuật trước đây
  • Thuốc đang sử dụng hiện tại, vitamin, thảo dược bổ sung?
  • Tình trạng sử dụng rượu, thuốc lá và chất kích thích hiện tại của bạn?
  • Trước giờ bạn đã trải qua bất kỳ quá trình thẩm mỹ không xâm lấn nào chưa?
  • Bạn mong đợi kết quả gì từ cuộc phẫu thuật? Mục tiêu chính của bạn khi lựa chọn phẫu thuật nâng phần thân dưới là gì?

Bác sĩ phẫu thuật của bạn cũng có thể:

  • Yêu cầu bạn soi gương và chỉ ra chính xác những gì bạn muốn cải thiện.
  • Chụp ảnh hồ sơ bệnh án của bạn và sử dụng máy tính để mô tả những thay đổi cơ thể mà bạn có kỳ vọng sau mổ.
  • Đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn, bao gồm các tình trạng hiện tại hoặc các yếu tố nguy cơ.
  • Đánh giá độ đàn hồi của làn da bạn.
  • Thảo luận về các lựa chọn của bạn và đề xuất một phương pháp điều trị.
  • Thảo luận về các kết quả có thể xảy ra, bao gồm rủi ro hoặc các biến chứng tiềm ẩn.
  • Thảo luận về loại gây mê sẽ được sử dụng.

 

 

Chăm sóc sau mổ và phục hồi

Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ thảo luận về khoảng thời gian bao lâu trước khi bạn có thể trở lại hoạt động và làm việc bình thường. Sau phẫu thuật, bạn và người chăm sóc của bạn sẽ nhận được hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc sau phẫu thuật, bao gồm thông tin về:

  • Ống dẫn lưu, nếu chúng đã được đặt.
  • Các triệu chứng bình thường bạn sẽ trải qua.
  • Bất kỳ dấu hiệu của biến chứng.

Ngay sau khi phẫu thuật

Nói chung, bạn có thể được băng bó và mặc quần áo nén, và bạn có thể có một số ống dẫn lưu. Bạn có thể sẽ dành ít nhất hai ngày trong bệnh viện. Trong thời gian này, bạn sẽ học cách chăm sóc ống dẫn lưu và cảm thấy thoải mái khi đi lại và vận động. Khi cảm thấy thoải mái với thuốc giảm đau bằng đường uống, bạn sẽ được xuất viện.

  • Khi thuốc tê hết tác dụng, bạn có thể bị đau. Nếu cơn đau quá mức hoặc kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ. Bạn cũng sẽ bị sưng đỏ sau khi phẫu thuật. Trong một số trường hợp, vết sưng sẽ duy trì trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Liên hệ với bác sĩ của bạn để xác định xem cơn đau, đỏ và sưng là bình thường hay là dấu hiệu của vấn đề nguy hiểm.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn tiếp tục được chăm sóc ở tại nhà. Có thể bạn muốn cố gắng tự làm việc nhà, nhưng chắc chắn cơ thể bạn sẽ không cảm thấy như chính mình trong ít nhất hai tuần và vẫn không nên làm bất cứ điều gì nặng, kể cả nâng đồ vật, trong bốn đến sáu tuần. Nếu bạn có con nhỏ, bạn phải giao một người khác hoàn toàn phụ trách việc chăm sóc chúng trong ít nhất hai tuần.
  • Hỏi bác sĩ phẫu thuật của bạn cách ngủ, bao gồm cả việc sử dụng gối, để giảm thiểu căng thẳng trên vết mổ, giảm đau và tạo điều kiện cho vết sẹo mỏng hơn.
  • Sưng, thường thấy sau phẫu thuật, được kiểm soát bằng quần áo nén, giúp giảm sưng, nâng đỡ các mô lỏng lẽo và làm phẳng da.
  • Ống dẫn lưu, cũng có tác dụng kiểm soát tình trạng sưng tấy, được đặt để loại bỏ dịch tích tụ trong vết mổ. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đo lượng dịch chảy ra mỗi ngày. Khi số lượng giảm xuống đủ thấp, họ sẽ rút các ống này cho bạn. Thông thường, ống dẫn lưu thường vẫn được đặt trong hai đến ba tuần, nhưng có thể để lâu hơn.
  • Bạn sẽ được khuyến khích đi bộ ngay ngày sau khi phẫu thuật.

Khung thời gian phục hồi sau khi phẫu thuật nâng phần dưới cơ thể

Làm theo tất cả các hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm hướng dẫn về cách băng bó, chăm sóc ống dẫn lưu, dùng thuốc kháng sinh, thuốc kê đơn và mức độ hoạt động an toàn.

  • Các cuộc thăm khám theo dõi hàng tuần sẽ giúp bạn phục hồi tốt hơn nhờ sự điều chỉnh dựa trên tiến trình phục hồi của cơ thể bạn.
  • Hoạt động của bạn sẽ được quyết định bởi tiến trình lành vết mổ. Một khi các ống dẫn lưu được loại bỏ, việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn.
  • Cảm giác khó chịu sẽ biến mất trong một hoặc hai tuần sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau để bạn uống sau khi về nhà. Bạn sẽ cần mặc quần áo nén trong vài tuần sau khi phẫu thuật và bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt.
  • Các vết khâu thường được tháo ra khoảng hai tuần sau khi phẫu thuật và việc này cũng được thực hiện tại bệnh viện- nơi bạn được phẫu thuật.
  • Có thể mất bốn tuần hoặc thậm chí lâu hơn để lành hoàn toàn các vết rạch quanh vùng bụng.
  • Trong một số trường hợp, vết mổ bị rách nhiều hơn có thể xảy ra, làm chậm quá trình lành thương (nhưng hiếm khi phải phẫu thuật thêm).
  • Bạn sẽ cần phải nghỉ làm ít nhất hai đến ba tuần và hạn chế các hoạt động bình thường trong bốn đến sáu tuần. Chắc hẳn sẽ có chút khó chịu. Điều này bác sĩ đã thông báo từ trước và thường dễ dàng kiểm soát bằng thuốc giảm đau.
  • Bạn sẽ phải đợi khoảng sáu đến tám tuần trước khi có thể quay lại tập thể dục.
  • Vết bầm tím sẽ bắt đầu biến mất trong vài tuần và vết sưng sẽ giảm dần trong vài tháng. Mặc dù các vết sẹo sẽ là vĩnh viễn, nhưng chúng sẽ mờ dần trong khoảng 12 tháng và có thể được che giấu bên trong quần áo.

Kết quả sẽ kéo dài trong bao lâu?

Hầu hết, hiệu quả từ phẫu thuật nâng vùng chi dưới là vĩnh viễn. Đường nét hình thành bằng cách loại bỏ da và mỡ thừa là vĩnh viễn. Sự xẹp xuống, căng và săn chắc của da đùi và mông cũng là vĩnh viễn. Đương nhiên, da sẽ được giảm căng sớm sau khi phẫu thuật; và dĩ nhiên da và các mô liên kết sẽ lỏng lẻo và chảy xệ dần khi bạn già đi.

Thường xuyên liên lạc với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn

Để đảm bảo an toàn, cũng như kết quả đẹp và khỏe mạnh nhất, điều quan trọng là phải quay lại tái khám theo thời gian quy định và bất cứ khi nào bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên cơ thể của mình. Đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ phẫu thuật của bạn khi bạn có những câu hỏi hoặc thắc mắc nào.

Chi phí liên quan

Chi phí phẫu thuật ở mỗi bác sĩ khác nhau, tùy theo từng vùng miền và kỹ thuật thực hiện. Vì nâng phần chi dưới là một phẫu thuật thẩm mỹ tự chọn, bảo hiểm thường không chi trả những chi phí này. Các công ty bảo hiểm sẽ chỉ thanh toán cho các thủ thuật mà họ (không phải bác sĩ của bạn) xác định là "cần thiết về mặt y tế" và thường có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho mỗi thủ thuật được chi trả bảo hiểm. Ví dụ, họ có thể trả tiền cho một ca phẫu thuật “căng da bụng dưới” (panniculectomy) nếu họ cảm thấy rằng phần da thừa gây cản trở hoạt động của bạn.

Những hạn chế và rủi ro

May mắn thay, các biến chứng đáng kể từ phẫu thuật nâng cánh tay là không thường gặp. Những rủi ro mà bạn có thể gặp trong quá trình phẫu thuật sẽ được trao đổi cặn kẽ trong buổi tư vấn.

Tất cả các loại phẫu thuật đều có một số rủi ro. Một số biến chứng tiềm ẩn của tất cả các cuộc phẫu thuật là:

  • Phản ứng với thuốc gây mê
  • Tụ máu hoặc tụ dịch sau mổ (tình trạng tụ máu hoặc tụ dịch dưới da có thể cần phải loại bỏ)
  • Nhiễm trùng và chảy máu
  • Thay đổi cảm giác
  • Sẹo
  • Phản ứng phản vệ.
  • Tổn thương các cấu trúc bên dưới
  • Kết quả không đạt yêu cầu có thể cần các phẫu thuật bổ sung

Bạn có thể giúp giảm thiểu một số rủi ro nhất định bằng cách làm theo lời khuyên và hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật cả trước và sau khi thực hiện phẫu thuật “nâng” phần chi dưới

 

Thông tin liên hệ

return to top