Trào ngược dạ dày – thực quản (Gastroesophageal Reflux, GER) là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc trưng bởi hiện tượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Phần lớn trường hợp là sinh lý và sẽ cải thiện khi trẻ lớn dần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trào ngược có thể biểu hiện nặng và ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, phát triển và giấc ngủ của trẻ, khi đó được phân loại là bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease, GERD).
Ăn quá no.
Cơ vòng thực quản dưới (LES) chưa trưởng thành hoặc hoạt động kém.
Cơ thành bụng yếu.
Tốc độ làm rỗng dạ dày chậm.
Dị ứng đạm sữa bò hoặc không dung nạp lactose (ít gặp hơn).
Hầu hết trẻ bị trào ngược không có biến chứng nghiêm trọng và tình trạng sẽ cải thiện dần khi trẻ được khoảng 12 tháng tuổi.
Cần lưu ý đến GERD khi trẻ có các biểu hiện sau:
Nôn trớ kéo dài và tái diễn nhiều lần trong ngày.
Khó chịu, cáu gắt kéo dài, đặc biệt sau khi ăn.
Tăng cân kém hoặc ngừng tăng cân.
Chán ăn, bỏ bú hoặc có biểu hiện đau khi bú.
Các biến chứng hô hấp tái diễn, như ho mạn, khò khè, viêm phổi tái phát.
Những trường hợp này cần được thăm khám bởi bác sĩ Nhi khoa để xác định chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Trào ngược dạ dày – thực quản có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ thông qua các cơ chế:
Gây cảm giác nóng rát, đau hoặc khó chịu ở vùng sau xương ức.
Gây nôn trớ hoặc ọc sữa khi nằm.
Kích thích hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến giấc ngủ chập chờn, hay giật mình, thức giấc giữa đêm.
5.1. Điều chỉnh thời điểm cho ngủ sau ăn
Không đặt trẻ nằm ngay sau khi bú. Nên bế trẻ thẳng đứng và vỗ ợ hơi, sau đó giữ trẻ ở tư thế thẳng trong khoảng 20–30 phút trước khi đặt nằm.
Cần lưu ý rằng trẻ sơ sinh không thể tự điều chỉnh tư thế, vì vậy người chăm sóc cần chủ động hỗ trợ nhằm giảm nguy cơ trào ngược xảy ra trong khi ngủ.
5.2. Tuân thủ nguyên tắc ngủ an toàn
Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP):
Trẻ sơ sinh nên nằm ngửa khi ngủ, trên bề mặt phẳng và chắc chắn, không sử dụng gối, chăn mềm, thú nhồi bông hoặc bất kỳ vật dụng mềm nào khác trong nôi.
Không nâng đầu nôi hoặc cho trẻ nằm nghiêng để điều trị trào ngược, vì điều này không chứng minh hiệu quả và có thể làm tăng nguy cơ tử vong do đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Nên cho trẻ ngủ cùng phòng với bố mẹ, nhưng trên bề mặt ngủ riêng biệt, ít nhất trong 6 tháng đầu sau sinh.
5.3. Tuân thủ điều trị y tế nếu có chỉ định
Với các trường hợp trào ngược nặng, trẻ có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc tăng nhu động theo chỉ định bác sĩ.
Một số trường hợp cần thay đổi loại sữa công thức (sữa thủy phân hoặc không chứa đạm sữa bò).
Trường hợp rất hiếm và nghiêm trọng có thể cần can thiệp ngoại khoa (ví dụ: phẫu thuật Nissen fundoplication).
Người chăm sóc cần cho trẻ dùng thuốc đúng liều, đúng giờ và theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn, báo ngay cho bác sĩ nếu có bất thường.
Xây dựng lịch trình đi ngủ nhất quán mỗi ngày để hình thành nhịp sinh học cho trẻ.
Có thể bế trẻ ở tư thế thẳng và đung đưa nhẹ nhàng để trẻ thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Hạn chế các kích thích mạnh về âm thanh và ánh sáng trước khi ngủ.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi:
Trẻ nôn trớ nhiều, có thể nôn ra máu hoặc dịch màu xanh/vàng.
Trẻ bỏ bú, chậm tăng cân hoặc sụt cân.
Trẻ khó chịu kéo dài, ngủ rất ít hoặc quấy khó dỗ.
Có các biểu hiện rối loạn hô hấp, như ho khò khè tái phát, ngưng thở, tím tái.
Phần lớn các trường hợp trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ sơ sinh là sinh lý và tự giới hạn. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện bất thường, cần được đánh giá y khoa kịp thời. Việc hỗ trợ giấc ngủ cho trẻ cần kết hợp giữa các biện pháp chăm sóc phù hợp với khuyến cáo khoa học và tuân thủ điều trị nếu có chỉ định. Đảm bảo môi trường ngủ an toàn là ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống.