✴️ Màu sắc tinh dịch phản ánh những bệnh lý nào? Tinh dịch đồ có ý nghĩa gì?

Tinh dịch bình thường có màu gì?

Ở nam giới tinh trùng được sản xuất từ khi nào và như thế nào?

Tinh trùng được sản xuất từ tinh hoàn, từ tế bào sertoli ở ống sinh tinh xoắn và bắt đầu từ tuổi dậy thì ở nam giới (14-15 tuổi) hình thành quá trình sinh tinh. Quá trình sinh tinh hình thành từ những tinh nguyên bào, sau đó trở thành tinh bào, từ tinh bào phát triển thành tinh bào 1, tinh bào 2, từ tinh bào 2 trở thành tiền tinh trùng và hình thành tinh trùng.

Tinh trùng được sản xuất từ ống sinh tinh xoắn, qua ống sinh tinh thẳng, đến lưới tinh, sau đó đổ về mào tinh, theo ống dẫn tinh đi đến túi tinh. Quá trình xuất tinh được phóng ra qua đường niệu đạo để xuất ra ngoài.

Tinh dịch như thế nào là bình thường? Sau khi xuất ra ngoài tinh dịch có những biến đổi như thế nào?

Nam giới có quá trình xuất tinh bình thường, từ 2-3 lần/ tuần. Sau khi tinh dịch được xuất ra ngoài thường có màu trắng như sữa hoặc trắng xám. Nếu thời gian xuất tinh hoặc quan hệ quá lâu tinh trùng có thể ngả màu vàng. Khi xuất tinh, tinh trùng có độ keo, độ quánh, nếu để sau 20 phút có thể loãng.

Nếu tinh dịch có màu sắc biến đổi khác thường nói lên một số bệnh lý nghi ngờ cần kiểm tra. Ví dụ tinh dịch khi xuất ra có màu đỏ cần nghi ngờ có thể có bệnh lý viêm nhiễm ở tiền liệt tuyến hoặc túi tinh, hoặc bệnh lý ác tính ở túi tinh hoặc tiền liệt tuyến, hoặc chấn thương vùng niệu đạo.

Chúng ta biết rằng trong quá trình xuất tinh, tinh trùng phải vượt qua từ tinh hoàn đến mào tinh, sang ống dẫn tinh, đưa đến túi tinh và ống phóng tinh, sang niệu đạo, hành niệu đạo. Dưới áp lực của hành niệu đạo mới phóng tinh dịch ra bên ngoài. Trong quá trình này, những tổn thương trên đường đi có thể gây ảnh hưởng đến màu sắc và chất lượng tinh dịch. Nếu niệu đạo bị tổn thương, chảy máu, khi xuất tinh có thể có màu đỏ.

Hoặc quá trình viêm nhiễm, hay các bệnh lý liên quan cũng ảnh hưởng màu sắc tinh dịch. Hoặc tinh dịch có màu xanh sẽ nghi ngờ có tình trạng viêm nhiễm túi tinh hoặc cơ quan sinh dục. Do đó cần nhận biết ngay để có phương pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Màu sắc tinh dịch liên quan đến những bệnh gì?

Màu sắc và độ đặc của tinh dịch liên quan đến những yếu tố nào?

Như đã trình bày ở trên, màu sắc tinh dịch bình thường có màu trắng sữa, trắng xám, đôi khi màu vàng. Nhưng khi màu sắc chuyển đổi như màu xanh, màu đỏ thì gợi ý các bệnh lý tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến, viêm/ung thư túi tinh hoặc các bệnh lý ở đường niệu đạo.

Nếu xuất tinh một cách đều đặn, 2-3 lần/ tuần thì tinh trùng có độ quánh. Nhưng nếu xuất tinh quá nhiều lần trong ngày hoặc liên tục, độ quánh có thể giảm đi.

Nhìn tinh dịch, tinh trùng có thể đoán được bệnh không? Những dấu hiệu nào có thể quan sát bằng mắt thường?

Tinh trùng phải quan sát dưới kinh hiển vi, tinh dịch có thể quan sát bằng mắt thường. Với mắt thường có thể đánh giá số lượng tinh dịch. Ví dụ xuất tinh ở nam giới bình thường mỗi 2-5ml/ lần xuất tinh. Nếu lượng tinh dịch ít quá có thể đánh giá sức khỏe sinh sản của người nam giới đó.

Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến màu sắc của tinh dịch.

Độ nhớt, độ quánh của tinh dịch nói lên tình trạng, tỷ lệ, thành phần ở trong tinh dịch có thể ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.

Tinh dịch có dính máu là dấu hiệu của bệnh gì?

Khi tinh dịch có màu đỏ và thường nghĩ đến tinh dịch có máu, chắc chắn đây là dấu hiệu bất thường. Nếu chỉ thoáng qua hoặc sau một hoạt động tình dục quá mức, có thể cần theo dõi. Nếu như tần suất xuất hiện nhiều và kéo dài, cần nghĩ ngay đến những bệnh lý thường gặp như viêm nhiễm: nếu bệnh nhân vừa qua có quan hệ tình dục hay không, có an toàn hay không, nhiều khi có viêm nhiễm từ bên ngoài, đặc biệt là các bệnh lý lây qua đường tình dục như lậu, nấm…

Ngoài các bệnh lý về viêm nhiễm, có thể bệnh nhân mắc bệnh lý ác tính như ung thư túi tinh hoặc ung thư tiền liệt tuyến có thể gây xuất tinh ra máu.

Hoặc các bệnh lý giãn mạch máu quá mức, như giãn mạch tinh, khi xuất tinh có thể làm vỡ mao mạch và gây ra tình trạng xuất tinh ra máu.

Đường niệu đạo cũng có thể gây xuất tinh ra máu. Hỏi tiền sử xem bệnh nhân có chấn thương vùng niệu đạo hay không; hoặc trên bệnh nhân vừa sinh thiết tiền liệt tuyến, có chọc kim ở tầng sinh môn cũng có nguy cơ xuất tinh ra máu.

Hoặc những bệnh nhân lấy tinh trùng từ mào tinh hoặc tinh hoàn bằng cách chọc kim có nguy cơ lẫn máu trong tinh dịch.

Có rất nhiều nguyên nhân gây tinh dịch có máu. Cho nên, khi tinh dịch có màu đỏ nam giới nên đến các phòng khám hoặc bệnh viện có chuyên khoa Nam khoa để được bác sĩ tầm soát và tìm nguyên nhân điều trị.

Tinh dịch đồ có ý nghĩa gì?

Hiện nay có những xét nghiệm nào kiểm tra chất lượng tinh trùng?

Kiểm tra chất lượng tinh trùng bằng tinh trùng đồ.

Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân cần kiêng hoạt động xuất tinh 2-7 ngày trước khi thực hiện tinh dịch đồ.

Thứ hai, phải lấy bằng phương pháp dùng tay (thủ dâm) để lấy tinh dịch.

Thứ ba, sau khi lấy xong cần đưa đến phòng xét nghiệm và đọc kết quả trong 1 tiếng, bởi thời gian rất quan trọng, ảnh hưởng đời sống tinh trùng.

Xét nghiệm sẽ đánh giá tinh dịch, từ độ phân giải của tinh dịch, số lượng tinh dịch có đủ hay không, độ pH, số lượng tinh trùng. Trong số lượng tinh trùng bác sĩ sẽ đánh giá tổng số lượng là bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm hoạt động, bao nhiêu phần trăm không hoạt động. Với những tinh trùng hoạt động, bao nhiêu phần trăm tinh trùng bình thường, và bao nhiêu phần trăm tinh trùng có hình dạng bất thường. Phòng xét nghiệm sẽ trả lời các thông số như vậy để bác sĩ dựa vào đọc kết quả.

Bản thân tinh trùng trong tịnh dịch đồ cũng có bạch cầu. Nếu lượng bạch cầu quá lớn, trên 106/ ml thì cần nghĩ đến tinh dịch có viêm nhiễm hay không, nếu cần thiết sẽ làm thêm một số xét nghiệm khác như cấy tinh dịch đồ.

Tinh dịch đồ tiết lộ những thông tin gì? Để đánh giá đầy đủ sức khỏe sinh sản nam giới cần những thông tin nào?

Tinh dịch đồ nói lên tình trạng sức khỏe sinh sản. Với người có sức khỏe sinh sản tốt, số lượng tinh dịch phải bảo đảm ít nhất trên 1.5 ml/lần xuất tinh. Đảm bảo số lượng tinh trùng hoạt động, tỷ lệ phần trăm tinh trùng bình thường (trên 4% đủ đầu, thân, đuôi). Nếu đầy đủ những thông tin này sẽ đáp ứng sức khỏe sinh sản và tỷ lệ thụ thai cao.

Ngoài xét nghiệm tinh trùng đồ, người ta có thể làm thêm các xét nghiệm khác như cấy tinh dịch đồ hoặc siêu âm đường bụng/ đường trực tràng để đánh giá hệ sinh dục và túi tinh có bình thường hay không. Ngoài ra, còn có thêm một số xét nghiệm về nội tiết để đánh giá có bất thường gì về nội tiết hay không, ví dụ như thử testosterone, thử LH, thử FSH.

 

Xuất tinh như thế nào là bình thường?

Từ thiếu niên đến cao tuổi, tần suất xuất tinh của nam giới như thế nào là vừa phải?

Rất nhiều người quan tâm đến xuất tinh bao nhiêu lần hoặc quan hệ bao nhiêu lần là hợp lý? Điều này phụ thuộc vào sức khỏe của từng cá nhân và chưa có con số cụ thể.

Tuy nhiên, nhiều tác giả đồng thuận nam giới tuổi từ 20-30 xuất tinh 2-3 lần/ tuần là đủ. Từ 30-50 tuổi là 2 lần/ tuần. Trên 50 tuổi từ 1-2 lần/ tháng. Tùy theo nhu cầu và sức khỏe nội tại của người nam giới mà có nhu cầu cụ thể.

Lâu không xuất tinh thì tinh dịch sẽ ngả màu?

Nếu xuất tinh đều đặn, tinh dịch sẽ có màu trắng sữa hoặc trắng xám. Nhưng nếu lâu quá không quan hệ hoặc không xuất tinh, tinh trùng sẽ ngả màu vàng khi xuất tinh và điều này là bình thường. Nếu có màu xanh hoặc đỏ thì lại là tình trạng khác.

Quá trình xuất tinh xảy ra theo 2 giai đoạn: tiết tinh và phóng tinh. Đối với tiết tinh, tinh trùng tập trung ở mào tinh hoàn và di chuyển theo ống dẫn tinh ra túi tinh, đến hành niệu đạo, cơ vòng ở cổ bàng quang đóng lại, hành niệu đạo và tiền liệt tuyến ép lại làm cho áp lực trong niệu đạo hành tăng lên và phóng lượng tinh dịch 2-5ml ra ngoài. Mào tinh là nơi khởi đầu xuất tinh và cũng là mồ chôn các tinh trùng khi tinh trùng được tiết ra từ ống sinh tinh nhưng không được xuất ra ngoài.

Chu trình sản xuất tinh trùng khoảng 64 ngày, nhưng tinh trùng chỉ tồn tại 42 ngày và tự chết đi nếu không được xuất ra ngoài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top