Trầm cảm - căn bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được khám và điều trị kịp thời

Nội dung

Theo Medical Daily, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất hai tuần. Các triệu chứng khác bao gồm lo âu, dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ, thiếu năng lượng, thay đổi khẩu vị và vấn đề tư duy. Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội Việt Nam với ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh, theo thống kê năm 2022. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh (độ tuổi 45-55) khá phổ biến. Một nghiên cứu cho thấy 36% chị em trong độ tuổi này bị mất ngủ, 37% rối loạn lo âu, 20-40% có dấu hiệu của trầm cảm. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những phụ nữ có tiểu sử trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý trước đây. Đặc biệt, đây là căn bệnh tất cả phụ nữ có nguy cơ mắc phải ở hầu hết giai đoạn trong cuộc đời.

Những con số này tương đồng với các nghiên cứu trên toàn cầu, cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp hai lần so với nam giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm tăng khoảng 25%, kéo theo số ca tự tử tăng. Nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị. Chỉ 29% số người bị rối loạn tâm thần và 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Do đó, giới chuyên gia gọi căn bệnh là sát thủ thầm lặng, hủy hoại cuộc sống nhiều người dân.

Bác sĩ Thu nhận định nguyên nhân gây trầm cảm ở phụ nữ trung niên có thể do hormone (estrogen và progesterone) giảm, ảnh hưởng hoạt động của hệ thần kinh và tạo ra các tác động tâm lý. Bên cạnh đó, sự suy giảm hoạt động tình dục, khó ngủ, mệt mỏi và sự thay đổi trong cấu trúc não cũng có thể đóng vai trò gây bệnh. Việc mãn kinh thường đi kèm với nhiều stress trong cuộc sống, như con cái trưởng thành, bản thân nghỉ hưu, người thân qua đời hoặc sự thay đổi mối quan hệ làm tăng nguy cơ tiến triển của trầm cảm.

Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Ngọc Thiện, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều trường hợp vốn bình thường, cười nói vui vẻ, nhưng đến thời điểm không còn kinh nguyệt, họ bỗng nhiên thay đổi tâm trạng. Ngoài ra, việc ngoại hình thay đổi, da sạm dần, nhăn nheo, bệnh tật kéo đến, khiến chị em trở nên tự ti.

Theo các chuyên gia, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, khi áp lực xã hội, khiến phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người cao tuổi và trung niên, hiếm khi tự nhận bản thân có các vấn đề tâm lý. "Họ không muốn bộc lộ nỗi buồn, luôn cố gắng gồng mình mạnh mẽ, để làm chỗ dựa cho con cháu", bác sĩ Thu nhận định.

Mặt khác, tâm bệnh vốn là vấn đề nhạy cảm, bị phân biệt đối xử. Nhiều bệnh nhân tâm thần bị xa lánh, nhốt ở nhà hoặc ở dài hạn trong các cơ sở chuyên biệt. Hầu hết người bệnh có nhận thức tiêu cực về việc điều trị, không dám nói với đồng nghiệp hay gia đình bản thân đang mắc bệnh, vì lo sợ bị đánh giá.

 

Theo các chuyên gia, chìa khóa để giải quyết chứng trầm cảm mãn kinh là thay đổi góc nhìn đối với vấn đề sức khỏe tâm thần ở người lớn tuổi. Sự hiểu biết về những xáo trộn tâm sinh lý cũng như chấp nhận trầm cảm là một bệnh giống các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp... giúp phụ nữ cũng như gia đình ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh đó, phụ nữ cần thay đổi lối sống để thích nghi với thời kỳ mãn kinh, bao gồm ăn uống điều độ, tập thể dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Các việc nên làm, gồm: tăng nghỉ ngơi, giữ thói quen ngủ đều đặn, tham gia các hoạt động ngoài trời, tập thể dục thường xuyên như đi bộ, chạy hoặc khiêu vũ, thư giãn với yoga, thái cực quyền, thiền.

Đặc biệt, trường hợp có triệu chứng mãn kinh rầm rộ, đồng thời gặp phải những biến cố gia đình, công việc, cần được khám và tầm soát sớm bệnh trầm cảm. Phương pháp điều trị có thể là dùng thuốc và không dùng thuốc, tùy thuộc mức độ và cá nhân từng người.

return to top