Tương tác thuốc – thực phẩm: Nhận diện và biện pháp phòng ngừa

1. Tổng quan

Tương tác giữa thuốc và thực phẩm là hiện tượng xảy ra khi thành phần dinh dưỡng hoặc hoạt chất trong thực phẩm ảnh hưởng đến dược động học hoặc dược lực học của thuốc, từ đó làm thay đổi hiệu quả điều trị hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ. Tương tác có thể xảy ra với cả thuốc kê đơn (Rx) và thuốc không kê đơn (OTC), bao gồm cả thực phẩm chức năng, vitamin, khoáng chất, thuốc y học cổ truyền và đồ uống.

 

2. Cơ chế chung của tương tác thuốc – thực phẩm

  • Thay đổi hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa (do tạo phức, thay đổi pH hoặc motility ruột).

  • Ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc qua enzym gan (đặc biệt CYP450).

  • Thay đổi sự gắn kết protein huyết tương hoặc bài tiết thuốc qua thận.

  • Ảnh hưởng đến đáp ứng sinh lý của cơ thể (như huyết áp, nhịp tim, đông máu).

 

3. Một số tương tác thuốc – thực phẩm điển hình

3.1. Nước ép trái cây acid (cam, chanh, quýt)kháng sinh không bền trong môi trường acid

Các loại nước ép trái cây có tính acid có thể phá hủy cấu trúc của một số kháng sinh như ampicillin, erythromycin, lincomycin, làm giảm sinh khả dụng đường uống. Khuyến cáo tránh dùng các loại nước ép acid trong vòng 1 giờ trước và sau khi uống các thuốc này.

3.2. Sữa và chế phẩm từ sữa với fluoroquinolones, tetracycline

Calci trong sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, kem...) có thể tạo phức với thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolones (ciprofloxacin, levofloxacin...) và tetracyclines, làm giảm hấp thu và hiệu quả điều trị. Cần tránh sử dụng sản phẩm từ sữa ít nhất 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi dùng thuốc.

3.3. Rau lá xanh đậm (cải xoăn, bông cải…)thuốc kháng vitamin K (warfarin)

Rau lá xanh giàu vitamin K, có tác dụng đối kháng với tác dụng chống đông máu của warfarin. Việc tăng hoặc giảm đột ngột lượng rau giàu vitamin K có thể gây mất kiểm soát INR, làm tăng nguy cơ huyết khối hoặc chảy máu. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn ổn định và thông báo với bác sĩ khi có thay đổi lớn trong chế độ ăn.

3.4. Thực phẩm giàu tyraminethuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI)

Tyramine là một acid amin có trong phô mai già, rượu vang đỏ, cá muối, thịt chế biến, đậu fava... Khi dùng cùng thuốc chống trầm cảm nhóm MAOI (phenelzine, tranylcypromine...), tyramine có thể gây tăng huyết áp kịch phát do ức chế thoái giáng catecholamine. Khuyến cáo tránh dùng các thực phẩm giàu tyramine trong thời gian điều trị với MAOI.

3.5. Nước ép bưởi và nhiều thuốc chuyển hóa qua hệ enzyme CYP3A4

Nước ép bưởi ức chế enzym CYP3A4 tại ruột non, làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương, tăng nguy cơ độc tính. Những thuốc bị ảnh hưởng bao gồm:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: felodipine, nifedipine, losartan, eplerenone. Nồng độ thuốc tăng gây hạ huyết áp quá mức hoặc rối loạn điện giải (tăng kali máu).

  • Thuốc hạ cholesterol nhóm statin: simvastatin, atorvastatin – tăng nguy cơ tiêu cơ vân, tổn thương gan.

  • Thuốc ức chế miễn dịch: tacrolimus, ciclosporine – tăng nguy cơ độc thận.

  • Thuốc an thần: benzodiazepine – gây an thần quá mức, chóng mặt.

Lưu ý: Tác động của nước bưởi kéo dài hàng giờ, thậm chí cả ngày. Khuyến cáo không sử dụng bưởi và nước ép bưởi trong suốt quá trình điều trị với các thuốc trên.

 

4. Nguyên tắc sử dụng thuốc để hạn chế tương tác với thực phẩm

  • Đọc kỹ nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng và cảnh báo về tương tác thực phẩm.

  • Tuân thủ đúng thời điểm dùng thuốc theo hướng dẫn: uống trước, trong hoặc sau bữa ăn tùy loại thuốc.

  • Uống thuốc với nước lọc là lựa chọn ưu tiên; không dùng với sữa, nước trái cây, nước có gas hoặc đồ uống có cồn.

  • Không pha thuốc vào đồ uống nóng hoặc thực phẩm (trừ khi có chỉ định).

  • Không bóc viên nang hoặc nghiền thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ hoặc dược sĩ.

  • Tránh sử dụng thực phẩm bổ sung, vitamin hoặc sản phẩm thảo dược cùng lúc với thuốc nếu chưa được tư vấn chuyên môn.

  • Thông báo với bác sĩ về tất cả các thuốc, thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm thảo dược đang sử dụng.

 

5. Kết luận

Tương tác giữa thuốc và thực phẩm có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị hoặc gây ra các biến cố bất lợi cho người bệnh. Việc hiểu rõ và phòng ngừa các tương tác này là một phần quan trọng trong quản lý điều trị và tư vấn dược. Bệnh nhân cần được hướng dẫn cụ thể và chủ động tham vấn bác sĩ, dược sĩ bất cứ khi nào có nghi ngờ về khả năng tương tác.

return to top