Ung thư đại tràng khởi phát sớm ở người trẻ tuổi: Xu hướng gia tăng và những vấn đề đặt ra

1. Dịch tễ học

Trong ba thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng (CRC - Colorectal Cancer) nói chung tại Hoa Kỳ đã có xu hướng giảm nhờ các chương trình tầm soát sớm và can thiệp dự phòng. Tuy nhiên, một nghịch lý đang được ghi nhận là sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở người trưởng thành dưới 50 tuổi – nhóm tuổi trước đây được xem là ít nguy cơ. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ ung thư đại tràng khởi phát sớm (Early-Onset CRC) đã tăng gần gấp đôi từ 4,8/100.000 dân (năm 1994) lên 10,1/100.000 dân (năm 2021).

Xu hướng tương tự đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Theo báo cáo Globocan 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới ung thư đại tràng, với hơn 8.200 trường hợp tử vong, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ có xu hướng gia tăng.

 

2. Đặc điểm lâm sàng và tiên lượng

Ung thư đại tràng ở người trẻ thường có biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, dễ nhầm với các rối loạn tiêu hóa lành tính như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh Crohn. Khi được chẩn đoán, nhiều trường hợp đã ở giai đoạn tiến triển với đặc điểm mô học ác tính hơn so với nhóm khởi phát muộn. Ung thư đại tràng hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở người trưởng thành từ 20–49 tuổi tại Mỹ.

 

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

3.1. Yếu tố lối sống và môi trường

Sự gia tăng tỷ lệ CRC ở người trẻ tuổi được cho là có liên quan đến các yếu tố nguy cơ thay đổi trong 30 năm qua, bao gồm:

  • Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đường và chất béo bão hòa

  • Ít vận động thể chất

  • Thừa cân, béo phì

  • Tiêu thụ rượu bia

  • Hút thuốc lá

  • Hội chứng chuyển hóa: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, kháng insulin

3.2. Bệnh lý nội khoa liên quan

  • Béo phì: là yếu tố nguy cơ độc lập. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy phụ nữ béo phì có nguy cơ CRC khởi phát sớm cao hơn 20% so với nhóm không béo phì.

  • Bệnh đái tháo đường: làm tăng nguy cơ CRC ở người trẻ; một nghiên cứu năm 2020 cho thấy nguy cơ ở người mắc đái tháo đường tuổi 45 tương đương người không mắc bệnh ở tuổi 50.

3.3. Yếu tố di truyền

Khoảng 25–30% các trường hợp CRC có yếu tố gia đình, trong đó 5% liên quan đến các hội chứng di truyền như:

  • Hội chứng Lynch

  • Bệnh đa polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP)

Tuy nhiên, phần lớn các ca CRC khởi phát sớm vẫn được xem là "ngẫu nhiên" không có yếu tố di truyền rõ ràng.

 

4. Triệu chứng thường gặp

Ung thư đại tràng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc hiệu. Các biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng, chướng bụng

  • Rối loạn đại tiện: tiêu chảy, táo bón, phân nhỏ

  • Chảy máu trực tràng, phân đen

  • Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân

  • Giảm cân, mệt mỏi, chán ăn

  • Cảm giác chưa đi ngoài hết

  • Buồn nôn, nôn, tắc ruột

Triệu chứng di căn có thể gồm: đau xương (di căn xương), vàng da (di căn gan), khó thở (di căn phổi).

 

5. Phòng ngừa và tầm soát

Các biện pháp dự phòng ung thư đại tràng bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây, cá, ngũ cốc nguyên hạt

  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, đường bổ sung

  • Tăng cường hoạt động thể chất

  • Hạn chế rượu bia, bỏ hút thuốc

Tầm soát

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát CRC ở tuổi 45 đối với người nguy cơ trung bình. Với người có tiền sử gia đình mắc CRC, nên bắt đầu tầm soát sớm hơn (từ 40 tuổi hoặc 10 năm trước độ tuổi của người thân mắc bệnh).

Các phương pháp tầm soát bao gồm: nội soi đại tràng, xét nghiệm máu trong phân (FOBT), xét nghiệm ADN trong phân.

 

6. Kết luận

Mặc dù tỷ lệ ung thư đại tràng nói chung đang giảm nhờ tầm soát hiệu quả, ung thư đại tràng khởi phát sớm lại có xu hướng gia tăng đáng kể. Sự thay đổi về yếu tố lối sống, béo phì và rối loạn chuyển hóa có thể đóng vai trò trung tâm trong xu hướng này. Việc nhận diện sớm triệu chứng, tăng cường tầm soát và can thiệp dự phòng là giải pháp then chốt nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật trong tương lai.

return to top