12 loại bệnh ung thư có nguy cơ di truyền
Ung thư vẫn được coi là loại bệnh không có tính truyền nhiễm từ người này sang người khác do tiếp xúc dù là ung thư đường hô hấp hay bất kỳ loại ung thư nào khác. Nhưng có một số loại ung thư có nguy cơ di truyền từ người thân trong gia đình.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, giữa ung thư, gen và các đột biến liên quan có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tế bào ung thư di truyền được lưu lại trong cơ thể thế hệ sau dưới dạng tế bào mầm. Theo thời gian và những ảnh hưởng từ thói quen, lối sống, môi trường trong quá trình sống, các tế bào này phát sinh đột biến, kết quả là thế hệ sau mắc bệnh di truyền từ cha mẹ.
Dựa trên những thông tin thu thập được, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng có 12 loại ung thư có nguy cơ di truyền, chúng khác nhau về mặt tần suất, sử dụng các gen cụt làm nền. Những loại gen này đôi khi được coi là đột biến vô nghĩa vì gen không thể thực hiện đúng chức năng. Trong số 12 loại ung thư, nguy cơ di truyền cao nhất là ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, tiếp theo đó là ung thư dạ dày, và ung thư vú. 4 loại ung thư có đột biến di truyền là ung thư tuyến tiền liệt, đầu và cổ, thần kinh đệm và phổi.
Nếu một người có người thân gần gũi (bố mẹ, anh chị em) bị loại ung thư này thì khả năng mắc bệnh của họ có thể tăng lên.
Ung thư là bệnh do tổn thương gen
Phần lớn những người mắc ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau. Chỉ có một số ít bệnh ung thư liên quan đến gene di truyền. Hiểu một cách đầy đủ thì ung thư là bệnh do tổn thương gene – vật liệu mang tính di truyền của tế bào gây ra. Chỉ có khoảng dưới 10% là tổn thương gene là có sẵn trong cơ thể. Những tổn thương gene này có thể di truyền nhưng không di truyền cho tất cả thế hệ sau của người có gene này. Chỉ khoảng 50% số con của họ sẽ nhận di truyền các gene đó. Trong số những người con có gene ung thư, cũng không phải tất cả sẽ bị ung thư. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ có khả năng sẽ mắc ung thư trong cuộc đời họ.
Còn có tới hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Đó chính là những thói quen, lối sống thiếu lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu an toàn, không hợp lý, ít vận động thể chất, quan hệ tình dục không an toàn…. là những nguyên nhân tác động lớn tới sức khỏe, làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tổn thương gen, dẫn đến ung thư. Những dạng tổn thương gen này không mang tính di truyền.
Nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh ung thư của một người có liên quan nhiều nhất tới tuổi tác và các yếu tố nguy cơ từ thói quen, lối sống, môi trường…
Sàng lọc ung thư sớm – ngăn chặn nguy cơ ung thư do di truyền
Với những người có người thân từng mắc bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh nằm trong 12 loại bệnh ung thư có nguy cơ di truyền cao, cần sàng lọc ung thư sớm, để loại bỏ lo lắng về bệnh ung thư có di truyền không.
Sàng lọc sớm được coi là “chìa khóa vàng” để phát hiện ung thư sớm, và là phương pháp ngăn chặn ung thư hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong và chi phí cho người bệnh. Thực tế cho thấy hiện nay phần lớn các bệnh nhân ung thư đều đến khám trong tình trạng bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Khi phát hiện và chẩn đoán xác định rõ ràng, cụ thể thì người bệnh thường ở vào giai đoạn cuối; ngoài khối u được phát hiện đã phát sinh thêm tình trạng nổi các hạch vùng và di căn đi nơi khác.
Việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh ung thư có ý nghĩa quyết định sống còn, bởi nó ảnh hưởng quyết định rất lớn đến thái độ xử trí biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh; có nghĩa là ung thư chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị có kết quả. Tầm quan trọng và yêu cầu cần thiết của việc chẩn đoán xác định sớm ung thư phải được các nhà khoa học cũng như cộng đồng quan tâm trong khi những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư ngày càng đáng lo ngại.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh