Thực tế cho thấy, bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng với nhiều mức độ khác nhau. Do đó, việc hiểu rõ những nguyên nhân gây nên tình trạng này chính là cách hữu ích nhất để nắm được biện pháp phòng ngừa sớm và tăng cường sức khỏe thần kinh, giúp phục hồi trí nhớ hiệu quả.
Suy giảm trí nhớ là hiện tượng não bộ của con người bị suy giảm chức năng hoặc quá trình vận chuyển những thông tin và trí nhớ về vỏ não bị ngưng trệ. Bệnh này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: hội chứng suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, chứng suy giảm trí nhớ, suy giảm chức năng nhận thức…
Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 85% người trẻ dưới 50 tuổi ít nhất đang gặp phải một vấn đề về trí nhớ kém. Trong đó, có đến 20-30% ở người dưới 30 tuổi, phần còn lại tập trung ở độ tuổi trung niên. Các số liệu trên cho thấy đây là một thực trạng đáng báo động bởi có đến 50% người trẻ bị suy giảm trí nhớ sẽ gặp hội chứng sa sút trí tuệ ở người già, đặc biệt trong số đó chính là căn bệnh Alzheimer.
Một trong các nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ ở những người trẻ tuổi hay gặp chính là do tác động của các gốc tự do, được sinh ra trong quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể. Các gốc tự do này thường tác động lên những mô chứa nhiều lipid, đặc biệt là não – nơi chiếm khoảng 60% lipid của cơ thể.
Do đó, ở người trẻ, các hoạt động chuyển hóa diễn ra mạnh mẽ sẽ sản sinh nhiều gốc tự do và dẫn đến tăng nguy cơ gây hư hỏng các tế bào thần kinh. Cuối cùng là não bộ bị tổn thương và gây nên triệu chứng suy giảm trí nhớ.
Cuộc sống của người trẻ đa phần sẽ gặp rất nhiều áp lực từ chuyện công việc, học hành, hoặc đối diện với tình trạng thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm… dễ dẫn đến stress. Việc thần kinh bị căng thẳng làm chúng ta khó tập trung bởi lúc này tình trạng stress sẽ tác động trực tiếp lên trung tâm thần kinh nhận thức và làm giảm tốc độ phản ứng với sự vật. Từ đó, khiến con người khó tập trung suy nghĩ, dễ bị phân tán tư tưởng và giải quyết một cách chậm chạp vấn đề đang gặp phải. Nếu để tình trạng này lâu dài sẽ làm não bộ bị suy giảm chức năng và trí nhớ sa sút dần.
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe. Ngủ là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo lại năng lượng và đào thải độc tố. Đồng thời, lúc này sóng não sẽ được tạo ra để lưu trữ các thông tin khi ngủ và chuyển thông tin đó đến vỏ não trước trán, sau đó lưu giữ ký ức tại đây.
Tình trạng thiếu ngủ, hoặc ngủ không đủ giấc sẽ làm luồng thông tin về vỏ não trước trán bị ngưng trệ và gây nên mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên. Nhu cầu giấc ngủ của mỗi người là khoảng từ 7-8 tiếng một ngày. Cùng với đó, chất lượng giấc ngủ phải đủ sâu, sau khi ngủ cơ thể phải tỉnh táo không mệt mỏi và phải loại bỏ những ảnh hưởng của tác động bên ngoài.
Do đó, muốn có một giấc ngủ tốt, giúp cơ thể lưu trữ ký ức hiệu quả thì chúng ta cần biết cách loại bỏ các áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Khi đó, não bộ sẽ được phục hồi, các nguy cơ tổn thương não, suy giảm trí nhớ cũng được loại bỏ theo.
Khi cơ thể phải làm quá nhiều việc cùng lúc, bộ não bị quá tải, khiến não bộ căng thẳng nếu điều này diễn ra trong một thời gian dài khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, lâu dần gây suy giảm trí nhớ. Tốt nhất bạn nên xây dựng cho mình kế hoạch làm việc khoa học, phân bổ công việc hợp lý để đầu óc có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Dinh dưỡng cũng là yếu tố không thể thiếu cho một bộ não khỏe mạnh. Các vấn đề như thiếu máu do thiếu sắt sẽ làm chúng ta mệt mỏi, chóng mặt, cộng với các áp lực trong cuộc sống cũng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ cho người trẻ.
Ngoài ra, một số khoáng chất, đặc biệt là các loại vitamin nhóm B (B1 và B12) khi thiếu hụt cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ của bạn. Vitamin B1 có vai trò giúp duy trì việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ và suy nghĩ của chúng ta. Khi bị thiếu hụt loại vitamin này sẽ gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff, gây mất trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn ở con người.
Khả năng ghi nhớ suy giảm cũng đồng thời khiến cho tư duy và suy nghĩ của bạn bị sa sút theo. Do đó, người bệnh thường sẽ phản ứng chậm với mọi thứ và không còn khả năng tiếp thu được nhanh nhạy các công việc hoặc bài học.
Những ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc bệnh suy giảm trí nhớ có thể biểu hiện ở những việc đơn giản như: đi ra ngoài quên mang chìa khóa, không nhớ đồ đạc để ở đâu… Lâu dần làm người bệnh bị thay đổi tâm trạng và hành vi, cảm xúc (cáu gắt, khó chịu,…) và ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.
Các chuyên gia khẳng định nếu tình trạng suy giảm trí nhớ của người trẻ không được giải quyết kịp thời thì trong vòng 3 năm, bạn có thể sẽ chuyển sang giai đoạn sa sút trí tuệ.
Bởi lúc đó, não bộ đã mất dần khả năng điều khiển các cơ quan chức năng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Khi đã bị sa sút trí tuệ, các tế bào não sẽ bị tổn thương và không còn khả năng phục hồi. Bao gồm: teo não, chết tế bào não, tổn thương mạch máu não hoặc tổn thương chất trắng.
Khi tình trạng suy giảm trí nhớ chưa diễn ra nghiêm trọng, bạn cần có biện pháp can thiệp từ sớm để ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt, cần thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn như:
– Tập luyện thể dục, thể thao giúp thúc đẩy hệ tuần hoàn, hô hấp, tăng cường oxy và dinh dưỡng cho não bộ.
– Hạn chế các nguy cơ gây căng thẳng, stress bằng cách thiền, yoga… Các hoạt động thể chất nhẹ nhàng này giúp lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể, đặc biệt là máu nuôi não bộ và giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế những loại thực phẩm chứa nhiều Carbohydrate và đường, chất kích thích. Thay vào đó là sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh cho bộ não như cá biển, nấm, sữa, ngũ cốc, trứng,…
– Rèn luyện ghi nhớ bằng các trò chơi trí tuệ 15 – 30 phút mỗi ngày thay vì lãng phí quá nhiều thời gian trên mạng xã hội.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là hệ thần kinh để phát hiện sớm, phòng ngừa bệnh lý thần kinh có thể làm suy giảm trí nhớ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Có thể thấy suy giảm trí nhớ ở người trẻ gây ra rất nhiều hệ lụy cho cuộc sống, công việc của người bệnh. Đừng đợi đến khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng mà hãy quan tâm chăm sóc sức khỏe hệ thần kinh ngay từ bây giờ bằng cách thăm khám thường xuyên tại các chuyên khoa nội thần kinh nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh