✴️ Có nên khám tầm soát ung thư?

1. Khái niệm tầm soát ung thư

Tầm soát ung thư là quy trình sử dụng các phương pháp khám lâm sàng và xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn chưa có triệu chứng lâm sàng. Phát hiện sớm giúp can thiệp điều trị kịp thời, tăng khả năng khỏi bệnh và cải thiện đáng kể tiên lượng sống.

Có nên khám tầm soát ung thư?

Khám tầm soát ung thư là thực hiện các bước thăm khám và xét nghiệm từ cơ bản tới chuyên sâu nhằm phát hiện sớm bất thường trong cơ thể

2. Ai nên tầm soát ung thư?

Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, việc tầm soát ung thư nên được thực hiện định kỳ cho mọi đối tượng trưởng thành, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, bao gồm:

  • Người từ 40 tuổi trở lên (cả nam và nữ).

  • Người có tiền sử gia đình mắc ung thư.

  • Người có thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia thường xuyên.

  • Người có chế độ ăn không lành mạnh: ít chất xơ, giàu chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm lên men hoặc chứa nitrit/nitrat.

  • Người mắc các bệnh mạn tính: viêm gan B/C (nguy cơ ung thư gan), viêm loét dạ dày (ung thư dạ dày), viêm đại tràng (ung thư đại trực tràng), polyp đại trực tràng, bệnh Crohn,...

  • Người có biểu hiện bất thường kéo dài như: đau bụng, đi ngoài ra máu, sút cân không rõ nguyên nhân, ho kéo dài, ho ra máu, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục,…

Có nên khám tầm soát ung thư?

Khi có bất thường trong cơ thể hoặc nhiễm các bệnh mạn tính như viêm gan B, C… bạn cần tiến hành tầm soát ung thư càng sớm càng tốt

3. Lợi ích của tầm soát ung thư

  • Phát hiện sớm ung thư ngay từ khi chưa có biểu hiện lâm sàng.

  • Tăng tỷ lệ sống và khả năng điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

  • Giảm chi phí điều trị so với phát hiện ở giai đoạn muộn.

  • Chủ động kiểm soát nguy cơ bệnh tật, đặc biệt ở nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao.

4. Các xét nghiệm thường dùng trong tầm soát ung thư

a. Xét nghiệm máu

  • Dấu ấn ung thư (tumor markers):

    • CA 125: tầm soát ung thư buồng trứng

    • CA 19-9: ung thư tuyến tụy, đường mật

    • CEA: ung thư đại trực tràng, phổi

    • AFP: ung thư gan

    • PSA: ung thư tuyến tiền liệt

b. Xét nghiệm phân

  • Tìm máu ẩn trong phân: phát hiện sớm tổn thương đại trực tràng, polyp hoặc ung thư.

c. Xét nghiệm tế bào học

  • Pap smear (Papanicolaou) và HPV test: tầm soát ung thư cổ tử cung.

5. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và can thiệp hỗ trợ tầm soát

  • Siêu âm ổ bụng, tuyến giáp, tuyến vú: phát hiện khối bất thường.

  • Nội soi tai – mũi – họng, thực quản – dạ dày – đại trực tràng: phát hiện tổn thương niêm mạc, polyp, loét...

  • Chụp X-quang, nhũ ảnh (mammography): tầm soát ung thư vú, phổi.

  • Chụp cắt lớp (CT), cộng hưởng từ (MRI): đánh giá giai đoạn bệnh và phát hiện di căn.

  • Sinh thiết: xác định tính chất tổn thương lành hay ác tính (bắt buộc nếu nghi ngờ ung thư).

6. Tỷ lệ sống nếu được phát hiện sớm

Việc phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa sống còn. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở một số ung thư nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm:

Loại ung thư Tỷ lệ sống sau 5 năm (%)
Ung thư da 100%
Ung thư tuyến tiền liệt 100%
Ung thư tuyến giáp 99%
Ung thư cổ tử cung 93%
Ung thư buồng trứng 94%
Ung thư vú 92%
Ung thư đại trực tràng 90%

Ngược lại, nếu phát hiện muộn khi đã có di căn, tỷ lệ sống giảm mạnh và việc điều trị chỉ mang tính kiểm soát triệu chứng, giảm nhẹ đau đớn và kéo dài thời gian sống.

7. Kết luận và khuyến nghị

Tầm soát ung thư định kỳ là một biện pháp y học dự phòng hiện đại, hiệu quả và cần thiết. Mỗi người trưởng thành, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, cần chủ động kiểm tra sức khỏe tổng quát và thực hiện các xét nghiệm tầm soát phù hợp theo độ tuổi, giới tính và tiền sử bệnh cá nhân – gia đình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top