✴️ SILENT SINUS SYNDROME: Hội chứng teo nhỏ xoang hàm kèm với tụt nhãn cầu cùng bên

Nội dung

Hội chứng xoang yên lặng (Silent sinus syndrome) là một bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm xoang hàm mạn tính không triệu chứng gây sụp của sàn ổ mắt, hậu quả làm tụt hoặc hạ thấp nhãn cầu thứ phát (2). Bác sĩ Montgomery là người đầu tiên báo cáo 2 trường hợp hội chứng xoang yên lặng với triệu chứng song thị và tụt lõm mắt liên quan đến sự biến dạng xoang hàm (3). Năm 1997, Kass đề xuất tên “bệnh xẹp xoang hàm mạn tính” (chronic maxillary atelectasis – CMA) và phân chia thành ba giai đoạn, với giai đoạn I và II mô tả sự biến dạng của xoang hàm mà chưa ảnh hưởng đến hốc mắt, giai đoạn thứ ba của CMA tương ứng với biểu hiện lâm sàng biến dạng hốc mắt theo định nghĩa của hội chứng xoang yên lặng (1). Bệnh thường gặp ở độ tuổi 30 và 40, tỉ lệ mắc ở nam và nữ ngang nhau, cũng như tỉ lệ mắc bệnh so sánh giữa bên phải và bên trái tương đương nhau (4).

Nguyên nhân được cho là do tắc nghẽn lổ thông xoang hàm => lõm thành xoang hàm=> kéo sàn hốc mắt về xoang hàm => tụt nhãn cầu vào trong. Thường không có triệu chứng viêm xoang hay đau đầu ( do đó mới gọi là silent ) .Tụt nhãn cầu vào trong diễn tiến chậm. Bệnh nhân có thể đi khám do thấy mặt không đối xứng.

CT thường dễ chẩn đoán nếu có nghĩ đến nó:

  • Giảm thể tích xoang hàm, co rút tất cả các thành của xoang hàm. Xoang hàm có hình ảnh giống viêm xoang hàm mạn tính, tổn thương mô trong xoang có có thể đậm độ hơi cao ( lâm sàng hay chẩn đoán viêm xoang hàm do nấm)

  • Sàn hốc mắt cùng bên lõm xuống, nhãn cầu tụt tùy mức độ

  • Mỏm móc cùng bên thường dựng đứng và dính vào thành trong hốc mắt. Khe mũi giữa cùng bên có thể rộng. Có thể có biến dạng cuốn mũi giữa, hay vẹo vách ngăn sang cùng bên

  • Khoảng mỡ sau xoang hàm và vùng hố chân bướm khẩu cái cùng bên rộng

+ Phân biệt với kém phát triển xoang hàm (Maxillary sius hypoplasia) : sẽ có những vùng xương xoang hàm dày do không thông khí, nhất là vùng mỏm gò má xương hàm trên và vùng đáy xoang hàm.

TLTK

  1. Salman S, Weber AL, Kass ES, Rubin PA, Montgomery WW. Chronic maxillary atelectasis. Annals of Otology, Rhinology & Laryngology. 1997;106(2):109-16.
  2. Soparkar CN, Patrinely JR, Cuaycong MJ, Dailey RA, Kersten RC, Rubin PA, et al. The silent sinus syndrome: a cause of spontaneous enophthalmos. Ophthalmology. 1994;101(4):772-8.
  3. Montgomery W. Mucoceles of the maxillary sinus causing enophthalmos. Eye Ear Nose Throat Mon. 1964;43:41-4.
  4. Soparkar CN, Patrinely JR, Davidson JK. Silent sinus syndrome—new perspectives? Ophthalmology. 2004;111(2):414-5.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top