✴️ Bệnh thần kinh do đái tháo đường: Cách phát hiện và hướng điều trị

Bệnh thần kinh do đái tháo đường là một biến chứng của bệnh đái tháo đường dẫn đến tổn thương hệ thần kinh. Đây là bệnh lý có xu hướng tiến triển và các triệu chứng sẽ ngày càng xấu đi theo thời gian.

Bệnh lý thần kinh xảy ra khi lượng chất béo hoặc lượng đường tăng cao trong máu làm tổn thương đến các dây thần kinh. Nó có thể ảnh hưởng đến hầu như tất cả các dây thần kinh trong cơ thể, với một loạt các triệu chứng.

Biểu hiện của bệnh thần kinh do đái tháo đường

Không phải tất cả các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên đều có thể nhìn thấy, nhưng mọi người nên lưu ý về bất kỳ vết thương trên cơ thể, nhất là vùng chân của mình.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra bàn chân để đánh giá:

  • Phản xạ mắt cá chân;
  • Mất cảm giác;
  • Thay đổi tính chất da;
  • Thay đổi màu da.

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm kiểm tra huyết áp và những thay đổi bất thường nếu có của nhịp tim. Nếu có nghi ngờ bệnh thần kinh do đái tháo đường, các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:

  • Đo điện cơ (EMG), ghi lại hoạt động điện trong cơ;
  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh (NCV) ghi lại tốc độ mà tín hiệu cảm ứng đi qua các dây thần kinh.

Điều trị

Hầu hết các loại bệnh thần kinh do đái tháo đường đều diễn biến ngày càng xấu hơn. Điều đầu tiên đối với những người mắc bất kỳ loại bệnh thần kinh nào là đưa lượng đường trong máu về ngưỡng mục tiêu đã được bác sĩ đề ra và kiểm soát huyết áp và mức cholesterol trong máu.

Quản lý tốt nồng độ glucose sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh thần kinh do đái tháo đường. Một phần quan trọng khác của quá trình điều trị là tập trung vào việc giảm đau và kiểm soát các triệu chứng. Bên cạnh các phương pháp điều trị chính thì một số loại thuốc và các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp kiểm soát cơn đau của bệnh thần kinh đái tháo đường. Tuy nhiên, việc này không thể làm phục hồi được các dây thần kinh.

Nên tránh hoặc ngừng hút thuốc và hạn chế uống rượu, tối đa là một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.

Biện pháp dùng thuốc

Các loại thuốc có thể giúp kiểm soát cơn đau bao gồm:

  • Thuốc chống co giật;
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng;
  • Thuốc giảm đau có chứa opioid và không chứa opioid.

Sử dụng opioid có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc, vì vậy bác sĩ nên kê đơn với liều lượng càng thấp càng tốt.

Người bị bệnh thần kinh do đái tháo đường có thể sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm khác, chẳng hạn như chất ức chế serotonin-norepinephrine, để điều trị trúng đích các nguyên nhân gây đau khác ở bệnh thần kinh do đái tháo đường.

Các loại kem bôi ngoài da và một số thực phẩm bổ sung, chẳng hạn như ALA hoặc capsaicin tại chỗ, cũng có thể giúp giảm đau.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu, được sử dụng kết hợp với thuốc, có thể giúp giảm đau và giảm nguy cơ phụ thuộc vào opioid. Ngoài ra cũng có thể giúp xoa dịu:

  • Cảm giác nóng bừng và ngứa châm chích ở chân và bàn chân;
  • Chuột rút;
  • Yếu cơ;
  • Rối loạn các khả năng liên quan đến tình dục.

Kích thích thần kinh bằng xung điện là một loại vật lý trị liệu không đau có thể giúp giảm cảm giác cứng đờ và tăng cường chữa lành vết loét ở bàn chân.

Vật lý trị liệu

Luyện tập dáng đi bao gồm việc tập lại cách đi bộ. Nó giúp ngăn ngừa và ổn định các biến chứng ở chân, chẳng hạn như loét và chấn thương. Loại hình tái luyện tập thể chất này rất quan trọng đối với những người sử dụng chi giả sau khi bị cắt cụt chi do biến chứng thần kinh đái tháo đường gây ra.

Nhà trị liệu vật lý tốt sẽ đảm bảo rằng các bài tập cho người bị bệnh thần kinh đái tháo đường không làm tổn thương đến bàn chân, vốn rất nhạy cảm đối với những người bệnh này.

Các liệu pháp khác bao gồm sử dụng các thiết bị để giữ cho các chi bị đau hoặc nhạy cảm không va chạm vào giường hoặc ghế.

Các chuyên gia về nắn chỉnh xương khớp, hệ thần kinh, trị liệu xoa bóp có thể thực hiện các động tác xoa bóp một cách thường xuyên hoặc liệu pháp thủ công để kéo căng cơ. Xoa bóp có thể đẩy lùi các cơn co rút, co thắt và teo cơ do cấp máu kém.

Các hoạt động đặc biệt khác, chẳng hạn như bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu, có thể giúp phát triển và duy trì sức mạnh cơ bắp và giảm thiểu việc mất một khối lượng cơ nhất định.

Siêu âm trị liệu là một loại vật lý trị liệu khác sử dụng sóng âm tần số rất cao để kích thích các mô bên dưới da. Điều này có thể giúp một số người phục hồi cảm giác ở bàn chân.

Các biến chứng

Bệnh thần kinh do đái tháo đường có thể góp phần gây ra một số biến chứng nguy cơ cao, từ thay đổi tần số tim đến rối loạn thị giác.

Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm cả mất cảm giác ở bàn chân. Điều này có thể khiến người bệnh không thể cảm nhận được vết cắt hoặc vết loét, và kết quả là nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng ở chi không được điều trị có thể dẫn đến việc phải cắt cụt chi.

Các nhiễm trùng nặng ở bàng quang và thận cũng có thể xảy ra, gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường, việc chăm sóc bàn chân đúng cách là điều cần thiết.

Những người bị tình trạng này nên kiểm tra bàn chân của mình mỗi ngày để tìm vết thương hoặc vết loét.

Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về chân ở những người đang bị một số loại bệnh thần kinh do đái tháo đường. Các chuyên gia trị liệu về bàn chân sẽ hướng dẫn giúp bạn cách chăm sóc chân và nhà tư vấn chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra lời khuyên về việc bỏ thuốc lá.

Tóm lại

Bệnh thần kinh do đái tháo đường là một loại tổn thương thần kinh xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Có bốn loại: bệnh thần kinh tự chủ, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh gốc và bệnh thần kinh khu trú.

Mỗi loại ảnh hưởng đến một nhóm dây thần kinh khác nhau và có một loạt các tác động khác nhau. Bệnh thần kinh tự chủ tác động đến các quá trình tự động trong cơ thể, chẳng hạn như việc tiêu hóa. Bệnh thần kinh ngoại biên làm tổn thương các dây thần kinh ở ngón chân, ngón tay, bàn tay và bàn chân.

Điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu và thuốc để kiểm soát cơn đau và dẫn truyền thần kinh.

Vì những người bị bệnh thần kinh do đái tháo đường có xu hướng không cảm nhận được vết thương ở bàn chân, nên việc kiểm tra bàn chân thường xuyên là cần thiết để tránh bị nhiễm trùng mà không phát hiện được và có thể dẫn đến mất các chi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top