✴️ U vú là gì?

Một khối u ở vú là hiện tượng sưng, nhô ra, phồng lên hoặc nổi lên ở vú và có cảm giác khác với mô vú xung quanh khối sưng hoặc với mô vú ở cùng một vùng của vú bên còn lại.

Có nhiều lý do khác nhau khiến các khối u ở vú phát triển.

Các nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng, chấn thương, u sợi tuyến, nang, hoại tử mỡ hoặc u xơ vú. Khối u vú có thể xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng thường gặp ở nữ nhiều hơn. Một số khối u là ung thư nhưng phần lớn lại không phải.

Trong bài viết này, chúng ra sẽ tìm hiểu về các loại u vú và cách chúng xuất hiện.

Mặc dù điều này có thể giúp bạn hiểu khối u đó có khả năng là ung thư không nhưng bạn vẫn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra khối u vú chưa rõ nguyên nhân. Một số khối u lành tính cần được điều trị và ung thư vú không xuất hiện theo cách giống nhau ở tất cả mọi người.

 

Nguyên nhân

Vú của phụ nữ bao gồm các loại mô khác nhau. Hai loại chính là tuyến sữa là nơi sản xuất sữa và ống dẫn sữa để sữa đi qua đến núm vú.

Vú cũng chứa các mô liên kết dạng sợi, mô mỡ, dây thần kinh, mạch máu và các hạch bạch huyết.

Thành phần mô vú có thể thay đổi tùy theo chức năng. Ví dụ, trong thời kỳ cho con bú, bầu ngực sẽ thay đổi. Ngực cũng có thể thay đổi trong suốt chu kỳ hàng tháng.

Mỗi phần của vú có thể phản ứng theo những cách khác nhau với những thay đổi hóa học của cơ thể. Những thay đổi này tác động đến cảm giác và kết cấu của vú, ảnh hưởng đến sự phát triển của các khối u ở vú.

Các nguyên nhân của khối u vú có thể là:

  • Nang;

  • Áp xe, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, ví dụ như viêm vú;

  • U sợi tuyến;

  • U nhú trong lòng ống tuyến vú;

  • Hoại tử mỡ;

  • U mỡ;

  • Ung thư vú;

  • Nữ hóa tuyến vú, ở nam giới, là tình trạng sưng ở mô vú.

Một số khối u vú có vè có đường viền rõ rang, trong khi những khối u khác có thể có cảm giác như một vùng mô dày lên. Tiết dịch núm vú có thể xảy ra ở một số khối u.

 

Phân loại và triệu chứng

Khối u ở vú có thể phát triển vì nhiều lý do, ung thư hoặc không phải ung thư. Các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân.

Khối u không phải ung thư

Kích thước, cảm giác và kết cấu của khối u vú có thể khác nhau đáng kể. Mật dộ có thể giúp bác sĩ chẩn đoán khối u loại gì.

Nang vú

Một nang vú là một túi chứa dịch lành tính hoặc không phải ung thư ở vú. Chúng thường ảnh hưởng đến phụ nữ độ tuổi từ 30-50 tuổi và hiếm khi gặp sau mãn kinh.

Bệnh có thể không gây triệu chứng hoặc bạn có thể nhận thấy:

  • Một khối u mật độ đồng nhất và cứng như cao su dưới da;

  • Đau;

  • Tiết dịch núm vú.

Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nang vú nhưng bệnh có thể tiến triển để phản ứng với các hormone liên quan đến giai đọan kinh nguyệt.

Nang có thể đơn giản hoặc phức tạp. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu loại bỏ nang bằng cách chọc hút, một dạng phẫu thuật.

Rất hiếm khi u nang có các thành phần cứng tái phát sau khi chọc hút có liên quan đến ung thư vú tiềm ẩn.

Áp xe

Áp xe đôi khi xảy ra ở vú, đặc biệt trong thời kỳ cho con bú. Chúng không phải ung thư và thường do nhiễm trùng vi khuẩn, như viêm vú.

Bạn có thể nhận thấy:

  • Một khối u;

  • Đau và sưng;

  • Đỏ ở vùng da lân cận nếu da nhợt nhạt hoặc vùng da sẫm màu hơn;

  • Nóng ở vùng gần khối áp xe;

  • Tiết dịch núm vú;

  • Buồn nôn và nôn;

  • Sốt

  • Sưng hạch bạch huyết.

Phương pháp điều trị thường sẽ gồm:

  • Rạch áp xe;

  • Sử dụng kháng sinh;

  • Dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen, để kiểm soát cơn đau và tình trạng viêm.

Nếu một áp xe vú xảy ra khi bạn đang không cho con bú, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để loại trừ ung thư vú.

U sợi tuyến vú

U sợi tuyến vú là một sự phát triển bất thường của mô tuyến trong vú.

Nó là một khối u lành tính với các đặc điểm sau:

  • Một khối tròn, cứng như cao su, nhô lên;

  • Đường viền rõ ràng;

  • Không đau;

  • Thường xuất hiện ở nữ từ 14-35 tuổi nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

U sợi tuyến thường co lại và biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn có một khối u sợi tuyến lớn thì có thể loại bỏ khối u bằng phẫu thuật.

U nhú trong lòng ống tuyến

U nhú trong lòng ống tuyến là một loại u lành tính. Chúng giống như mụn cơm phát triển trong các ống dẫn sữa.

Chúng thường:

  • Tạo thành một khối tròn hoặc bầu dục;

  • Phát triển phía dưới núm vú;

  • Tiết dịch trong suốt hoặc có máu.

Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ u nhú trong lòng ống tuyến vú. Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra mô để loại trừ sự phát triển bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư, một khối u Phyllodes hoặc các tổn thương khác.

Hoại tử mỡ

Hoại tử mỡ xảy ra khi mô mỡ ở vú không nhận đủ oxy, từ đó bị tổn thương và hoại tử. Tình trạng này có thể xảy ra sau phẫu thuật tái tạo ngực, chấn thương, sinh thiết và một số phương pháp điều trị y khoa.

Có thể có các triệu chứng sau:

  • Các khối u do nang dầu, có vỏ cứng và mỡ hoặc dầu ở trung tâm;

  • Thay đổi hình dạng vú;

  • Đau trong một số trường hợp.

U mỡ

U mỡ là một khối u lành tính, có thể có các đặc điểm sau:

  • Mềm;

  • Di động;

  • Không đau.

U mỡ có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, kể cả vú. U mỡ thường không cần điều trị.

Khối u ung thư

Khối u ung thư vú có thể xuất hiện ở vú hoặc dưới nách.

Các dấu hiệu cảnh báo gồm:

  • Một khối u, dày hoặc sưng lên ở vú;

  • Kích ứng da hoặc da nhăn nheo;

  • Bong tróc da trên vú hoặc xung quanh núm vú, da có màu đỏ hoặc sậm màu hơn vùng da xung quanh;

  • Đau núm vú;

  • Tụt núm vú;

  • Tiết dịch, có thể có máu;

  • Thay đổi về kích thước hoặc hình dạng của vú;

  • Đau bất cứ nơi nào ở vú, mặc dù thường không đau.

Một số người không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nhưng làm theo khuyến nghị của bác sĩ về việc tầm soát bệnh có thể giúp xác định ung thư vú nếu có.

Các triệu chứng của ung thư vú có thể giống với các triệu chứng của các khối u vú khác. Tốt hơn hết bạn nên khám bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nào ở vú.

Phân loại và triệu chứng

 

Kiểm tra khối u

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không khuyến khích tự kiểm tra là một phần của quy trình tầm soát ung thư vú. Tuy nhiên, cần phải nhận biết được bất kỳ thay đổi nào ở vùng ngực.

Hình ảnh dưới đây miêu tả 5 bước tự kiểm tra vú.

Quan trọng là phải hiểu rõ bầu ngực của mình. Hiểu được cảm giác bình thường của vú có thể giúp bạn nhận ra bất kỳ thay đổi nào có vấn đề hoặc khối u.

Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp mọi người tự kiểm tra.

  1. Nhìn vào gương, kiểm tra kích thước, hình dạng và màu sắc, cũng như tìm những chỗ sưng hoặc nhô lên có thể nhìn thấy được.

  2. Đưa tay lên cao và lặp lại bước 1.

  3. Kiểm tra dịch tiết từ núm vú, có thể loãng, trắng đục, màu vàng hoặc có máu.

  4. Cảm nhận bầu ngực với động tác nhẹ nhàng, chắc chắn khi nằm xuống, bao gồm cả dưới cánh tay và xuống dưới khung sườn.

  5. Lặp lại bước 4 khi đứng hoặc ngồi. Có thể thực hiện dễ hơn khi tắm.

Mặc dù hầu hết các khối u là lành tính nhưng bạn nên đến khám bác sĩ nếu nhận thấy bất cứ điều gì bất thường.

 

Các thủ thuật giúp chẩn đoán

Nếu bạn muốn khám u vú, bạn có thể phải thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

  • Khám sức khỏe;

  • Chụp nhũ ảnh;

  • Siêu âm vú;

  • Sinh thiết vú để loại trừ ung thư;

  • Chụp MRI hoặc CT để xem có những thay đổi nào xảy ra ở những nơi khác trong cơ thể hay không.

 

Khối u ở nam giới

Đàn ông cũng có thể có khối u ở vú với những nguyên nhân tương tự ở phụ nữ. Trong một số trường hợp, khối u có thể là ung thư vú ở nam giới.

Tuy nhiên, khả năng khối u là ác tính thấp hơn ở nam giới.

Đàn ông da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 100 lần so với phụ nữ da trắng. Tuy nhiên, đối với đàn ông da đen, khả năng mắc ung thư vú thấp hơn khoảng 70 lần do với phụ nữ da đen.

Nhìn chung, nguy cơ nam giới bị ung thư vú trong suốt cuộc đời của họ là khoảng 1/833.

Những nguyên nhân khác khiến nam giới có khối u hay phì đại vú bao gồm:

  • Nữ hóa tuyến vú, khi các mô vú phì đại do tình trạng sức khỏe hay do sử dụng thuốc

  • Một nang hay u chứa dịch;

  • U mỡ;

  • U tuyến, là khối u lành tính và ít gặp ở nam giới hơn nữ giới;

  • Áp xe dưới quầng vú, một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp ở nam giới;

  • Hoại tử mỡ ở vú, cũng hiếm gặp ở nam giới.

Người da đen – nam hoặc nữ - có nhiều khả năng tử vong do ung thư vú nhiều hơn người da trắng.

 

Ung thư vú ở người chuyển giới

Một số nghiên cứu cho thấy ung thư vú thường gặp ở người chuyển giới nữ hơn là người hợp giới nam, có thể do việc sử dụng hormone giúp vú phát triển. Tuy nhiên, nguy cơ ở người chuyển giới nữ có vẻ thấp hơn so với người hợp giới nữ.

Người chuyển giới nữ nên làm quen với bộ ngực của mình và đến khám bác sĩ nếu có những thay đổi không bất ngờ xảy ra.

 

Khi nào cần đến khám bác sĩ

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nhận thấy:

  • Một khối u ở vú hoặc dưới nách;

  • Thay đổi ở núm vú, như tụt núm vú hay tiết dịch;

  • Vùng da ở vú nhăn nheo.

Lực lượng đặc biệt về Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (UPSTF) khuyến cáo phụ nữ nên tầm soát kiểm tra vú từ 50 tuổi hoặc sớm hơn nếu họ lo lắng về nguy cơ mắc ung thư vú. Một số người bắt đầu từ 40 tuổi vì có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc cảm thấy lợi ích nhiều hơn nguy cơ.

Một số tổ chức khác có thể đưa ra những khuyến nghị khác.

 

Điều trị

Bác sĩ nên kiểm tra các khối u không rõ nguyên nhân nhưng không phải tất cả khối u đều cần điều trị ngay lập tức.

Đối với một nang hay u sợi, bác sĩ có thể đề nghị đánh giá khối u nhưng không làm gì thêm.

Nếu đây là một áp xe, bác sĩ có thể chích hút dịch bằng kim nhỏ và kê đơn thuốc kháng sinh.

Nếu có ung thư, việc điều trị thường kết hợp:

  • Phẫu thuật;

  • Hóa trị;

  • Xạ trị;

  • Điều trị thuốc hormone.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm tìm sự thay đổi ở gen BRCA1 hoặc BRCA2. Nếu có sự thay đổi gen này và ung thư vú đã xảy ra, thì phẫu thuật phòng ngừa có thể giúp ngăn ngừa tái phát. Các thành viên khác trong gia đình cũng có thể khám tầm soát thêm.

 

Các câu hỏi thường được hỏi

Sau đây là một số câu hỏi mọi người thường hỏi về u vú

Loại u ở vú nào là bình thường?

Vú có thể to hơn một chút ngay trước kì kinh nguyệt và có thể có cảm giác nhô lên. Chúng cũng thay đổi khi mang thai và cho con bú. Một số loại u, chẳng hạn như u nang, rất phổ biến.

Loại u vú nào bạn nên lo lắng?

Bạn nên đến khám bác sĩ về những thay đổi mới hoặc bất thường ở vú, như khối u hoặc bất cứ thay đổi nào khiến bạn lo lắng. Nếu đau và có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức.

Khối u ung thư vú có cảm giác gì?

Không phải lúc nào bạn cũng có thể biết được một khối u có phải ung thư hay không bằng cách cảm nhận nó. Một số người không có u. Họ cảm thấy mô vú dày lên hoặc có những thay đổi khác, như núm vú bị tụt vào trong. Hãy đến khám bác sĩ để kiểm tra những thay đổi không rõ nguyên nhân ở vú.

 

Tóm tắt

Khối u ở vú có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Chúng có thể xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng thường gặp ở phụ nữ. Đôi khi, một khối hoặc một thay đổi nào đó có thể là dấu hiệu của ung thư, mặc dù phần lớn các khối u không phải u ác tính. Một số người mắc ung thư vú không có u nhưng có thể có những thay đổi khác.

Hãy đến khám bác sĩ nếu lo lắng về khối u hoặc các thay đổi ở vú. Kể cả khi khối u không phải ung thư, bạn có thể cần được điều trị. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top