✴️ Đau nửa đầu trên đỉnh cảnh giác bệnh lý nguy hiểm

Nội dung

1. Đau nửa đầu trên đỉnh và biểu hiện

1.1 Đau nửa đầu trên đỉnh là gì?

Đau nửa đầu có thể được gọi là bệnh trong trường hợp bị đau nửa đầu Migraine (đau đầu vận mạch). Nhưng phần lớn đây là triệu chứng của 1 bệnh nào đó hoặc phản ứng của cơ thể trước những tác động bên ngoài.

Đau nửa đầu trên đỉnh hay còn gọi là đau đỉnh đầu có thể là biểu hiện của một bệnh lý về thần kinh, não bộ, hoặc các bệnh lý khác. Đó cũng có thể là phản ứng của cơ thể trước sự thay đổi môi trường bên ngoài.

1.2 Biểu hiện cơn đau nửa trên đỉnh đầu

Cơn đau ở đỉnh đầu có thể đột ngột dữ dội hoặc âm ỉ, kéo dài. Nhiều người than phiền đau nửa đầu kèm hiện tượng giật như mạch đập ở phần phía sau đỉnh đầu, nhiều lúc có cảm giác đau buốt. Cơn đau khiến người bệnh khó chịu, chóng mặt, nếu nghỉ ngơi thư giãn các triệu chứng sẽ đỡ hơn nhưng có thể tái đi tái lại bất cứ lúc nào nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, hiệu quả.

Cơn đau khiến người bệnh khó chịu, chóng mặt, nếu nghỉ ngơi thư giãn các triệu chứng sẽ đỡ hơn.

 

2. Nguyên nhân gây đau đầu trên đỉnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đỉnh đầu. Sau đây là một số trường hợp hay gặp phải:

2.1 Đau đầu do thay đổi thời tiết

Thời tiết thay đổi đặc biệt là vào những lúc giao mùa: lúc nóng, lúc lạnh, mưa nắng thất thường,… gây đau vùng trán, vùng đỉnh đầu, đau hai hốc mắt, đau vùng 2 cung lông mày. Cơn đau có thể dữ dội kéo dài 10-20 phút hoặc âm ỉ kéo dài nhiều giờ, người mệt mỏi, có trường hợp phát sốt, nặng hơn có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn. Trường hợp này nếu uống thuốc giảm đau bệnh chỉ giảm đôi chút, rồi sau đó lại đau. Đau đầu do nguyên nhân thời tiết có thể tái phát nhiều đợt trong năm.

2.2 Đau đầu nửa đầu trên đỉnh do căng thẳng thần kinh

Hay còn gọi là đau đầu co cơ hoặc đau đầu tâm lý. Trường hợp này người bệnh chủ yếu đau ở hai bên đầu, cơn đau bắt đầu từ vùng dưới chẩm hoặc hai bên thái dương, rồi sau đó lan tỏa ra cả đầu. Đau thường xuyên, không có cảm giác đập theo nhịp mạch. Người bị đau đầu do căng thẳng thần kinh thường có cảm giác như đầu bị bó chặt lại từ thái dương hay vùng chẩm, vùng cổ, cơn đau có thể khởi phát từ từ, kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần. Trường hợp này rất hay gặp ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt là những người mắc các bệnh lý trầm cảm, lo âu, người dùng thuốc giảm đau kéo dài.

2.3 Đau nửa đầu migraine (đau đầu vận mạch)

Đây là bệnh đau nửa đầu do nguyên nhân mạch máu. Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, đau mệt bên và thường không có dấu hiệu báo trước. Đau đầu giật từng cơn theo nhịp mạch đập. Cơn đau có thể kèm hoa mắt, buồn nôn, nôn.

Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, đau mệt bên và thường không có dấu hiệu báo trước.

2.4 Đau đầu do viêm mũi xoang

Viêm mũi xoang đặc biệt là xoang trán khiến người bệnh cảm thấy đau hoặc như bị đè nặng ở vùng trán, hai bên má, mũi và giữa hai mắt, cơn đau có thể kèm theo sốt – nghẹt mũi, giảm chức năng khứu giác.

2.5 Cao huyết áp

Cap huyết áp cũng là một nguyên nhân gây cơn đau đỉnh đầu. Khi áp lực của dòng máu tăng lên, sẽ tác động mạnh vào các thành mạch làm xuất hiện nguy cơ xơ vữa động mạch, giãn mạch máu, từ đó gây ra triệu chứng đau nửa đầu trên đỉnh.

2.6 Thiếu máu não

Vì một lý do nào đó như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, làm việc quá sức, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, … có thể khiến người bệnh bị thiếu máu lên não. Trường hợp này bệnh nhân thường có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế. Cơn thiếu máu não thường gây đau ở đỉnh đầu, đau không dữ dội mà thường đau âm ỉ, nặng nề như có vật gì chèn vào đầu.

Ngoài ra, đau đỉnh đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân khác như mất ngủ, suy nhược thần kinh, cúm, … Để xử trí hiệu quả “cắt” cơn đau đỉnh đầu, cần tìm đúng nguyên nhân để điều trị hiệu quả, tránh cơn đau lại, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

 

3. Điều trị đau đỉnh đầu như thế nào?

Đau đầu chủ yếu được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Tùy thuộc vào từng trường hợp và nguyên nhân gây đau đầu là gì mà người bệnh có thể sử dụng thuốc có tác dụng cắt cơn hoặc dự phòng tái phát. Một số trường hợp đau đỉnh đầu xuất phát do các nguyên nhân về sọ não, người bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp giúp khôi phục hoạt động và chức năng của não. Tuy nhiên các phương pháp điều trị này phải được chỉ định bởi bác sĩ qua quá trình thăm khám.

Khi bị đau nửa đầu trên đỉnh, bạn tuyệt đối không được chủ quan. Đây có thể là “tín hiệu” cảnh báo các vấn đề về sức khỏe. Bạn nên đến chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám và có phương pháp điều trị hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên việc xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, hạn chế ăn những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt là nên rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày thông qua các bài tập thể dục phù hợp. Đồng thời, thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để theo dõi, phát hiện sớm bệnh lý nguy cơ. Từ đó lên kế hoạch phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu muốn được tư vấn điều trị hoặc đặt lịch khám, bạn vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top