Đa số bệnh nhân không có biểu hiện gì khác thường, vì tuy chảy máu có khi thường xuyên nhưng số lượng rất ít. Một số ít bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu vì tình trạng đi cầu ra máu kéo dài.
Có 2 triệu chứng chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh là chảy máu và sa trĩ. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác:
Triệu chứng này có sớm nhất và thường gặp. Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Về sau, mỗi khi đi cầu, bệnh nhân phải rặn nhiều do táo bón, máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đi cầu, đi đứng nhiều hoặc ngồi xổm thì máu lại chảy. Có khi máu chảy rất nhiều khiến bệnh nhân phải cấp cứu. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng sau đó bệnh nhân mới đi cầu ra nhiều máu cục.
Đây cũng là triệu chứng thường gặp. Tùy theo mức độ trĩ sa, mà bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu trĩ sa độ 1, độ 2 thì không gây phiền hà nhiều. Nếu trĩ sa độ 3, bệnh nhân rất khó chịu khi đi cầu, đi đứng nhiều, làm việc nặng. Trĩ sa đến độ 4, bệnh nhân thường xuyên khó chịu.
Búi trĩ có thể hoàn toàn không đau, hay bệnh nhân chỉ thấy cồm cộm, vương vướng nhưng cũng có thể gây đau thực sự và thường xảy ra khi:
– Tắc mạch: Những cục máu đông nhỏ xuất hiện bên trong búi trĩ. Khi tắc mạch, bệnh nhân không dám ngồi ngay ngắn trên ghế, mà chỉ đặt một mông trên ghế.
– Sa trĩ nghẹt: Hiện tượng này sẽ làm cho búi trĩ phù nề, có khi sưng rất to, không thể đẩy lên được làm cho bệnh nhân rất đau.
– Bệnh nhân có ổ áp xe đi kèm, nằm ngay dưới lớp niêm mạc hay nằm trong hố ngồi – trực tràng… cũng gây đau. Bệnh nhân có chảy dịch nhầy ở hậu môn. Dịch nhầy này có thể do sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn, thường xảy ra khi bệnh nhân có kèm theo sa trĩ nặng, có khi là triệu chứng của bệnh lý khác như viêm trực tràng, u trực tràng… Ngoài ra, bệnh nhân bị ngứa hậu môn và quanh hậu môn do viêm da bởi các chất dịch nhầy. Triệu chứng xảy ra cũng có thể do các bệnh lý ngoài da hay hậu quả của các toa thuốc tại chỗ trong điều trị.
– Nứt kẽ hậu môn: Tổn thương này làm bệnh nhân rất đau (nhất là khi đi cầu), làm bệnh nhân không dám đi cầu.
Bệnh trĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí và đau đớn, bất tiện cho bệnh nhân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh