✴️ Đại cương xạ trị và hóa trị ung thư (P1)

Nội dung

Điều trị ung thư có các phương pháp cơ bản: Phẫu thuật, xạ trị (điều trị tại chỗ, tại vùng) và điều trị toàn thân (hóa trị, hormone liệu pháp).

Điều trị ung thư có nhiều tiến bộ:

Phẫu thuật: Nội soi.

Xạ trị: 3D, điều biến liều, điều biến thể tích chiếu xạ (rapid art), xạ phẫu, xạ trị trong chọn lọc, xạ trị trong mổ...

Hóa trị: Hóa chất thế hệ mới, kháng thể đơn dòng, thuốc phân tử nhỏ...

Miễn dịch phóng xạ...

 

ĐẠI CƯƠNG XẠ TRỊ UNG THƯ

Xạ trị là phư­ơng pháp điều trị bằng các bức xạ ion hoá năng lư­ợng cao để tiêu diệt các tế bào ung th­ư. Xạ trị bắt đầu được sử dụng vào đầu thế kỷ XX, ngay sau khi bác học Maria Curi phát hiện ra nguyên tố phóng xạ Radium. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, các thiết bị xạ trị có công nghệ tiên tiến ra đời và đang được ứng dụng rộng rãi, xạ trị trở thành một trong 3 phương pháp chính để điều trị ung thư hiện nay.

Vai trò, mục tiêu của xạ trị ung thư.

Vai trò của xạ trị ung thư:

Các kỹ thuật xạ trị gồm: xạ trị chiếu ngoài (Teletherapy); xạ trị áp sát (Brachytherapy) và xạ trị chiếu trong (hay còn gọi là xạ trị chuyển hoá, xạ trị nguồn hở).

Xạ trị được dùng để điều trị hầu hết các loại u đặc: ung thư não, ung thư đầu mặt cổ, vú, phổi, thực quản, tử cung, trực tràng, các sarcoma mô mềm... Xạ trị cũng có thể được dùng trong Leukemia và Lymphoma (ung thư của tế bào tạo máu và hệ thống bạch huyết). Xạ trị có thể điều trị khỏi một số bệnh ung thư giai đoạn I, II như ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng...

Ở các nước càng phát triển, tỷ lệ sử dụng xạ trị trong ung thư càng cao như ở Mỹ là 66%, Anh 60%, Nhật bản, Hàn quốc khoảng > 40%...

Mục tiêu của xạ trị có thể là xạ trị triệt căn hoặc nhằm điều trị tạm thời, điều trị triệu chứng.

Xạ trị triệt căn: Xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác, nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư, đồng thời phải bảo vệ, hạn chế tối thiểu tổn thương tế bào lành.

 Xạ trị dự phòng: Xạ trị để phòng ngừa tái phát hoặc di căn sau phẫu thuật, sau hoá trị.  Liều tại chỗ khoảng 18 - 60Gy, tùy theo loại bệnh ung thư và tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật.

Xạ trị hỗ trợ: Mục đích: Làm giảm thể tích khối u, tiêu diệt các xâm lấn của khối u, biến khối u UT ở giai đoạn không mổ được thành mổ được, hoặc hỗ trợ cho hoá trị đạt hiệu quả. Liều tại u không quá 45Gy.

Xạ trị tạm thời, điều trị giảm nhẹ triệu chứng:

Giảm đau (analgic) trong ung thư di căn xương, gan...

Giảm áp (decompressive) trong ung thư di căn não, tuỷ sống, trung thất, chèn ép tĩnh mạch chủ.

Cầm máu trong chảy máu do ung thư vòm họng, bàng quang, tử cung...

Giảm thể tích khối u, giảm chèn ép nhằm tạo sự dễ chịu cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối hoặc bệnh nhân tuổi quá cao, bệnh nhân mắc các bệnh lý khác mà các biện pháp điều trị khác không thể thực hiện được.

Các phương pháp xạ trị:

Xạ trị ngoài (Teletherapy)

Thiết bị xạ trị ngoài trước đây là máy Cobalt-60 với tia bức xạ gamma, năng lượng 1,25 MeV. Từ những năm đầu 1970 các máy gia tốc tuyến tính, còn gọi là máy gia tốc thẳng (LINAC) ra đời. Năng lượng có rất nhiều mức khác nhau, từ 3MeV đến 15MeV, 18MeV... Máy hiện đại có ống định hướng chùm tia đa lá (Multi Leaf Colimator - MLC) với sự điều khiển tự động cho phép thực hiện được các kỹ thuật xạ trị theo hình thái khối u, xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy - IMRT). Hiện nay dao gamma (Gammaknife) và dao tia X (Cyberknife) được ứng dụng khá rộng rãi và hiệu quả.

Xạ trị áp sát (Brachytherapy)

Phân loại theo vị trí tổn thương:

Xạ trị áp sát trong các xoang, các hốc: Ung thư cổ tử cung, vòm họng.

Xạ trị áp sát trong mô: Ung thư vú, lưỡi, môi, sàn miệng, tiền liệt tuyến.

Xạ trị áp sát trong lòng ống: Ung thư phế quản, thực quản, trực tràng.

Phân loại theo phương pháp nạp nguồn:

Xạ trị áp sát nạp nguồn tức thì: Nguồn phóng xạ đặt sẵn trong dụng cụ mang nguồn (applicator), được đưa vào vị trí khối u cùng một thì.

Xạ trị áp sát nạp nguồn sau: Nguồn phóng xạ được đưa vào vị trí điều trị của bệnh nhân sau khi dụng cụ mang nguồn đã được đặt sẵn trước đó.

Xạ trị áp sát nạp nguồn trực tiếp: Nguồn phóng xạ được đưa trực tiếp bằng tay vào vị trí điều trị của bệnh nhân mà không có dụng cụ mang nguồn.

Xạ trị áp sát nạp nguồn từ xa: Người ta dùng bộ phận điều khiển từ xa (Bên ngoài phòng điều trị BN) để đưa nguồn vào vị trí điều trị của bệnh nhân.

Chỉ định:

Phối hợp với xạ trị ngoài: Đây là chỉ định thường được sử dụng để giảm bớt các biến chứng do chiếu xạ ngoài vào mô lành đồng thời tăng tác dụng lên khối u do có thể đưa liều chiếu tại khối ung thư lên cao.

Phối hợp phẫu thuật: Mục đích là để giảm khối lượng khối ung thư giúp phẫu thuật dễ dàng và triệt để hơn.

Điều trị đơn thuần: Ít có chỉ định, chỉ sử dụng cho các trường hợp phát hiện sớm (giai đoạn 0 hay IA) hay các tổn thương vi thể còn lại sau phẫu thuật.

Các vị trí được xạ trị áp sát: Vòm họng, amydal, lưỡi, thực quản, khí quản, bàng quang, trực tràng, cổ tử cung, các ung thư nông ở ngoài da...

Xạ trị chuyển hoá

Là loại xạ trị dùng dược chất phóng xạ đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm, sau đó dược chất phóng xạ sẽ tập trung tại mô ung thư, tại đây các dược chất phóng xạ phát ra các bức xạ alpha hoặc beta làm chết các tế bào ung thư như (là nội dung của y học hạt nhân điều trị).

Các chỉ định xạ trị trong điều trị ung thư

Xạ trị đơn thuần:

Chỉ định xạ trị đơn thuần cho các trường hợp:

Các khối u kích có thước nhỏ, được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư vùng Tai - Mũi - Họng, Vú, cổ Tử cung.

Ung thư nhạy với tia phóng xạ: Hodgkin, u lympho không Hodgkin, UT tinh hoàn....

Ung thư không mổ được:

Vì vị trí: Vòm họng, 1/3 trên thực quản.

Vì khối ung thư xâm lấn rộng tại chỗ, tại vùng hoặc đã có di căn xa, ung thư giai đoạn muộn, tia xạ mang tính chất tạm thời.

Bệnh nhân từ chối phẫu thuật.

Bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng kém.

Ung thư ở giai đoạn muộn, xạ trị điều trị triệu chứng: giảm đau, cầm máu, chống chèn ép...

Xạ trị kết hợp với phẫu thuật:

Có thể chiếu xạ tại cùng một mô đích hay ở các mô đích khác nhau (tại khối u, tại hạch hoặc tại ổ di căn).

Xạ trị tiền phẫu:

Mục đích: Giảm thể tích, chuẩn bị cho phẫu thuật lấy triệt để khối u, giảm nguy cơ tái phát, di căn của ung thư vào các bộ phận lân cận.

Tổng liều thường không quá 30Gy, phẫu thuật sau xạ trị 4 - 6 tuần.

Chỉ định:

Ung thư vú > 3cm.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn (T3, T4).

Ung thư trực tràng

Một số ung thư vùng đầu cổ, ung thư phế quản hay ung thư mô mềm.

Xạ trị hậu phẫu:

Được tiến hành khi lấy không hết được khối u, có nhiều nguy cơ tái phát, hoặc khi nạo vét hạch dương tính: Ung thư TMH, vú, cổ tử cung, phế quản…

Xạ trị vào hạch vùng sau mổ ung thư tinh hoàn.

Điều trị bảo tồn các ung thư vú.

Phòng ngừa tái phát sau cắt đốt sống di căn.

Xạ trị trong lúc phẫu thuật:

Xạ trị lúc đang mở bụng trong phẫu thuật ung thư  vú, dạ dày, ung thư tuỵ, trực tràng. Nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư rơi vãi trong phẫu thuật. Liều duy nhất 15 - 25Gy.

Xạ trị kết hợp với hoá trị.

 

HÓA CHẤT ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ

Vai trò của điều trị hoá chất trong ung thư

Hóa trị ung thư (cancer chemotherapy) là một trong các biện pháp điều trị ung thư mang tính chất toàn thân, được hiểu là phương pháp điều trị ung thư bằng các thuốc hóa học có tính chất gây độc tế bào (cytotoxic drug).

Trong 2 thập kỷ qua việc điều trị hóa chất kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị đã cải thiện đáng kể kết quả điều trị nhiều loại UT. Đối với những trường hợp đã cắt bỏ khối u, không còn biểu hiện, dấu hiệu lâm sàng của khối u còn sót, việc điều trị bằng hóa chất bổ sung là nhằm khống chế di căn còn sót lại, khu trú hoặc lan xa.

Về chỉ định hóa trị: không phải UT ở tất cả các giai đoạn đều đáp ứng với hóa chất, vì vậy, chỉ định hóa trị cần căn cứ giai đoạn bệnh và trên từng trường hợp cụ thể.

Các nhóm thuốc chống ung thư

Các hóa chất chống ung thư đều là chất gây độc tế bào, làm chết và hủy hoại tế bào, chia 2 nhóm:

Nhóm 1: Gồm các chất tác dụng không đặc hiệu phase (phase non specific agents) nó tác dụng lên một phase bất kỳ trong chu kỳ phân bào. Nhóm này gồm 2 nhóm phụ:

Nhóm các chất tác dụng đặc hiệu trên chu kỳ phân chia tế bào (cycle specific agents), chúng làm chết, làm hủy hoại tế bào đang phân chia. Trong nhóm này có các hóa chất thuộc nhóm Alkyl.

Nhóm khác, gồm các chất tác dụng không đặc hiệu trên chu kỳ phân chia tế bào (cycle nonspecific agents), chúng giết các tế bào không phân chia. Trong nhóm này có steroid, kháng sinh chống UT.

Nhóm 2: gồm các chất tác dụng đặc hiệu phase (phase specific agents). Các chất này tác dụng trực tiếp vào một phase nào đó của vòng sống tế bào. Thí dụ: Asparaginase tác dụng vào phase G1; các chất chống chuyển hóa tác dụng vào phase S; Các chất nhóm Alkyl tác dụng vào phase M của chu kỳ phân bào, là thuốc có hiệu quả điều trị cao vì ở pha này tế bào nhạy cảm nhất với thuốc.

Nhóm alkyl hóa:

Thuốc tác động tranh chấp với các chất chuyển hoá bình thường làm ức chế quá trình tổng hợp enzym của tế bào và tổng hợp nên những chất không hoạt động, tác dụng làm thay đổi cấu trúc ADN.

Cơ chế tác dụng: Các thuốc tổng hợp tác dụng lên phase G1, M trong chu kỳ phân bào nhờ quá trình gắn đôi với base nitơ của ADN. Kết quả thuốc làm rối loạn tổng hợp acid nhân, protein tế bào dẫn đến làm ngừng phát triển và nhân lên của tế bào UT.

Một số thuốc nhóm Alkyl: Cyclophosphamid, Mephalan, Clorambucin; Busulfan; Dacarbazin; Cisplatin, Carboplatin...

 

Xem tiếp: Đại cương xạ trị và hóa trị ung thư (P2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top