✴️ Điều trị hóa chất cho người bệnh có vi rút HIV

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Nhiễm HIV không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư tuy nhiên người ta thấy tình trạng suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV tạo điều kiện thuận lợi cho một số ung thư phát triển như sác-côm Kaposi, u lympho không Hodgkin, ung thư ống hậu môn, ung thư cổ tử cung…Người bệnh AIDS có 40  nguy cơ mắc thêm bệnh ung thư trong suốt thời gian sống còn lại và ngày nay do có các thuốc kháng virút mới có hiệu quả nên thời gian sống thêm của người bệnh AIDS kéo dài hơn, số ca mắc ung thư trên người bệnh AIDS cũng nhiều hơn.  

Có 4 loại bệnh ung thư thường gặp ở người nhiễm HIV đó là: sarcom Kaposi, u lympho không Hodgkin, ung thư cổ tử cung và ung thư ống hậu môn. Ngoài ra người bệnh nhiễm HIV cũng có thể mắc bất kỳ loại ung thư nào khác.

Người bệnh ung thư nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị và theo dõi như các người bệnh ung thư không nhiễm HIV. 

 

CHỈ ĐỊNH

Những người bệnh nhiễm vi rút HIV bị ung thư ở giai đoạn có chỉ định điều trị hoá chất.

Thể trạng, chức năng các cơ quan, đặc biệt chức năng hệ miễn dịch đảm bảo an toàn khi điều trị hoá chất. 

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh nhiễm HIV giai đoạn cuối kèm theo tổn thương gây suy giảm chức năng gan, thận, hô hấp …không đủ điều kiện điều trị hoá chất.

Người bệnh đang mắc các nhiễm trùng nặng (cần điều trị trình trạng cấp tính trước sau đó xét điều trị hoá chất sau).

Người bệnh, gia đình không hợp tác trong quá trình điều trị. 

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện 

Gồm bác sĩ Nội khoa Ung thư phối hợp với bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm, điều dưỡng viên.

Hỏi bệnh: khai thác bệnh sử, tiền sử bệnh ung thư, tình trạng nhiễm HIV. 

Khám lâm sàng kỹ lưỡng: khối u, các hạch ngoại vi, các cơ quan, bộ phận.

Chẩn đoán xác định ung thư bằng mô bệnh học (hoặc tế bào học trong một số trường hợp không thể xác định được bằng mô bệnh học). 

Làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cần thiết: chụp X-quang ngực, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hạt nhân .v.v.

Các xét nghiệm đặc hiệu theo loại bệnh và các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan như gan, thận, tu  xương, tim mạch.

Xét nghiệm máu: công thức máu, nhóm máu

Các xét nghiệm đánh giá chức năng hệ miễn dịch, CD4, CD8.

Trong quá trình thăm khám, xét nghiệm đảm bảo đúng quy trình vệ sinh, xử trí chất thải đối với người bệnh nhiễm HIV.

Cần đánh giá đầy đủ giai đoạn bệnh HIV, giai đoạn bệnh ung thư, thể trạng người bệnh, các bệnh kèm theo từ đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ ung thư, bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm, người bệnh và gia đình để lập kế hoạch điều trị, chăm sóc và theo dõi cho cả 2 bệnh ung thư và HIV.

Phương tiện

Phòng riêng cho người bệnh

Các dụng cụ để thực hiện các thủ thuật riêng cho người bệnh -Các thuốc, dụng cụ, thiết bị tiệt trùng thích hợp.

Các vật dụng sinh hoạt riêng cho người bệnh

Người bệnh

Cần giải thích rõ về tình trạng bệnh, khả năng điều trị, kế hoạch điều trị, mục đích điều trị, các bước tiến hành và các tác dụng phụ, độc tính, các biến chứng có thể xảy ra để người bệnh biết và chuẩn bị tâm lý.

Hướng dẫn người bệnh, gia đình các việc cần thiết để phối hợp thực hiện.

Hồ sơ bệnh án

Bệnh án cần được làm đầy đủ thủ tục hành chính, ghi nhận xét trong quá trình khám, điều trị và ghi y lệnh đầy đủ theo quy chế bệnh án. 

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Nơi tiến hành

Tiến hành tại cơ sở y tế 

Kiểm tra hồ sơ 

Kiểm tra hồ sơ về chẩn đoán, chỉ định thuốc, liều dùng, đường dùng.

Kiểm tra người bệnh

Đối chiếu người bệnh với hồ sơ, đảm bảo đúng người bệnh. Khám lâm sàng, ghi nhận các triệu chứng, các dấu hiệu sinh tồn vào bệnh án, phiếu theo dõi.

Điều trị hoá chất

Nhân viên y tế tuân thủ các quy định khi thăm khám điều trị cho người bệnh nhiễm HIV:

Áp dụng các biện pháp dự phòng để bảo vệ da và niêm mạc khi tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bất kỳ người bệnh nào.

Những nhân viên y tế có tổn thương xuất tiết hoặc viêm da rỉ nước ở chỗ dễ tiếp xúc, không được trực tiếp chăm sóc người bệnh khi tổn thương chưa lành.

Nhân viên y tế phải mang găng tay cao su, khẩu trang khi lấy máu, tiếp xúc với các bệnh phẩm, dịch tiết của người bị nhiễm HIV, người bệnh AIDS. 

Nhân viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn người nhà người bệnh chăm sóc người bệnh, sử dụng găng tay cao su khi tiếp xúc với dịch tiết hoặc máu của người bệnh. 

Chú ý các tương tác thuốc chống virút HIV và các hoá chất chống ung thư.       

Chú ý đến tác dụng phụ của hoá chất, đặc biệt tác dụng phụ hạ bạch cầu trên cơ sở suy giảm miễn dịch ở người bệnh nhiễm HIV. Điều chỉnh liều thích hợp để giảm nguy cơ hạ bạch cầu nặng (thông thường dùng liều hoá chất thấp hơn liều chuẩn). Thông báo cho người bệnh, gia đình các tác dụng phụ có thể xảy ra để phối hợp thực hiện.

Điều trị các bệnh phối hợp khác như viêm nhiễm, loét da, rối loạn tiêu hoá… Tăng cường dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần cho người bệnh ung thư nhiễm HIV. 

Đối với hoá chất đường uống:

cho người bệnh uống theo liều lượng chính xác.

Đối với hoá chất dùng đường tiêm truyền 

Tiêm các thuốc hỗ trợ (chống nôn, kháng histamine, corticoid) theo y lệnh. -Chuyển từ chai dịch sang các chai có hoá chất đã pha theo y lệnh. Thay chai lần lượt theo thứ tự ghi trong y lệnh. Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.

Thông thường, sau truyền hoá chất cần truyền dịch đẳng trương để tráng ven. Số lượng cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định.

Nhân viên y tế tiến hành trực tiếp việc tiêm chích, truyền máu... cho người bệnh HIV/AIDS cần có sổ theo dõi ghi đầy đủ các chi tiết về ngày tháng bị tổn thương do kim hoặc dụng cụ sắc nhọn đâm phải và cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ (xét nghiệm HIV 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng). 

Khi tổn thương hoặc bị máu bắn vào da phải sát khuẩn ngay vùng da bị nhiễm bẩn bằng các dung dịch sát khuẩn (cồn 700, iod...). 

Kết thúc truyền

Đối với tĩnh mạch ngoại vi: khoá dây truyền và rút kim, dùng bông vô khuẩn đặt lên chỗ tiêm, giữ bông một lúc cho máu hết chảy.

Đối với ống thông tĩnh mạch: Tháo dây truyền khỏi catheter và lắp nút đậy. Một số catheter cần bơm thuốc chống đông vào trong trước khi đậy nút để tránh đông máu gây tắc. Lượng thuốc chống đông sẽ do bác sĩ chỉ định trong y lệnh. Lau dịch, máu bị chảy trong khi tháo dây

Đối với buồng tiêm truyền dưới da: Bơm thuốc chống đông vào trong buồng tiêm truyền trước khi rút. Lượng thuốc do bác sĩ chỉ định trong y lệnh.

Dọn dẹp, bảo quản dụng cụ

Kim, bơm tiêm dùng một lần cho người bị nhiễm HIV và người bệnh AIDS được bỏ vào thựng hoặc túi riêng không thấm nước, không bị chọc thủng để đưa đi đốt hàng ngày và chôn ở nơi qui định. 

Khi sàn nhà, mặt bàn bị dịch tiết hoặc máu của người bệnh dây bẩn, phải đổ nước sát khuẩn phủ kín chỗ đó rồi lau sạch bằng vải hoặc giấy thấm, sau đó cọ rửa bằng xà phòng và nước sạch. 

Quần áo ga giường và đồ vải của người bệnh được thu lại trong túi không thấm nước (túi nylon) hoặc thùng nhựa và xử trí bằng hóa chất như ngâm trong nước Javel 20 phút (hoặc luộc sôi) trước khi giặt. 

Các dụng cụ đồ vải dựng vào việc săn sóc hộ lý người bệnh AIDS và người nhiễm HIV phải để riêng. 

Các dụng cụ y tế sau khi dựng phải được khử khuẩn theo "Quy định đảm bảo vô trùng trong khám chữa bệnh" của Bộ Y tế, số 937/BYT - QĐ ngày 04/09/1992.  -Ghi hồ sơ: ngày giờ tiêm truyền, thời gian tiêm truyền: giờ bắt đầu và giờ kết thúc.

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi

Điều dưỡng cần đến quan sát người bệnh và đường truyền 15 phút một lần để đề phòng các tai biến có thể xảy ra.

Xử trí tai biến

Nếu người bệnh bị phản ứng với bất kỳ thuốc nào, phải ngừng tiêm, truyền ngay và báo cáo với bác sĩ.

Đối với choáng phản vệ: xử trí như choáng phản vệ với các thuốc khác.

Nếu có hiện tượng thoát mạch, cần khoá đường truyền, báo cáo bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top