ĐỊNH NGHĨA
Gây dính màng phổi bằng hóa chất đối với tràn dịch màng phổi ác tính là phương pháp gây phản ứng viêm lan tỏa và kích hoạt fibrin làm lá thành và lá tạng màng phổi dính lại với nhau, mục đích là ngăn chặn sự tiết dịch màng phổi và giúp phổi nở và hoạt động.
CHỈ ĐỊNH
Tràn dịch màng phổi được khẳng định là do bệnh ác tính (ung thư) với số lượng nhiều, tái lập nhanh mà không điều trị triệt để được bằng các phương pháp điều trị toàn thân.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Các trường hợp không phải tràn dịch, tràn dịch do các nguyên nhân khác (không phải ung thư).
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Gồm bác sĩ chuyên khoa ung thư, điều dưỡng viên.
Hỏi bệnh: khai thác bệnh sử, tiền sử, các bệnh kèm theo.
Khám lâm sàng kỹ lưỡng, đánh giá hết các tổn thương trong và ngoài lồng ngực.
Đánh giá thể trạng người bệnh.
Đánh giá chức năng các cơ quan, khả năng chịu đựng được thủ thuật của người bệnh.
Làm các xét nghiệm nhóm máu, công thức máu, chức năng đông máu.
Phương tiện
Ống dẫn lưu màng phổi: Dẫn lưu màng phổi bằng ống cỡ 10-14F là tốt nhất hoặc có thể dùng dùng ống cỡ 24 – 32F.
Các dụng cụ để tiến hành thủ thuật chọc hút, dẫn lưu dịch màng phổi: troca, máy hút, bơm tiêm, gạc, băng dính, khay quả đậu.
Thuốc hay được sử dụng trong bơm vào khoang màng phổi là bleomycin. Các thuốc khác bao gồm fluorouracil, interferon-a được sử dụng ít hơn.
Thuốc giảm đau: Lidocain.
Người bệnh
Giải thích kỹ cho người bệnh thủ thuật, các bước cơ bản trong quá trình tiến hành thủ thuật để tránh lo lắng và người bệnh có thể hợp tác, phối hợp. Nếu cần cho người bệnh dùng thuốc an thần vào buổi tối hôm trước.
Cho người bệnh ký giấy đồng ý thực hiện thủ thuật.
Hồ sơ bệnh án
Bệnh án cần được làm đầy đủ thủ tục hành chính, ghi nhận xét trong quá trình khám, điều trị và ghi y lệnh đầy đủ theo quy chế bệnh án.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Nơi tiến hành thủ thuật
Phòng thủ thuật phải vô trùng có đầy đủ phương tiện và thuốc cấp cứu, hộp chống sốc.
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra hồ sơ về chẩn đoán, chỉ định thủ thuật, bằng chứng về sự đồng ý của người bệnh thực hiện thủ thuật.
Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu người bệnh với hồ sơ, đảm bảo đúng người bệnh. Khám lâm sàng, ghi nhận các triệu chứng, các dấu hiệu sinh tồn vào bệnh án, phiếu theo d i.
Chọc tháo dịch
Dịch dẫn lưu nên được tháo ra từ từ, nên tháo dịch < 1-1.5 lít/lần và theo d i sát người bệnh hoặc cho ra từ từ khoảng 500ml/giờ. Ngừng tháo dịch nếu người bệnh tức ngực, ho hoặc có triệu chứng sốc cường giao cảm.
Không cần hút ống dẫn lưu (để cho dịch chảy ra theo nguyên lý xi-phông), nhưng nếu hút thì hút với áp lực thấp. Trong trường hợp phổi nở không hoàn toàn và kèm theo tràn khí thì cho hút liên tục dẫn lưu màng phổi với áp lực tăng dần đến (-) 20cmH2O.
Khi dẫn lưu màng phổi sạch dịch (phổi nở được xác định trên X quang) thì tiến hành gây dính màng phổi.
Bơm thuốc tê Lidocaine 3mg/kg (tổng liều không quá 250mg) vào khoang màng phổi trước khi gây dính. Theo dõi liên tục độ bão hòa oxy ở đầu ngón tay và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ hồi sức.
Bơm hoá chất màng phổi
Có thể sử dụng một trong các chất sau đây:
Bleomycin 1mg/kg hoặc 40mg/m2 diện tích bề mặt cơ thể, pha trong 100ml dung dịch Natri clorua 0,9 rồi bơm vào màng phổi, kẹp giữ ống.
Fluorouracil 2-3g (tổng liều) pha với 100ml dung dịch Natri clorua 0,9% .
Interferon α 50 x 106 đv pha với 50-100ml dung dịch Natri clorua 0,9%.
Do thuốc thường gây các triệu chứng giống cúm, người bệnh nên được dùng acetaminophen 650mg trước khi dùng interferon và lặp lại sau 6 giờ. Meperidine 25mg tiêm tĩnh mạch chậm để tránh cơn rét run do interferon.
Kẹp và rút bỏ ống dẫn lưu màng phổi
Ống dẫn lưu được cặp lại và người bệnh được thay đổi tư thế nằm ngửa, sấp, nghiêng cứ 15 phút trong 2 đến 6 giờ tiếp theo. Sau đó ống dẫn lưu được kết nối trở lại để dẫn lưu tự do (theo trọng lực của dịch) hoặc hút liên tục trong ít nhất 18 giờ để đảm bảo bề mặt các màng phổi giữ được tiếp giáp với nhau và phòng ngừa sự dịch tái lập nhanh do phản ứng với thuốc bơm vào.
Nếu dẫn lưu ra ít hơn 40-50mL trong 12 giờ, có thể rút ống dẫn lưu và chụp phim ngực để đảm bảo không có tràn khí trong khi rút ống. Nếu ống dẫn lưu tiếp tục chảy trên 100mL/24 giờ sau lần bơm thuốc cuối, cần tiếp tục để ống nguyên vị trí trong 48-72 giờ nữa để đảm bảo các màng phổi có thể dính với nhau tối đa.
Rút ống ngực ngay khi Xquang phổi cho thấy phổi nở hoàn toàn và không thấy ứ dịch.
Do các thuốc gây xơ có thể gây đau, thầy thuốc nên cân nhắc sử dụng các giảm đau theo lịch trình, đặc biệt trong 24 giờ đầu.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi
Theo dõi toàn trạng, mạch, huyết áp, nhịp thở, tinh thần người bệnh trong suốt quá trình dẫn lưu dịch, bơm thuốc và lưu thuốc trong khoang màng phối.
Nếu có tràn khí, tràn máu màng phổi cần xử trí kịp thời.
Xử trí tai biến
Nếu có hiện tượng tràn khí, cần dẫn lưu khí kịp thời. Tìm nguyên nhân tràn khí và xử trí nguyên nhân.
Nếu có tràn máu màng phổi cần xử trí kịp thời: thuốc chống đông, mở ngực nếu cần, truyền máu...
Nếu người bệnh bị phản ứng với bất kỳ thuốc nào, phải ngừng bơm thuốc đó, xử trí tuỳ theo mức độ phản ứng dị ứng.
Đối với choáng phản vệ: xử trí như choáng phản vệ với các thuốc khác.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh