✴️ Siêu âm dẫn hướng chọc hút tế bào bằng kim nhỏ chẩn đoán tổn thương giáp trạng

ĐỊNH NGHĨA

Là kỹ thuật hiện hình tổn thương tại tuyến giáp và dẫn hướng cho kỹ thuật chọc hút lấy mẫu tế bào chẩn đoán.

 

CHỈ ĐỊNH

Tổn thương giáp trạng không sờ thấy trên lâm sàng

Tổn thương nghi ngờ trên lâm sàng, trên siêu âm hoặc trên người có nguy cơ cao với kích thước từ 0,7 tới 2cm  -Tổn thương trên siêu âm có kích thước >2cm nhưng khó xác định trên lâm sàng hoặc ở vị trí gần các tạng vùng cổ

Nang giáp chiếm trên 25% là tổ chức

Những trường hợp chọc mù không thành công.

Tổn thương trong tổ chức tuyến giáp ở người nguy cơ cao: 

Tiền sử xạ trị ngoài ở trẻ em

Tiền sử gia đình có ung thư giáp thể tủy

Tiền sử cá nhân hay gia đình bệnh Cowden hoặc đa polype gia đình

Tập trung calcitonine tăng gấp 2 lần

Nốt tổn thương giáp kèm hạch bệnh lý

Phát hiện nốt tổn thương giáp trên khung cảnh di căn chưa r  nguyên phát.

Các tổn thương trong tổ chức tuyến giáp có dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ ác tính: 

Nốt tổn thương giáp chắc, cố định

Khó phát âm (liệt dây quặt ngược), khó nuốt

Nốt tổn thương giáp kèm hạch bệnh lý sờ thấy trên lâm sàng

Các tổn thương có dấu hiệu siêu âm nghi ngờ ác tính: 

Nốt tổn thương giáp tăng kích thước trên 20% so với lần khám kế trước đó.

Nốt tổn thương giáp có ít nhất 2 dấu hiệu sau: nốt đặc và giảm âm, vôi hoá nhỏ rải rác, bờ và giới hạn không rõ, dạng khối chiều cao lớn hơn chiều rộng, mạch hoá dạng hỗn hợp (trung tâm hoặc ngoại vi và trung tâm)

Nốt tăng chuyển hoá khu trú trên chụp PET-CT

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định với chọc hút tế bào bằng kim nhỏ trong chẩn đoán tổn thương giáp

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

01 bác sỹ chẩn đoán hình ảnh

01 điều dưỡng trợ thủ kỹ thuật

Phương tiện 

Máy siêu âm với đầu dò phẳng, tần số từ 7-14MHz, có dụng cụ bảo vệ vô khuẩn.

Bộ dụng cụ vô trùng gồm: Dung dịch sát khuẩn, khay, gạc, toan có lỗ, găng tay...

Bơm tiêm 20ml, kim tiêm.

Lam kính

Người bệnh 

Giải thích để người bệnh hiểu sự cần thiết làm xét nghiệm, yên tâm và phối hợp với thầy thuốc.

Hồ sơ bệnh án:

Theo quy định của Bộ Y tế.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Người bệnh nằm ngửa, kê gối dưới vai-gáy và nâng đầu lên cao, ngửa ra sau, mặt quay về bên đối diện nhằm bộc lộ vùng thăm khám (nếu người bệnh khó thở vì cao huyết áp, tim mạch không kê cao gối).

Tiến hành sát trùng rộng vùng chọc dò.

Dùng đầu dò nông phẳng xác định vị trí tổn thương hoặc lựa chọn tổn thương nghi ngờ nhất trong trường hợp đa nhân. Lựa chọn đường chọc kim dọc theo trục đầu dò và trên nguyên tắc đường đi ngắn nhất (chọn vị trí thao tác thuận lợi và tránh các mạch máu lớn).

Sử dụng kim nhỏ loại 25 Gauges có gắn bơm tiêm hoặc không

Tiến hành đưa kim tới tổn thương đích dưới định vị của siêu âm, đồng thời xác định kim chắc chắn nằm trong tổn thương bằng 2 lát cắt vuông góc. Dịch lấy được từ tổn thương dựa vào lực mao dẫn (kim không gắn bơm tiêm) hoặc hút dưới áp lực của séringue đối với kim có gắn bơm tiêm.

Sát trùng, băng ép sau rút kim.

Bệnh phẩm lấy được sẽ được trải đều trên 1 hoặc 2 lam kính và để khô tự nhiên.

Tiến hành các thao tác tương tự từ 2 tới 5 lần trên mỗi tổn thương ở các điểm khác nhau.

Các lam kính được gửi tới phòng tế bào học để chẩn đoán bệnh.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Thường không có tai biến trong chọc hút tế bào kim nhỏ tổn thương giáp

Có thể có máu tụ trên đường chọc hút nhưng thường tự hết sau vài ngày. Khắc phục bằng cách dùng gạc vô trùng băng ép sau rút kim.

Nhiễm trùng vị trí chọc hút: hiếm gặp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top