Ung thư dạ dày giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của bệnh ung thư. Lúc này các tế bào ung thư ở dạ dày đã phát triển không kiểm soát, di căn sang nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như hạch bạch huyết, phổi, xương, gan, não…
Các triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Ung thư dạ dày là bệnh nguy hiểm thường gặp nhất trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Bệnh thường khó phát hiện sớm ở giai đoạn đầu nhưng khi tiến triển sang giai đoạn cuối, các dấu hiệu bệnh rõ ràng hơn.
Người bệnh ở giai đoạn này sẽ nhận thấy:
- Đau quặn bụng: ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã phát triển vượt ra khỏi thành dạ dày, phát triển mạnh gây ra những cơn đau ở vùng bụng. Cơn đau có thể xuất hiện mọi lúc, khi đói, khi no. Số lần xuất hiện cũng liên tục hơn khiến người bệnh đau toát mồ hôi, nhiều trường hợp phải sử dụng tới thuốc giảm đau nhưng không thuyên giảm.
Các triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn cuối nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Chán ăn, ăn kém: tế bào ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối phát triển to khiến người bệnh cảm thấy nhanh no, ăn kém, thậm chí chán ăn, mất cảm giác ngon miệng. Triệu chứng này cũng có thể là do tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị bệnh.
- Nôn ra máu: ở giai đoạn cuối, người bệnh có thể thường xuyên bị nôn ra máu kèm thức ăn do khối u phát triển lớn, bị vỡ gây chảy máu.
- Đại tiện ra máu: khi khối u ở dạ dày bị vỡ gây chảy máu sẽ đào thải cùng phân ra ngoài khi đại tiện, nên bạn sẽ thấy đi ngoài có lẫn máu với lượng lớn.
- Táo bó hoặc tiêu chảy kéo dài: ở giai đoạn cuối, cơ thể mệt mỏi, ăn kém khiến hệ tiêu hóa của người bệnh hoạt động không trơn tru, khả năng bài tiết qua hậu môn kém nên dễ bị táo bón hoặc tiêu chảy trong thời gian dài.
- Sụt cân nghiêm trọng: người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối sẽ nhận thấy cân nặng sụt giảm nghiêm trọng do ăn uống kém
- Xuất hiện khối u lớn trong bụng: ở giai đoạn cuối, người bệnh có thể sờ thấy khối u bên trong bụng với kích thước lớn, cứng, đau.
Các triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn cuối gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nên người bệnh cần phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để giảm triệu chứng, cải thiện sớm bệnh.
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày bị bệnh thì ở giai đoạn cuối, phẫu thuật ít được sử dụng hơn. Lý do là bởi ở giai đoạn này, kích thước khối u to, các tế bào ung thư đã di căn sang nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể nên khó có thể phẫu thuật.
Ở giai đoạn cuối, hóa trị là phương pháp thường được áp dụng.
Với người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, phương pháp thường được áp dụng là hóa trị. Các loại thuốc hóa chất được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch đi khắp toàn thân, ngăn ngừa triệu chứng do khối u gây ra và ngăn chặn tế bào ung thư tiếp tục phát triển, di căn.
Hóa trị được truyền theo từng đợt. Ở mỗi đợt truyền hóa chất, người bệnh có thể gặp những tác dụng phụ như rụng tóc, thiếu máu, buồn nôn, da xanh xao, mệt mỏi. Thế nhưng các triệu chứng này sẽ mất sau khi kết thúc đợt hóa trị.
Sau hóa trị, nếu khối u đã được thu nhỏ dần, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.
Ung thư dạ dày giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nên khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh. Mục đích của việc điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát và kéo dài cơ hội sống.
Lưu ý đối với người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối cần được chăm sóc tích cực để hồi phục sớm tình trạng sức khỏe.
- Người nhà cần chú ý động viên tinh thần, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, nói chuyện với người bệnh, khuyến khích người bệnh yên tâm điều trị. Nếu tâm lý ổn định sẽ giúp hồi phục sớm sức khỏe.
Người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt để hồi phục sớm sức khỏe.
- Người nhà cần chú ý tới chế độ ăn uống hàng ngày của người bệnh, khuyến khích người bệnh chịu khó ăn uống để tăng cường sức khỏe, đồng thời thay đổi thực đơn hàng ngày để giúp người bệnh dễ ăn uống và hấp thụ hơn.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, làm việc quá sức. Nên tạo thú vui nghe nhạc, chơi cờ, cắt tỉa cây cảnh hoặc vận động nhẹ nhàng bằng các môn thể thao yêu thích như đi bộ, yoga, dưỡng sinh…
Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám kiểm tra theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp