ĐẠI CƯƠNG
Phẫu thuật và xạ trị đều hiệu quả như nhau trong điều trị triệt căn hầu hết các ung thư da. Việc lựa chọn phương thức điều trị căn cứ vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như ảnh hưởng đến chức năng sau điều trị và thẩm mỹ, tuổi người bệnh, nghề nghiệp, thời gian điều trị và chi phí.
CHỈ ĐỊNH
Thường chỉ định xạ trị triệt căn cho các tổn thương trên và xung quanh mũi, mí mắt dưới và tai. Tổn thương lớn của mép, má.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định tuyệt đối. Phải căn cứ vào từng ca bệnh cụ thể trước khi quyết định. Các chống chỉ định tương đối là:
Người bệnh dưới 45 năm: có nguy cơ ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau (5-10 năm) và nguy cơ gây ung thư thứ hai.
Bệnh gây tổn thương sụn, xương, gân, khớp: nguy cơ hoại tử do xạ trị cao và khả năng điều trị triệt căn thấp.
U ở vùng da đầu, lông mày và lông mi: nguy cơ rụng lông vĩnh viễn.
Tổn thương xung quanh mí mắt trên: nguy cơ khô tuyến lệ đạo và xơ hoá mi trên.
Các tổn thương khóe trong mắt: nguy cơ của hẹp ống lệ tị.
CHUẨN BỊ
Phương tiện
Hệ thống làm khuôn, cố định người bệnh
Hệ thống tính liều TPS
Các máy xạ trị
Người bệnh và gia đình
Phải được giải thích đầy đủ về bệnh, hướng điều trị và tiên lượng
Chấp nhận và tuân thủ chỉ định xạ trị.
Người thực hiện:
Bác sĩ xạ trị, kĩ sư vật lí và kỹ thuật viên .
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thể tích bia
Thể tích bia ban đầu bao hết u, bờ trường chiếu cách mép u độ 1 - 2 cm, tùy thuộc vào vị trí, kích thước và hình dạng u. Không có chỉ định xạ trị vào hạch vùng trừ khi u lớn, ung thư biểu mô vảy xâm nhập (SCC) hoặc có khối u phụ (adnexal tumor).
Thể tích nâng liều chùm hết khối u nguyên phát với biên 0,5-1 cm, tùy thuộc vào kích thước, vị trí và loại khối u.
Đặt người bệnh và lựa chọn trường chiếu
Người bệnh được cố định ở vị trí thuận lợi nhất khi xạ trị (tốt nhất là diện da nằm trong vùng xạ trị nằm trên một mặt phẳng song song với bàn tia để tránh phải quay bàn).
Sử dụng một trường chiếu thẳng trong hầu hết các các trường hợp. Các biên của trường chiếu này cách rìa u 1- 2 cm (có thể 1 cm cho tổn thương u <1 cm và 2 cm cho khối u lớn hơn). Biên trường chiếu có thể nhỏ hơn khi tổn thương u ở gần mắt.
Xạ trị: dùng tia X có mức năng lượng thường từ 75 đến 125 kilovolt hoặc chùm tia điện tử (thường là 6 đến 12 MeV). Lựa chọn năng lượng của tia X hoặc chùm điện tử căn cứ vào độ dày của khối u. Nên chọn chùm tia điện tử có đường đồng liều 98% sâu hơn vài mm tính từ khối u, tính cả có bù liều bề mặt da.
Khoảng cách điều trị khi dùng tia X cũng phụ thuộc vào độ dày của tổn thương. Hình nón khoảng cách 23 cm từ nguồn đến da (SSD) là thích hợp cho các khối u bề mặt, trong khi khoảng cách này là 50 cm thích hợp hơn cho các tổn thương dày hơn để tránh chênh lệch liều lớn qua tổn thương. SSD cho chùm electron thường là 100 cm. Sử dụng khuôn chì để che chắn những vị trí không cần tia. Khuôn chì phải có kích thước đủ lớn phù hợp với chùm điện tử, ít nhất là 4 × 4 cm.
Sử dụng bù liều bề mặt da hoặc che chắn các tia tán xạ khi dùng chum điện tử để đảm bảo liều bề mặt đầy đủ. Che mắt khi xạ trị vào vùng mí mắt bằng tia X hoặc chùm điện tử 8 MeV hoặc thấp hơn. (Lưu ý: lá chắn mắt phải được hiệu chuẩn riêng để giảm độ đâm xuyên).
Liều xạ
Phác đồ điều trị hiệu quả cho điều trị hầu hết các ung thư da bao gồm tổng liều 50 đến 55 Gy trong 20 phân liều, tổng liều 45 Gy trong 15 phân liều, hoặc tổng liều 40 Gy trong 10 phân liều. Nói chung, điều trị kéo dài thì hiệu quả về quả thẩm mỹ tốt hơn. Đối với những khối u lớn, nằm gần với các cấu trúc quan trọng (ví dụ, mắt), liều tối đa là 60 đến 70 Gy trong 30 đến 35 phân liều.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi: Tình trạng viêm tại chỗ
Xử trí: Chăm sóc giảm nhẹ, thuốc chống viêm, kháng sinh (nếu cần)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh