Ung thư dạ dày là bệnh ung thư nguy hiểm và có tỷ lệ mắc cao ở cả nam và nữ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về yếu tố gây ung thư dạ dày và cách phòng ngừa hợp lý.
Nhiễm vi khuẩn HP
HP là vi khuẩn có khả năng sinh sống và cộng sinh trong niêm mạc dạ dày. Chúng là nguyên nhân chính gây ra các ổ viêm loét lâu liền ở dạ dày. Đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Để phát hiện vi khuẩn HP bạn có thể thực hiện nội soi dạ dày hoặc test HP qua hơi thở. Nếu được chẩn đoán dương tính với HP, bạn cần điều trị triệt để chúng bằng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị triệt để vi khuẩn HP sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Mắc bệnh lý mạn tính ở dạ dày
Các bệnh lý ở dạ dày mạn tính như viêm loét dạ dày, đau dạ dày cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Những ổ viêm loét lâu liền trong dạ dày sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, dễ hình thành tế bào ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Cách phòng ngừa ung thư dạ dày từ các bệnh lý mạn tính rất đơn giản. Bạn chỉ cần sử dụng đúng thuốc và đủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ hoàn toàn bệnh lý ở dạ dày.
Có chế độ ăn uống thiếu khoa học
Nếu bạn thường xuyên ăn những thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao, đồ ăn cay nóng, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh được bày bán ở vỉa hè; nghiện rượu bia… sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Những thực phẩm này đi vào cơ thể, khiến dạ dày phải làm việc hết cống suất và bị tốn thương, lâu ngày có thể hình thành tế bào ung thư trong dạ dày.
Chính vì thế, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tích cực vận động thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa béo phì.
Tuổi tác và giới tính
Ung thư dạ dày thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên. Nam giới có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn nữ giới.
Yếu tố này không thể phòng ngừa nên bạn cần chủ động thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để kịp thời phát hiện sớm bệnh (nếu có)
Tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày
Mặc dù ung thư dạ dày không di truyền nhưng nó có liên quan tới gen. Theo đó, nếu trong gia đình có người thân như ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mắc ung thư dạ dày thì bạn cần hết sức chú ý. Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không có yếu tố gia đình ảnh hưởng.
Yếu tố này không thể phòng ngừa nhưng bạn có thể phát hiện sớm mình có mắc ung thư dạ dày hay không bằng cách tầm soát ung thư dạ dày định kỳ.
Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính và có thể tiến triển nhanh chóng, xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác nhau trong cơ thể thông qua hệ bạch huyết và máu. Chính vì thế việc phát hiện và phòng ngừa kịp thời ung thư dạ dày rất cần thiết.
Vì thế, nếu bạn ở độ tuổi từ 40 trở lên và có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh nêu trên, bạn cần chủ động đi khám để kịp thời phát hiện sớm bệnh. Tùy vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh