Trên nền tảng đó, chúng tôi khuyên các bạn nên lựa chọn các thực phẩm sau trong giai đoạn hồi phục.
Trước hết về thịt, chúng tôi khuyên nên chọn thịt bò, thịt gà và thịt lợn thăn. Đây là 3 loại thịt giàu đạm bậc nhất trong số các loại thịt dễ kiếm và phổ thông trên thị trường. Bạn đừng nên chú ý quá nhiều vào thịt ngan, ngỗng, vịt, cá, ốc, hến bởi những loại thịt này có độ đạm không cao.
Người ta đưa ra những cảnh báo thịt đỏ, trong đó có thịt bò, thịt lợn thăn, gây ra những hậu quả không tốt cho sức khỏe như ung thư, các bệnh chuyển hóa. Song đó là về dinh dưỡng dự phòng ở những người thừa cân, béo phì. Trong dinh dưỡng điều trị, cơ thể người vừa được mổ xong đang bị hao hụt dinh dưỡng cho vết mổ, việc bổ sung dinh dưỡng trọng điểm là việc rất cần thiết. Bạn hãy yên tâm lựa chọn những loại thịt này mà chưa cần lo tới nguy cơ này, nguy cơ khác.
Một số người cũng khuyên nên chọn cá như một số loại cá nước ngọt, cá nước mặn. Điều đó đúng. Bởi cá giàu đạm đơn phân, dễ hấp thu, ít chất béo, đa phần lại là chất béo chưa no. Song đánh giá trên tổng số, lượng đạm của cá thua thịt. Loại đạm mà cá cung cấp cũng không hữu dụng như thịt. Mặt khác, sau khi mổ, cơ thể người bệnh đang rất yếu ớt và nhạy cảm, đường tiêu hóa chưa ổn định. Trong khi đó, cá lại là thực phẩm dễ gây tiêu chảy. Cho nên, chúng tôi không khuyên chọn cá trong chế độ ăn. Trứng cũng cùng một nhóm tương tự như cá và chúng tôi không khuyên sử dụng trứng trong những ngày đầu. Nếu bạn muốn sử dụng cá và trứng, bạn cần phải đợi đến giai đoạn hồi phục.
Một số thực phẩm đáng dùng khác trong nhóm thực phẩm động vật đó là sườn lợn, chân giò bởi chúng rất giàu đạm đặc hữu với collagen, sẽ hữu ích cho vấn đề liền vết thương.
Trong nhóm củ, chúng tôi đặc biệt khuyên dùng khoai tây, nhất là khoai tây có xuất xứ từ Việt Nam. Bởi khoai tây rất giàu tinh bột, loại tinh bột hữu dụng, vốn cần thiết cho người đang liền vết mổ. Ước chừng năng lượng tinh bột trong khoai tây chiếm khoảng 70 - 75% tổng giá trị năng lượng của nó. Khoai tây lại là loại củ có hàm lượng protein cao (3% lượng protein trong 1 củ khoai tây). Tuy lượng protein thực vật không cao cấp như động vật song nó cũng góp phần làm giàu thêm loại chất vốn có vai trò số 1 trong liền sẹo. Khoai tây lại chứa nhiều sắt, vốn để bổ sung thêm máu hậu phẫu thuật. Bàn về khía cạnh các chất dinh dưỡng trọng điểm cho liền vết thương, khoai tây đều có đủ cả, trong đó có vitamin A, vitamin C, vitamin B1, axít Pantothenic và kẽm. Khoai tây khi nấu lại tạo ra độ sánh nhất định. Do đó, sẽ rất lý tưởng nếu bạn có ý định sử dụng khoai tây làm món súp trong ngày đầu tiên.
Trong các thực phẩm thực vật, chúng tôi khuyên bạn nên chọn nấm, cà rốt, giá đỗ, rau ngót, rau dền đỏ, rau muống. Tại sao lại chọn các thực phẩm này? Nấm là loại thực phẩm thực vật giàu đạm bậc nhất. Chúng lại khá an toàn, mềm, dễ tiêu. Rất hữu ích với người sau mổ. Cà rốt giàu vitamin A dạng tiền chất. Giá đỗ giàu enzym amylase dễ dàng thủy phân tinh bột thành dạng đơn phân và người bệnh chỉ việc ăn và hấp thu. Rau ngót vừa lành tính, vừa giàu vitamin A, thêm chút xíu protein, nhiều vitamin B. Rau dền đỏ giàu sắt hữu cơ, nhiều vitamin B. Rau muống giàu đậm độ vitamin B, đặc biệt giàu kích thích tố phát triển giúp tăng sinh mô sẹo. Như vậy, chọn chúng sẽ không sai.
Trong các thực phẩm hoa quả, chúng tôi khuyên nên chọn dưa hấu, đủ đủ, xoài, cam vì những vi chất cần cho liền sẹo có rất nhiều trong các loại hoa quả này.
Sữa là một thực phẩm bổ sung rất đáng ghi vào bảng vàng. Bởi sự đa dạng dinh dưỡng trong sữa, sự cân bằng các chất tới mức ưu thế của nó. Các chất dinh dưỡng lại ở dạng hòa tan dễ hấp thu. Thế nên, ngoài chế độ ăn chính, bạn nên chọn bổ sung sữa. Bạn nên chọn loại sữa giàu đạm, nếu không có điều kiện, bạn có thể chọn các loại sữa thông thường, nhưng nên chọn sữa bột thay vì chọn sữa tươi bởi đậm độ dinh dưỡng của sữa bột cao hơn sữa tươi. Bạn không nên chọn ngũ cốc, bột thực phẩm chức năng thay thế sữa dù giá có rẻ hơn vì hiệu quả dinh dưỡng thu được không đáng là bao.
Mọi thứ đã có trong tay bạn, giờ bạn chỉ việc bắt tay vào nấu nướng và lên món.
Thói quen của chúng ta, ốm thì mới nghỉ, mệt thì mới chăm. Và theo lề lối đó, mổ thì mới cần săn sóc dinh dưỡng. Những tưởng đó là điều đúng. Song thực ra lại rất không đúng.
Nếu đợi mổ xong chúng ta mới thiết lập chế độ dinh dưỡng thì có thể được coi là quá muộn. Chúng ta khoan hãy tìm hiểu tại sao lại quá muộn, chúng tôi, trong khuôn khổ bài viết này, muốn nhấn mạnh ở điểm: bạn cần thiết lập chăm sóc dinh dưỡng từ khi trước mổ mới gọi là một chế độ dinh dưỡng phẫu thuật hoàn hảo.
Chăm sóc dinh dưỡng trước mổ mấy ngày sẽ phụ thuộc vào tính chất bệnh lý (nặng hay nhẹ), tính chất cuộc mổ (đơn giản hay phức tạp, mất nhiều máu hay mất ít máu), tình trạng dinh dưỡng của người bệnh (thiếu, thừa hay đủ). Thời điểm bắt đầu và số ngày dinh dưỡng trước mổ cần phải căn cứ vào các yếu tố trên.
Theo đó, nếu như người thân của bạn có bệnh cần phải mổ nhưng có thể trì hoãn được, không phải mổ cấp cứu, bạn có thể tiến hành chăm sóc dinh dưỡng theo ý định. Mức độ dinh dưỡng của người thân ở mức độ trung bình, bạn có thể tiến hành chăm sóc trước mổ chừng 3 ngày. Thời gian này đủ tạo ra kho dự trữ dùng đủ 1 ngày và tạo ra lượng kháng thể dùng đủ trong 2 ngày sau mổ. Đối với mức độ thiếu hụt nặng hoặc cơ thể suy kiệt, tuyệt đối không vội vàng đi mổ bởi sự hồi phục là vô cùng khó khăn. Bạn cần phối hợp với bác sĩ, tiến hành chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt trước mổ từ 7 - 10 ngày với những người này. Thời gian 7 - 10 ngày đủ cho người bệnh vực dậy sức khỏe, tổng hợp đủ lượng kháng thể cần thiết đủ dùng 1 ngày sau mổ.
Nếu các cuộc mổ tối khẩn cấp, chúng ta phải bổ sung dinh dưỡng bằng con đường truyền dịch. Đó là một sự lựa chọn mang tính chất phòng vệ khôn ngoan. Khối lượng dịch truyền thế nào, bao nhiêu, bác sĩ của bạn sẽ quyết định thay cho bạn. Việc của bạn chỉ là chăm người bệnh và quan sát dịch truyền mà thôi.
Trong việc thiết kế chế độ ăn cho người bệnh sau mổ, bạn cần chú ý, với các cuộc mổ can thiệp vào vùng bụng, tuyệt đối không cho ăn uống bất cứ thứ gì trong ngày 1, 2 sau mổ. Chỉ khi nào bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục đường ruột bạn mới bắt đầu cho ăn.
Mức độ lớn của bữa ăn, khối lượng thực phẩm, dạng chế biến thực phẩm khác nhau từng ngày trong những ngày sau mổ, không ngày nào giống ngày nào.
Ngày 1, 2 sau mổ, đường ruột chưa hồi phục, dinh dưỡng ăn vào là không. Dinh dưỡng lúc này chủ yếu qua đường dịch truyền.
Từ ngày 3 sau mổ (có thể muộn hơn với một số người bệnh yếu và người già), bắt đầu cho ăn.
Ngày 3 sau mổ bắt đầu chế độ ăn khởi động ruột. Tổng lượng năng lượng không vượt quá 500kcal và lượng đạm phải đảm bảo ít nhất được 1,0g/kg cân nặng. Chúng tôi quan tâm tới đạm nhiều hơn vì đạm thực sự có giá trị lúc này. Ngày này ăn lỏng hoàn toàn.
Ngày 4, 5 sau mổ thực hiện chế độ ăn chuyển tiếp thứ nhất. Tức là tập cho ruột làm quen với thức ăn rắn. Tổng lượng dinh dưỡng đưa vào chỉ khoảng 700 - 1.000 kcal. Lượng đạm phải đảm bảo mức 1,2 g/kg/ngày. Thức ăn được chế biến dưới dạng cháo loãng hoặc súp đặc.
Ngày 6, 7 sau mổ, thực hiện chế độ ăn chuyển tiếp thứ hai, tức là tập dần ruột về bình thường. Tổng lượng dinh dưỡng phải đạt 1.200kcal, trong đó đạm phải đảm bảo 1,2g/kg/ngày. Thức ăn bắt đầu rắn dần. Bạn có thể cho ăn cháo đặc, mì, bún, phở. Chưa ăn cơm.
Ngày thứ 8 sau mổ trở đi, bạn có thể cho ăn dần bình thường, cơm nấu hơi mềm, đừng nấu rắn. Tổng lượng dinh dưỡng đạt 1.800kcal, tương đương với mức ăn của một người lao động văn phòng, đậm độ dinh dưỡng tăng lên, đạm phải đảm bảo ít nhất 15% tổng giá trị khẩu phần.
Chăm sóc dinh dưỡng tốt, bạn sẽ giúp người bệnh có sức bật tốt. Việc liền vết mổ chỉ là ngày 1 ngày 2 mà chúng ta có thể nhìn thấy trước một tương lai tốt đẹp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh