ĐẠI CƯƠNG
Di động mô mềm là kỹ thuật được thực hiện bằng tay, sử dụng những lực kéo dãn nhỏ tác động đến các tổ chức mềm như da, tổ chức dưới da, cơ, cân mạc, dây chằng, bao khớp để làm tăng sự mềm dẻo, di động của những tổ chức này. Kỹ thuật này phát triển từ hơn 20 năm nay, được sử dụng rộng rãi trong điều trị phục hồi chức năng các tình trạng bệnh lý cơ xương khớp khác nhau.
Di động mô mềm bao gồm các thao tác xoa bóp, kéo dãn theo chiều dọc, di động theo chiều ngang kết hợp với lực ép xuống thích hợp nhằm làm di động các tổ chức phần mềm.
Mục đích và tác dụng:
+ Lưu thông tuần hoàn máu, bạch huyết.
+ Giảm phù nề tại chỗ, giúp phục hồi các mô bị tổn thương.
+ Thư dãn cơ bị co cứng giúp gia tăng tầm vận động khớp, phục hồi các chức năng vận động.
+ Phá vỡ sự kết dính, làm mềm các mô sẹo hoặc các tổ chức xơ sợi, kém đàn hồi.
+ Giảm đau, thư dãn, phục hồi sức khỏe.
CHỈ ĐỊNH
Hạn chế tầm vận động khớp do nguyên nhân mô mềm
Sẹo bỏng ngoài da
Co cứng cơ trong các bệnh lý cột sống như thoái hóa, biến dạng bẩm sinh, thoát vị đĩa đệm…
Viêm bao gân vùng mỏm trâm quay (hội chứng De Quervain), viêm lồi cầu xương cánh tay (hội chứng Tennis elbow), ngón tay lò xo, hội chứng đường hầm cổ tay…
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Các tổn thương ngoài da cấp tính như loét, vết thương hở, viêm nhiễm khuẩn
Bệnh tự miễn, tắc mạch
Các tổn thương tại xương khớp như gẫy xương, trật khớp.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện: Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
Phương tiện
Bàn (giường) tập
Gối kê đỡ các loại
Người bệnh
Kiểm tra lại các thông tin về tình trạng bệnh lý toàn thân cũng như tại chỗ như mạch, huyết áp, tri giác nhận thức.
Lượng giá trước điều trị bao gồm tình trạng đau, mức độ co cứng, tầm vận động khớp, cơ lực, cảm giác…
Hồ sơ bệnh án: Đối chiếu lại người bệnh và chỉ định điều trị.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Giải thích cho người bệnh rõ về mục đích và các bước tiến hành kỹ thuật. Hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi các biến chứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn, hoặc các biểu hiện bệnh lý cần cấp cứu ngay trong khi thực hiện kỹ thuật.
Hướng dẫn người bệnh tư thế nằm hoặc ngồi đúng, thoải mái, thuận tiện để có thể thực hiện được kỹ thuật
Nhẹ nhàng thực hiện các thao tác xoa bóp, kéo dãn theo chiều dọc, di động theo chiều ngang kết hợp với lực ép xuống thích hợp nhằm làm di động các tổ chức phần mềm, trong khi không gây cảm giác khó chịu hay đau đớn cho người bệnh.
Trong khi thực hiện kỹ thuật, phải luôn lưu ý hỏi người bệnh về cảm giác của họ (đau, khó chịu, căng tức…hay thoải mái, thư dãn, giảm đau) để quyết định lực tác động thích hợp.
Thời gian thực hiện kỹ thuật: 15 - 30 phút cho 1 nhóm cơ hay một đoạn chi, một vùng cơ thể tùy theo tình trạng bệnh lý.
Kết thúc kỹ thuật phải kiểm tra lại tình trạng đau, mức độ co cứng, tầm vận động khớp, cơ lực, cảm giác của người bệnh.
Ghi chép hồ sơ bệnh án.
THEO DÕI
Tại vùng điều trị cần theo dõi phát hiện sớm các biến chứng thứ phát như đau, phù nề, tăng co cứng cơ hoặc các biểu hiện viêm tại chỗ do lực tác động quá lớn hoặc không đúng.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.
Tập quá sức: Nghỉ ngơi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh